Saturday, June 25, 2022

Chúa Nhật Tuần XIII Thường Niên – Năm C –26-6-2022

 CN XIII TN

Ga-lát 5:1, 13-18

1Thưa anh em, chính để chúng ta được tự do mà Đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta.  Vậy, anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa… 13 Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do.  Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau. 14 Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. 15 Nhưng nếu anh em cắn xé nhau thì hãy coi chừng: anh em tiêu diệt lẫn nhau đấy! 16 Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa. 17 Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn. 18 Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa.

(Trích Thư Ga-lát, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Có một điểm rất nổi bật trong các thư của Phao-lô, đặc biệt trong thư gởi cộng đoàn Ga-lát, đó là: sự tự do đích thực nhờ tin vào Chúa Kitô Giêsu.  Phao-lô nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các thư của ông, đó là: tự do là một đặc sủng của người theo và thuộc về Chúa Kitô.  Ơn cứu độ của tôi nằm ở đó, tức là nhờ Chúa Kitô Giêsu mà tôi được tự do thật sự, không phải lề luật.  Ai thuộc về Chúa Kitô Giêsu, người ấy thuộc về thần khí, người ấy được tự do thật sự.  Ai không thuộc về Chúa Kitô Giêsu, người ấy còn sống trong Lề Luật và trong xác thịt.  Lưu ý, Phao-lô viết Lề Luật (chữ hoa), tức ngài muốn nói đến lề luật cũ, Luật Mô-sê, một lối sống đạo bị đè bẹp và trói buộc bởi muôn vàn thứ luật lệ, tiếng tăm, cả nể, hình thức bề ngoài, phô trương giả hình.  Trong khi đó, ai thuộc về Chúa Kitô Giêsu, người đó trở nên một tạo vật mới, sống trong Chúa Kitô Giêsu và Chúa Kitô Giêsu sống trong người đó, trở nên một với Ngài.  Đây chính là sự tự do mà Phao-lô đang nói đến.  Tôi có thể lấy lời khuyên của Phao-lô để xét mình, “Nếu anh em cắn xé nhau thì hãy coi chừng: anh em tiêu diệt lẫn nhau đấy!”  Sự cắn xé nhau trong gia đình, trong đoàn thể, trong xứ đạo của tôi đến từ đâu?  Có phải đến từ lối sống nặng tính xác thịt mà Phao-lô đang nói?  Đó là lối sống bề ngoài, trọng hình thức, thích phô trương, sợ mất mặt, ích kỷ quá độ, cái tôi thái quá, không thể khiêm nhường để lắng nghe nhau, đặc biệt không một chút khiêm nhường khi làm lỗi?  Chúng tôi đã đang cắn xé nhau bao lâu rồi?  Trong thất cả những hiềm khích cắn xé nhau, Chúa Kitô Giêsu đang xô đạp dưới chân tôi như thế nào?  Nếu tôi dám xô đạp Chúa Kitô Giêsu dưới chân tôi, chuyện tiêu diệt lẫn nhau là không thể tránh.  Tôi muốn nói gì và xin gì với Chúa Kitô Giêsu trong giây phút này?

2.     Phao-lô giải thích thêm: “Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn.  Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa.”  Lưu ý, “xác thịt” mà Phao-lô nói không có ý chỉ nói đến nhục dục.  Nhục dục chỉ là một phần trong tính xác thịt, vẫn còn chạy theo những hấp dẫn, đòi hỏi và ràng buộc của trần đời, một lối sống không có Chúa Kitô Giêsu, khiến tôi không được tự do thật sự.  Tôi có thể hỏi chính tôi trong giờ cầu nguyện hôm nay: Tôi có thật sự tự do?  Tôi có đang bị lối sống xác thịt ràng buộc và giam hãm?  Tôi có cảm thấy có một sự giằng co trong con người tôi hiện nay giữa sự tự do thuộc về Chúa Kitô Giêsu và sự ràng buộc trong những sợ hãi bởi những sự chỉ trích, sợ chê bai mất mặt, khiến tôi không dám sống thật như Chúa Kitô Giêsu mong đợi?  Tôi muốn chạy đến với Chúa Kitô Giêsu, bởi chỉ có Ngài và trong Ngài, tôi mới được thật sự tự do và bình an.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng lời nguyện sau: Lạy Chúa Giêsu, sống cho Chúa thật là điều khó.  Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.  Chúa đòi con cho Chúa tất cả để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.  Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.  Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà để cây đời con sinh thêm hoa trái.  Chúa cương quyết chinh phục con cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.  Xin cho con dám ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa, dù phải chịu mất mát và thua thiệt.  Ước gì con cảm nghiệm được rằng trước khi con tập sống cho Chúa và thuộc về Chúa thì Chúa đã sống cho con và thuộc về con từ lâu.  Amen.”

Phạm Đức Hạnh SJ

0 comments:

Post a Comment