Gioan 19:25-27
25Khi ấy, đứng gần thập giá Đức Giê-su, có
thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà
Ma-ri-a Mác-đa-la. 26 Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình
thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là
con của Bà.” 27 Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của
anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà
về nhà mình.
(Trích
Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Có những người không thích Phúc âm Gioan
lắm bởi Phúc âm này có những chỗ thật khó hiểu.
Chẳng hạn như bài đọc hôm nay.
Tôi có thể dễ bị khựng lại bởi cách Gioan dùng những đại danh từ rất lạ
giữa Chúa Giêsu và mẹ của Ngài, Mẹ Maria.
Những từ ngữ ghe thật xa lạ, lạnh lùng với tình mẹ con. Trước hết từ trên thập giá, Chúa Giêsu nhìn
Đức Mẹ và nói: “Thưa Bà, đây là con của
Bà.” Tại sao Chúa Giêsu lại gọi mẹ
của mình là bà? Ở đây, Gioan hoàn toàn
không có ý nói đến tương quan luân lý gia đình bình thường giữa mẹ và con,
nhưng đang diễn tả ý nghĩa thần học mang tính rộng lớn hơn. Nếu Evà năm xưa đã sa ngã vì bất tuân khiến cho
cả nhân loại trầm luân thì Đức Mẹ hôm nay là một Evà mới, một người đã luôn
vâng phục Thiên Chúa trong mọi sự, từ khi sinh con, Đấng Cứu Thế, cho đến khi
đứng dưới chân thập giá với con. Chúa Giêsu
trối con cho Đức Mẹ. Con ở đây không
phải là người môn đệ mà là Giáo hội, một nhân loại mới.
2. Sau đó, Chúa Giêsu trối người môn đệ, tức Giáo hội và là nhân loại mới cho Đức Mẹ, “Này là Mẹ con.” Gioan viết tiếp, kể từ đó môn đệ đem Mẹ về nhà mình. Bởi những lời trăn trối sau cùng này của Chúa Giêsu mà Giáo hội đã gọi Mẹ Maria là mẹ của Giáo hội, đó cũng là ý lễ hôm nay. Mẹ Maria là mẹ của Giáo hội và cũng là mẹ của tôi. Tôi sẽ nói gì và làm gì trong ngày lễ của Mẹ hôm nay? Người mẹ nào cũng thương và bảo vệ con. Dù con có lớn đến mấy cũng vẫn là con của mẹ. Hôm nay tôi muốn ngồi bên Mẹ để được Mẹ dạy bảo và yêu thương. Nhìn vào lịch sử Giáo hội, bất cứ chỗ nào con cái của Mẹ phải đau khổ và bị bắt bớ, Mẹ đều hiện ra ở đó để đồng hành và bảo vệ con cái của Mẹ. Có khó khăn và đau khổ nào mà tôi muốn nương nhờ Mẹ, nhờ Mẹ che chở và ủi an? Tôi cũng muốn đến với Mẹ, nhờ Mẹ dẫn tôi đến con của Mẹ là Chúa Giêsu, giúp tôi hiểu và yêu mến con của Mẹ hơn. Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng lời Kinh Nữ Vương Gia Đình: “Lạy Nữ Vương gia đình Mẹ ở đây với chúng con, vui buồn sướng khổ mẹ con cùng nhau chia sẻ. Xa mẹ chúng con biết cậy trong ai. Đời chúng con gian nan khổ sở lắm. Gia đình chúng con long đong tối ngày nhưng có mẹ ở bên chúng con, chúng con thấy quên hết ưu phiền, vui sống qua kiếp lưu đày. Mong ngày sau sung sướng cùng mẹ muôn đời trên Thiên Đàng. A-men.”
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment