Mát-thêu 9:1-8
1Đức Giê-su xuống thuyền, băng qua hồ, trở về thành của mình.
2 Người ta liền khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm
trên giường. Thấy họ có lòng tin như vậy,
Đức Giê-su bảo người bại liệt: "Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi!"
3 Có mấy kinh sư nghĩ bụng rằng: "Ông này nói phạm
thượng." 4 Nhưng Đức Giê-su biết ý nghĩ của họ, liền
nói: "Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy? 5 Trong hai điều: một là bảo: "Con đã được tha tội rồi",
hai là bảo: "Đứng dậy mà đi", điều nào dễ hơn? 6 Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền
tha tội - bấy giờ Đức Giê-su bảo người bại liệt: "Đứng dậy, vác giường đi
về nhà!" 7 Người bại liệt đứng dậy, đi về nhà. 8 Thấy vậy, dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã
ban cho loài người được quyền năng như thế.
(Trích Phúc âm
Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý
cầu nguyện
1.
Văn hóa Việt Nam bị ảnh hưởng rất nhiều bởi giáo lý Phật giáo. Bởi vậy, hễ một ai gặp những khó khăn, xui xẻo
hoặc rủi ro nào, người ta dễ kết luận: Đó là nghiệp! Nhân quả!
Người Do-thái cũng có một cái nhìn gần giống như vậy. Một ai đó bị bệnh hoặc gặp những tai ương
trong cuộc sống, họ thường cho rằng đó là tội.
Nếu chẳng phải là tội của đương sự, cũng là tội của cha mẹ, tổ tiên của
đương sự. Nói chung, việc tin vào thuyết
nhân quả, nghiệp, hoặc tội là những cách lý giải bình dân về đau khổ mà rất nhiều
dân tộc trên thế giới đều lý giải như vậy, không hẳn chỉ là triết lý của Phật
giáo hay Do-thái giáo. Trong hầu hết các
phép lạ chữa bệnh, Chúa Giêsu đều không nói: “Con hãy được lành bệnh,” mà nói: “Tội
con đã được tha!” Sau đó Ngài nói, “Hãy
đi trình diện với các tư tế”, để được tái sát nhập vào cộng đoàn. Cách nói này khá thú vị; bởi, Chúa Giêsu
không chỉ chữa lành người ta về mặt thể lý, tấm lý, nhưng còn tâm linh và xã hội
nữa. Tưởng đây cũng là phương thức chữa
trị ngày nay, gọi là Wholistic approach,
tức là giải pháp chữa trị toàn diện; trong đó, con người cần được chữa trị
không chỉ về thể lý, tâm lý, tinh thần, mà còn xã hội và tâm linh nữa. Tôi vẫn thường nghe nói: “Tinh thần minh mẫn
trong một thân thể tráng kiện.” Câu nói
này rất thật với cái nhìn của giới khoa học ngày nay; trong đó, đời sống thể
lý, tâm lý, tinh thần, xã hội, tâm linh tương tác lẫn nhau và ảnh hưởng lẫn
nhau. Hôm nay đọc lại câu chuyện chữa
lành người bại liệt ở trên, tôi có thấy bài này cũng đang nói về tôi? Có một góc cạnh nào đó trong đời sống của
tôi: thể lý, tâm lý, tinh thần, xã hội, tâm linh đang bị bệnh và cần được Chúa Giêsu
chuẩn đoán và chữa lành không? Tôi đến gặp
Chúa Giêsu.
2.
Một điểm nữa cũng thường thấy trong các câu chuyện chữa lành của
Chúa Giêsu, đó là: các kinh sư và pha-ri-sêu thường rất khắt khe, bắt bẻ Chúa Giêsu
đủ đường và giải thích mọi sự đầy tiêu cực.
Có khi nào tôi cũng giống những kinh sư và pha-ri-sêu nhìn cuộc đời đầy
vấn đề, nhìn mọi người quanh tôi ai cũng có muôn vàn điều cần phải sửa, cần phải
thăng tiếng, ngoại trừ tôi? Người nào đó
đã nói: “Người bi quan nhìn đâu cũng thấy
đèn đỏ; người lạc quan nhìn đâu cũng thấy đèn xanh; chỉ có người khôn ngoan là
mù mầu!” Tôi đang là loại người
nào? Chỉ có Thiên Chúa là biết rõ tôi nhất, tôi muốn nói chuyện với Chúa Giêsu
và để ý xem Ngài sẽ nói tôi là ai?
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment