Saturday, June 4, 2022

Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống – Năm C –5-6-2022

CN HX

Tông Đồ Công Vụ - 2:1-11

1Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, 2 bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. 3 Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. 4 Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho. 5 Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. 6 Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến.  Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. 7 Họ sửng sốt, thán phục và nói: “Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư? 8 Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta? 9 Chúng ta đây, có người là dân Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Cáp-pa-đô-ki-a, Pon-tô, và A-xi-a, 10 có người là dân Phy-ghi-a, Pam-phy-li-a, Ai-cập, và những vùng Li-by-a giáp giới Ky-rê-nê; nào là những người từ Rô-ma đến đây; 11 nào là người Do-thái cũng như người đạo theo; nào là người đảo Cơ-rê-ta hay người Ả-rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!”

(Trích Tông Đồ Công Vụ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay có thể nói là một trang nhật ký đẹp nhất và hay nhất của Giáo hội sơ khai, kể từ biến cố phục sinh của Chúa Giêsu.  Tôi đọc lại thật kỹ bài đọc trên và để ý có bao nhiêu sắc dân tựu về Giê-ru-sa-lem, họ thuộc nền văn hóa và ngôn ngữ nào.  Họ đã hết sức ngạc nhiên, bởi nghe thấy các tông đồ, không thuộc người của họ, vậy mà các tông đồ đã có thể nói được tiếng mẹ đẻ của từng người trong nhóm tạp chủng của họ.  Tất cả đều lấy làm lạ, bởi các tông đồ trong khoảnh khắc đón nhận Thánh Thần, đã có thể nói được tiếng lạ.  Chắc chắn, tiếng lạ ở đây không phải là tiếng xì xà xì xồ mà những nhóm Thánh Linh ngày nay cầu nguyện hay bảo là họ nói được tiếng lạ.  Tiếng lạ mà các tông đồ ngày xưa đã nói được đó chính là tiếng mẹ đẻ, khiến mọi sắc dân đều hiểu.  Trong khi đó các nhóm Thánh Linh ngày nay cho rằng họ đã có thể nói được tiếng lạ; tuy nhiên chẳng ai hiểu, thậm chí, chính đương sự cũng chẳng hiểu điều họ nói.  Các tông đồ đã có thể nói được “tiếng mẹ đẻ” và mọi dân đều hiểu; điều này không có nghĩa là, các tông đồ, trong chốc lát dù chẳng học gì, đã có thể nói được tiếng ngoại quốc như: Anh, tiếng Pháp, tiếng Việt, tiếng Hoa…  Tiếng mẹ đẻ mà các tông đồ nói là tiếng nói chung của mọi sinh vật, người cũng như vật, bất cứ ai từ khi còn trong bụng mẹ đều đã được mẹ thương yêu, bao bọc, che chở.  Mọi người đã học được tiếng yêu thương này, thứ sinh ngữ chung của cả nhân loại.  Chính tiếng yêu thương này, dù không phát thành lời, dù chẳng đồng ngôn ngữ và văn hóa, nhưng ai cũng hiểu bằng những cảm nhận của con tim.  Nhớ rằng, trước khi Chúa Giêsu sống lại, các tông đồ sống trong sợ hãi, nhút nhát, cách ly, trốn tránh và thù hằn.  Nhưng sau khi Chúa Giêsu sống lại, và khi nhận được Thánh Thần, các tông đồ đã bung ra khỏi cửa, không một chút sợ hãi, đầy lạc quan, yêu đời, hy vọng, rao giảng Tin Mừng giải thoát cho mọi người.  Hiểu như vậy, tôi có thể nhìn lại chính tôi và tự hỏi: Lần gần đây nhất tôi nói “tiếng mẹ đẻ” là khi nào?  Với những ai?  Đã bao lâu rồi tôi chưa nói tiếng mẹ đẻ?  Đó có phải đó là lần tôi dám xin lỗi con cái?  Đó có phải là lần tôi đã yêu thương và cho con cái cảm nhận được yêu thương của tôi?  Đó có phải là lần tôi đã giải hòa với chồng/vợ của tôi?  Đó có phải là lần tôi đã giao lưu lại với một ai đó mà tôi đã đoạn tuyệt bao lâu nay?  Nếu tôi đã làm những điều này, quả thật tôi đã nói tiếng mẹ đẻ, tôi đã nói tiếng lạ và Chúa Thánh Thần đã tràn ngập trong tôi.  Tôi muốn xin Chúa Thánh Thần xuống trên tôi để từ nay cho đến cuối đời, tôi chỉ nói tiếng mẹ đẻ cho tất cả mọi người tôi gặp gỡ mỗi này.        

2.      Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống đánh dấu cuộc đổi đời của các tông đồ, đánh dấu bước đột phá trong lịch sử Giáo hội.  Bởi thế, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống có thể gọi là ngày sinh nhật của Giáo hội.  Bởi, từ biến cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, các tông đồ đã mạnh mẽ đi ra khắp tứ phương thiên hạ rao giảng Tin Mừng Phục Sinh, nhờ đó mà Giáo hội đã phát triển rất mạnh cho đến ngày nay.  Tôi muốn cầu nguyện cho Giáo hội và sự phát triển của Giáo hội.  Tôi muốn góp phần trong việc phát triển, xây dựng và bảo vệ Giáo hội bằng cách tập nói “tiếng mẹ đẻ” mỗi ngày và ở mọi nơi tôi hiện diện.

Phạm Đức Hạnh, SJ 

0 comments:

Post a Comment