Rô-ma 6:12-18
12Thưa anh em, đừng để tội lỗi thống trị
thân xác phải chết của anh em nữa, khiến anh em phải nghe theo những dục vọng
của thân xác. 13 Anh em đừng dùng chi thể của anh em như
khí cụ để làm điều bất chính, phục vụ cho tội lỗi nữa. Trái lại, anh em là những người sống đã từ cõi
chết trở về, anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa, và dùng chi thể của anh
em như khí cụ để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa. 14 Tội
lỗi sẽ không còn quyền chi đối với anh em nữa, vì anh em không còn lệ thuộc vào
Lề Luật, nhưng lệ thuộc vào ân sủng. 15 Vậy thì sao? Chúng ta cứ phạm tội ư, vì chúng ta không còn
lệ thuộc vào Lề Luật, nhưng lệ thuộc vào ân sủng? Không đời nào! 16 Anh em
không biết sao? Khi đem thân làm nô lệ để vâng phục ai, thì anh em là nô lệ của
người mà anh em vâng phục: hoặc làm nô lệ tội lỗi, thì sẽ phải chết; hoặc làm
nô lệ phục vụ Thiên Chúa, thì sẽ được nên công chính. 17 Tạ
ơn Thiên Chúa! Trước kia anh em làm nô
lệ tội lỗi, nhưng nay anh em đã hết lòng vâng theo quy luật đạo lý đã đào tạo
anh em. 18 Anh em đã được giải thoát khỏi ách tội lỗi mà
trở thành nô lệ sự công chính.
(Trích Thư Rô-ma, bản dịch của Nhóm
Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Bài đọc hôm
nay là những lời rất đẹp nhưng cũng thật khó thực hiện và khó hiểu. Trước hết, Phao-lô nói đến một sự tự do nội
tâm của một người đã nhận biết Chúa. Điều
chứng tỏ rõ ràng nhất cho một ai đó đã nhận biết và gắn kết với Chúa Kitô đó là
họ được tự do, không còn sống trong sợ hãi và bị ràng buộc bởi luật lệ hay những
bám víu lệch lạc rất trần thế này. Tôi
có thể xem lại chính tôi và tự hỏi: Tôi có thật sự tự do? Cái gì đang giam hãm tôi bao lâu nay, khiến
tôi không thể đến gần với Thiên Chúa, khiến tôi không có bình an, khiến tôi
luôn sống trong bối rối và sợ hãi? Tôi
có thể hình dung, như thể tôi đang ngồi trên một chiếc ghế và chân tay đang bị
trói vào thành ghế và chân ghế, khiến tôi không thể di chuyển hay động đậy được. Tôi để ý những gì đã trói buộc tôi bao lâu
nay là những loại nào và ở những điểm yếu nào trong tôi? Tôi có tự cởi trói được không hay phải nhờ,
phải kêu cứu Chúa Giêsu, xin Ngài cắt giùm tôi những giây trói này? Tôi muốn được tự do, được giải thoát không? Tôi tin tưởng Chúa Giêsu có thể làm được điều
này cho tôi không? Tôi muốn thả lỏng tâm
hồn và đặt tín thác trọn vẹn vào Chúa Giêsu trong giây phút này, để được giải
thoát và chữa lành. Chữa lành và giải
thoát là một tiến trình không dễ gì xảy ra trong tích tắc, nhưng cần phải có thời
gian và ơn Chúa thật nhiều. Tôi cúi mình
phủ phục xin Chúa đặc ân này.
2.
Điều khó hiểu
hoặc dễ lẫn lộn trong bài đọc hôm nay có thể là: “Tội lỗi sẽ không còn quyền chi đối với
anh em nữa, vì anh em không còn lệ thuộc vào Lề Luật, nhưng lệ thuộc vào ân
sủng.” Điều
này có thể làm cho tôi hiểu rằng, vậy nay tôi đã theo Chúa và chẳng màng chi
đến lề luật nào nữa. Tôi chẳng còn sợ
tội nữa, vì chẳng có luật nào nữa. Điều
này không đúng! Tôi để ý, Phao-lô viết hoa
hai chữ “Lề Luật”, tức có ý nói đến Lề Luật cũ của Môi-sê, chứ không có ý nói
đến những luật thông thường trong cuộc sống như: đóng thuế chính phủ, lái xe
không được vượt đèn đỏ, không được ăn trộm, không được gian lận của công… Như vậy, dù tôi là ai, Kitô hữu hay không
phải Kitô hữu, tôi vẫn phải tuân giữ những luật này vì đó là bổn phận và trách
nhiệm, vì nó liên quan đến công ích và đời sống an sinh của mọi người. Mặt khác, tự do thực sự không phải là muốn
làm gì thì làm, bất chấp ràng buộc của luật pháp, bất cần ai và chỉ quan tâm một
cách ích kỷ đến tôi mà thôi. Cuối cùng, Phao-lô
có ý nói đến sự tự do của ơn gọi được làm con cái Thiên Chúa, không phải là con
cái của ma quỷ, khi nào cũng sống trong sợ hãi bị trừng phạt. Mà tôi có được sự tự do và được làm con cái Chúa,
không phải là nỗ lực tự tôi giữ đạo, giữ luật mà Chúa phải trả ơn cho tôi, Chúa
phải yêu tôi và cho tôi trở nên công chính, nhưng tôi được tự do, yêu thương và
công chính hoàn toàn do lòng nhân ái, bao dung của Chúa. Chính vì thế, tôi không cần phải thay đổi mới
được Chúa yêu, nhưng bởi nhận ra Chúa yêu tôi nên tôi muốn thay đổi. Tôi muốn cám ơn Chúa trong lúc này không? Tôi tỏ lòng biết ơn của tôi với Chúa như thế
nào trong đời sống của tôi mỗi ngày?
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment