Saturday, October 2, 2021

Chúa Nhật Tuần XXVII Thường Niên – Năm B –3-10-2021

CN XXVII TN

Do-thái 2:9-11

9Anh em thân mến, Đức Giêsu, Đấng đã bị thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn, thì chúng ta lại thấy Ngài được Thiên Chúa ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, bởi vì đã cam chịu tử hình.  Thật vậy, Đức Giê-su đã phải nếm sự chết, là để cho mọi người được cứu độ, nhờ ơn Thiên Chúa. 10 Quả thế, Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài, chính vì muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh quang, nên Người đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giê-su trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ. 11 Thật vậy, Đấng thánh hoá là Đức Giê-su, và những ai được thánh hoá đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người đã không hổ thẹn gọi họ là anh em.

(Trích Thư Do-thái, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay nặng tính thần học, nhưng tôi không thể để lối suy luận đầy tính thần học ấy làm cho tôi bị chia trí, bằng cách chỉ dùng cái đầu mà suy luận trong giờ cầu nguyện này.  Tôi muốn dùng con tim để chiêm ngắm Ngôi Lời đã nhập thể trong khiêm hạ, chịu thua kém cả thiên thần, một thụ tạo, để trở nên con người giống như tôi, sống giữa muôn người thấp kém, nghèo hèn, chết một cách nhục nhã như một tội nhân, nhờ vậy con người có thể được đến gần hơn với Thiên Chúa, hiểu và yêu mến Ngài hơn.  Tôi muốn chiêm ngắm và cảm nghiệm Ngôi Lời đang ở thật sâu trong tôi, đã yêu tôi đến mức dám chết vì tôi.  Tôi cảm thấy vui và hạnh phúc đến mức nào khi có ai hy sinh cả mạng sống của họ vì tôi, mà người ấy hôm nay lại là Thiên Chúa?  Có cái gì còn ngăn cản tôi không thể gần để hiểu và yêu Ngài không?  Tôi muốn nói gì với Thiên Chúa trong lúc này? 

2.      Tác giả Thư Do-thái nói với đầy xác tín và tự tin, Chúa Giêsu không hổ thẹn hay ngại ngùng kể tôi là một thành viên trong gia đình của Thiên Chúa.  Tôi hãnh diện và tự hào như thế nào?  Tôi vui mừng và muốn chia sẻ đặc ân này với mọi người ra sao?  Tôi đã sống đúng với đặc ân này và sẽ diễn tả đặc ân này bằng đời sống của tôi như thế nào sau giờ cầu nguyện này?     

Phạm Đức Hạnh, SJ 

0 comments:

Post a Comment