Luca 14:1-6
1Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà
một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. 2 Và
kìa trước mặt Đức Giê-su, có một người mắc bệnh phù thũng. 3 Người
lên tiếng nói với các nhà thông luật và những người Pha-ri-sêu: “Có được phép
chữa bệnh ngày sa-bát hay không?” 4 Nhưng họ làm thinh.
Người đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về. 5 Rồi Người
nói với họ: “Ai trong các ông có đứa con trai hoặc có con bò sa xuống giếng,
lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày sa-bát?” 6 Và họ
không thể đáp lại những lời đó.
(Trích
Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Bài đọc hôm nay có cùng một chủ đề với nhiều câu chuyện khác trong các
phúc âm, đó là: Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sa-bát, một việc làm bị cấm
trong luật Do-thái. Chúa Giêsu là một
người Do-thái, Ngài hiểu rõ những luật cấm này.
Luật được đặt ra, hẳn có một giá trị nhất định nào đó, nhưng nếu luật ấy
không phục vụ con người thì luật ấy không nên giữ nữa. Tôi có thể thấy trước mặt Chúa Giêsu là một người
bệnh, ngày mai có thể họ không có cơ hội gặp Chúa Giêsu nữa, bởi Ngài nay đây
mai dó. Thế cho nên, dù hôm nay là ngày Sa-bát,
Chúa Giêsu thấy cần phải chữa cho người này ngay, không thể để họ phải đau khổ
thêm một ngày giờ nào nữa. Tôi hình dung
xem Chúa Giêsu thương người này đến mức nào?
Chúa Giêsu nhạy bén trước đau khổ của con người ra sao? Chúa Giêsu căm ghét thói giữ đạo hình thức và
vô cảm trước những nỗi đau của người khác ra sao? Được Chúa Giêsu chiếu cố và cứu chữa, người
bệnh sẽ cảm thấy như thế nào? Người này
sẽ biết ơn Chúa Giêsu như thế nào? Người
này sẽ theo Chúa Giêsu và bỏ lối sống đạo thiếu yêu thương kia, hay vẫn ở lại
trong lối giữ đạo hình thức ấy?
2. Có khi nào tôi gặp hoàn cảnh như câu chuyện trong bài đọc hôm nay, tức là
gặp một ai đó đang đau khổ và bất hạnh. Tôi
đã làm gì và phản ứng như thế nào những lúc ấy?
Chạy trốn? Viện đủ lý do, đạo
cũng như đời để thoái thác, bỏ mặc kệ những người đau khổ bên lề cuộc đời của
tôi? Bây giờ nhìn lại, tôi để ý xem Chúa
Giêsu nói gì với tôi những lúc ấy và bây giờ?
Tôi muốn nói gì và xin gì cùng Chúa để tôi nhạy bén hơn, mạnh mẽ hơn
trong việc cứu người, giúp người đang đau khổ.
Xin cho lòng quảng đại của tôi trở nên như bản năng thứ hai trong tôi,
để luôn biết nhanh nhạy bênh vực cho công lý và bảo vệ những ai bị áp bức bất
công quanh tôi, dù có phải phạm luật.
Phạm Đức Hạnh SJ
0 comments:
Post a Comment