Monday, October 4, 2021

Thứ Ba Tuần XXVII Thường Niên – Năm B –5-10-2021 – Lễ Thánh Phan-xi-cô Xavier Seelos

Thu Ba XXVII TN

Luca 10:38-42

38Khi ấy, Đức Giê-su vào một làng kia.  Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà. 39 Cô có người em gái tên là Ma-ri-a.  Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. 40 Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao?  Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” 41 Chúa đáp: “Mác-ta!  Mác-ta ơi!  Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! 42 Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi.  Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy đi.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay thật đẹp và thật gần trong đời sống đức tin của tôi.  Thánh Luca kể là có gia đình kia, có hai chị em: Mác-ta và Maria, rất thân với Chúa Giêsu.  Trong một lần Chúa Giêsu đi rao giảng ở gần nhà của họ, chị Mác-ta đã mời Chúa Giêsu vào nhà dùng bữa với gia đình.  Sau khi mời Chúa Giêsu vào nhà rồi, chị Mác-ta lại bận rộn chuyện bếp núc, chuẩn bị bữa ăn thiết đãi Chúa.  Thế là có chuyện xảy ra giữa hai chị em.  Tuy nhiên, khoan hãy để ý đến chuyện của hai chị em, tôi muốn để ý đến chuyện giữa Mác-ta với Chúa Giêsu.  Chị Mác-ta mời Chúa Giêsu vào nhà mình, nhưng rồi lại bận rộn công việc và không có giờ để tiếp chuyện Ngài.  Tôi có thấy đây cũng là thói quen của tôi?  Nhiều khi bắt đầu giờ cầu nguyện, tôi có vẻ rất sốt sắng và hăm hở mời Chúa đến với tôi trong giờ cầu nguyện, thế nhưng khi đã vào giờ cầu nguyện rồi, tôi lại chia trí với đủ mọi thứ, để mặc Chúa ngồi đó một cách trơ trẽn!  Thân xác tôi đang ngồi trước mặt Chúa, nhưng đầu tôi lại ở xa Chúa cả hàng ngàn dặm.  Tôi có đang kinh nghiệm sự chia trí ngay trong lúc này?  Tôi trở lại với Chúa và ngắm nhìn Ngài.  Tôi muốn bắt chước Maria ngồi dưới chân Chúa, chiêm ngắm và dõi nhìn từng cử chỉ, giọng nói của Ngài đang nói với tôi. 

2.      Bây giờ tôi để ý đến chuyện hai chị em Mác-ta và Maria.  Có lẽ Luca không có ý đem chuyện hàng xóm ra bêu rếu trên phúc âm của ngài, nhưng đây là quyển sách về đức tin, nên ngài đã dùng câu chuyện này để nói về vấn đề, không chỉ của cộng đoàn Kitô hữu thời bấy giờ, nhưng còn là vấn đề của mọi cộng đoàn Kitô hữu ở mọi văn hóa và thời đại, trong đó có cộng đoàn tôi, có gia đình tôi và có tôi.  Hình ảnh hai chị em Mác-ta và Maria không hẳn chỉ là chuyện bếp núc và tiếp khách, mà là chuyện cầu nguyện và phục vụ.  Ngay từ ban đầu các Kitô hữu đã chia rẽ nhau giữa những người thích phục vụ và những người thích cầu nguyện.  Ở đâu cũng có sự căng thẳng giữa hai nhóm người này.  Tôi có thấy chuyện này đang xảy ra trong cộng đoàn, trong gia đình tôi, khi mà xung khắc, cãi cọ và ghen tị giữa những người đặt nặng vấn đề phục vụ, tổ chức các lễ lạt sao cho quy tụ nhiều người, tổ chức các trại hè sao cho quy tụ nhiều bạ trẻ, tổ chức gây quỹ, bán quán sao cho giáo xứ có nhiều tiền…và những người đặt nặng vấn đề cầu nguyện, tổ chức các khóa tĩnh tâm, học hỏi lời Chúa, chầu Thánh Thể, lần hạt Mân-côi, đọc kinh Lòng Chúa Thương Xót…?  Phục vụ là điều tốt, thậm chí là cần thiết; tuy nhiên, cầu nguyện cũng cần thiết và tốt không kém.  Điều quan trọng, tôi phải giữ quân bình giữa cầu nguyện và phục vụ, sao cho đừng quá thiên lệch về bên nào.  Tôi cũng có thấy đời sống tôi mất quân bình giữa phục vụ và cầu nguyện?  Có khi nào vì đủ mọi thứ việc tôi muốn làm và để việc cầu nguyện là vấn đề sau chót trong ngày, khi mà tôi đã mệt nhoài và không còn sức để cầu nguyện?  Tôi cảm thấy thế nào khi tôi đặt nặng vấn đề phục vụ hoặc cầu nguyện, mà thiếu sự quân bình giữa hai chọn lựa này?  Tôi cảm thấy thế nào khi cầu nguyện hoài mà không phục vụ?  Tôi cảm thấy thế nào khi phục vụ hoài mà không cầu nguyện?  Tôi đang để thần dữ điều khiển tôi qua cách thức nào?  Tôi nói chuyện với Chúa về lối sống đức tin của tôi trong lúc này.    

Phạm Đức Hạnh, SJ  

0 comments:

Post a Comment