Luca 11:37-41
37Khi ấy, Đức Giê-su đang nói, thì có một
ông Pha-ri-sêu mời Người đến nhà dùng bữa. Tới nơi, Người liền vào bàn ăn. 38 Thấy
vậy, ông Pha-ri-sêu lấy làm lạ vì Người không rửa tay trước bữa ăn. 39 Nhưng
Chúa nói với ông ấy rằng: “Này, nhóm Pha-ri-sêu các người, bên ngoài chén đĩa,
thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc,
gian tà. 40 Thật là ngốc! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra
cái bên trong sao? 41 Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên
trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.”
(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Bài đọc hôm nay thật thú vị. Chúa Giêsu được một người Pha-ri-sêu mời đến
nhà ăn, nhưng rồi chủ nhà đã bị Ngài cho một bài học, và còn bị gọi là “ngốc”! Không biết Chúa Giêsu nói như vậy sau khi đã ăn
xong, hay nói trước khi ăn. Nếu nói
trước khi ăn, liệu Chúa Giêsu có phải mang bụng đói đi về không? Nếu nói sau khi ăn, liệu chủ nhà này còn muốn
mời Chúa Giêsu đến ăn những bữa khác không?
Hai câu hỏi này thật khó trả lời, bởi tôi đã không có mặt ở đó hai ngàn
năm trước. Tuy nhiên, điều đáng chú ý
trong câu chuyện này đó là: Có khi nào tôi ngại cầu nguyện, ngại đi tĩnh tâm, ngại
lãnh nhận các bí tích, ngại đến nhà thờ chỉ vì sợ Chúa Giêsu lại cho tôi một
bài học, lại la tôi vì lối sống gian dối, bê tha, ghen tương, hiềm khích, thiếu
bao dung, vô đạo đức, thiếu lòng nhân của tôi bao lâu nay? Nhưng, tiếc là Chúa thông suốt mọi sự! Như tác giả Thư Do-thái nói: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm
hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán
tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ
trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền
đòi chúng ta trả lẽ” (Dt 4:12-13). Tuy nhiên, Thiên Chúa là Đấng Từ Bi và hay
thương xót. Tôi muốn ngồi bên Chúa và
bộc bạch nỗi lòng của tôi với Chúa Giêsu và để ý Ngài sẽ nói gì về tôi? Có điều gì tôi hãnh diện và muốn khoe với Chúa
Giêsu trong lúc này không? Tôi để ý Chúa
Giêsu mỉm cười và tự hào về tôi ra sao.
2.
Tôi cũng để ý đến những điều Chúa Giêsu
nói với chủ nhà Pha-ri-sêu. Đây có thể
là điều tôi cũng cần để ý đến đời sống mỗi ngày của tôi chăng, “tốt gỗ hơn tốt
nước sơn,” trọng chất lượng hơn số lượng trong cách thực hành đức tin của tôi,
đến với Chúa vì lòng mến hơn là vì hình thức và vì luật buộc? Tôi nhìn lại tôi và tâm niệm, từ nay trở đi,
tôi muốn sống đúng với những gì Chúa Giêsu dạy.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment