Luca 7:11-17
11Khi ấy, Đức Giê-su đi đến thành kia gọi
là Na-in, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người. 12 Đức
Giê-su đến gần cửa thành, đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn,
người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với
bà. 13 Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà
đừng khóc nữa!” 14 Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói: “Này người thanh niên, tôi bảo
anh: hãy trỗi dậy!” 15 Người chết liền ngồi lên và bắt đầu
nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà
mẹ. 16 Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng:
“Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm
dân Người”. 17 Lời này về Đức Giê-su được loan truyền khắp
cả miền Giu-đê và vùng lân cận.
(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Bài đọc hôm nay là một câu chuyện rất hay,
diễn tả cái đẹp đầy nhân tính và thần tính của Chúa Giêsu. Trước hết, khi Chúa Giêsu và các môn đệ cùng
một đám đông vừa vào đến Thành Na-in, Ngài thấy người ta đang đưa tang một
người thanh niên, người con duy nhất của một bà góa. Luca cho tôi biết, đám tang người thanh niên
là người con duy nhất của một bà góa trong thành. Trong văn hóa kỳ thị nữ giới thời bấy giờ, nữ
giới đóng vai trò thứ yếu trong xã hội, họ hoàn toàn lệ thuộc vào nam giới, lấy
chồng là để nương nhờ vào chồng, chồng chết phải cậy nhờ vào con trai. Bà góa này đã mất chồng, giờ bà cũng mất
nguồn sống cuối cùng là con trai của bà.
Đám đông dù có thương bà, khóc tiễn con trai cùng bà, nhưng sau đám
tang, ai cũng về nhà đó, để lại bà góa này một mình trong cô quạnh, không chỗ
tựa nương. Chúa Giêsu như thấu hiểu được
nỗi khốn khổ của bà, Ngài đã làm cho con trai của bà sống lại. Đây không chỉ là một biến cố đầy ngoạn mục
trước mắt dân chúng, nhưng còn là một hành động rất nhân văn và đầy tình người
của Chúa Giêsu. Leo Tolstoy, một văn hào
lỗi lạc của Nga nói: “Nếu chỉ cảm thấy
đau ở chính mình, đó mới chỉ là dấu hiệu cho biết bạn còn sống; nhưng nếu cảm
được nỗi đau của người khác, điều đó mới chứng tỏ bạn là con người.” Câu chuyện đầy thương cảm của Chúa Giêsu đối
với bà góa Na-in trong bài đọc hôm nay muốn nói gì với tôi? Tôi nhạy bén và quảng đại giúp đỡ những người
đau khổ quanh tôi như thế nào? Hôm nay
là lễ Thánh Monica, bổn mạng của các người mẹ.
Tôi muốn cầu nguyện và làm những gì cụ thể hơn để an ủi đỡ nâng những
người mẹ đã mất con trong đại dịch này, trong thời điểm đau thương của cuộc
chiến tại Afghanistan, trong cơn động đất ở Haiti?
2.
Thứ hai, trong bối cảnh của Tin Mừng, câu
chuyện này còn muốn nói đến chiều kích ơn cứu độ mà Thiên Chúa làm cho con
người. Hình ảnh anh thanh niên thành Na-in
chết cũng là hình ảnh của nhân loại đang chết, đắm chìm trong tội lỗi. Người ta sẽ chẳng tự thoát khỏi vòng tội lỗi,
nếu không được Thiên Chúa cứu. Đó chính
là lý do Ngôi hai nhập thể, để chỉ muốn làm cho con người được sống lại và sống
với Thiên Chúa. Tôi muốn nói gì với Chúa
Giêsu về ơn cứu độ Ngài đã chết để cứu độ tôi?
Tôi muốn suy ngẫm hình ảnh Chúa cứu sống người thanh niên trong bài đọc
hôm nay, để cảm nghiệm sâu hơn về ơn cứu độ của Chúa đang dành cho tôi.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment