Gioan 15:12-16
12Khi đến giờ lìa bỏ thế gian mà về với
Chúa Cha, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Đây là điều răn của Thầy: anh em
hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 13 Không
có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn
hữu của mình. 14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em
thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 15 Thầy không còn
gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả
những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết. 16 “Không
phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để
anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả
những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em.”
(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Ở văn hóa nào và thời nào người ta cũng
coi trọng, ghi nhớ và thực hành những lời trăn trối của người thân. Bài đọc hôm nay là những lời trăn trối của Chúa
Giêsu với các môn đệ, trước khi Ngài về lại cùng Chúa Cha, tức bước vào cuộc tử
nạn và phục sinh. Lời trăn trối này thật
đơn sơ và ngắn gọn: “Các con hãy yêu
thương nhau như Thầy đã yêu thương các con.” Lời trăn trối này đã trở thành kim chỉ nam,
là trọng tâm của đời sống Kitô hữu. Khi
tôi yêu thương là lúc tôi diễn tả đúng nhất căn tính của người môn đệ Chúa Giêsu. Khi tôi sống yêu thương là cách tôi giới
thiệu mạnh mẽ, rõ ràng và có tính thuyết phục nhất về Kitô giáo. Tôi muốn nhìn lại đời sống đức tin của tôi
bao lâu nay, tôi đã sống đức yêu thương như thế nào, hay tôi chỉ ôm một mớ lề
luật và cho đó là đủ? Những người xung
quanh tôi đang nhận thấy đạo của tôi đẹp ở điểm nào: đức yêu thương, hay chỉ là
một mớ lề luật khắt khe, hoặc chỉ là những thánh đường nguy nga lộng lẫy? Chúa Giêsu nói, “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh
tính mạng vì bạn hữu của mình.” Tôi
muốn suy ngẫm câu nói này của Chúa Giêsu để cảm nghiệm tình yêu Ngài đã chết vì
tôi như thế nào và tôi muốn nói gì với Ngài trong lúc này?
2.
Chúa Giêsu nói tôi là bạn của Ngài, chứ
không phải tôi tớ. Tôi đã sống tình bằng
hữu với Thiên Chúa như thế nào? Mỗi khi
tôi bước vào giờ cầu nguyện, tôi đã bước vào với tâm tình nào? Tôi có tin tưởng và dám tỏ bày mọi sự với Ngài
như bạn với bạn không? Tôi có háo hức
tìm kiếm Ngài mỗi ngày như tôi mong chờ gặp những bạn thân của tôi, hay tôi
phải cầu nguyện vì nếu không sẽ có tội? Tôi
muốn ngồi bên Chúa Giêsu trong giây phút này như bạn với bạn và diện đối diện.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment