Mát-thêu 24:42-44
42Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ
rằng: “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ
đến. 43 Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào
canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông phải canh thức, không để nó khoét vách nhà
mình đâu. 44 Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng,
vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.”
(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm
Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Anthony de Mello, SJ, một linh mục Dòng Tên người Ấn độ có lần nói: “Phần nhiều người ta sinh ra đã ngủ, lớn lên
vẫn ngủ và chết đi chưa một lần thức!”
Ông không có ý nói đến ngủ theo kiểu mỗi khi cơ thể mệt mỏi, mắt cần
nhắm lại để nghỉ ngơi cho lại sức, nhưng là cái ngủ trong tâm hồn. Tỉnh thức có lẽ là điểm chung của nhiều tôn
giáo và tôn giáo nào cũng tìm cách đưa dẫn con người ta đến, để được tự do; nơi
ấy được gọi là thiên đàng (Kitô giáo), nơi ấy gọi là niết bàn (Phật giáo). Bài đọc hôm nay Chúa Giêsu mời gọi tôi phải
tỉnh thức luôn, theo một nghĩa sâu xa như Phật giáo gọi là giác ngộ và Kitô giáo gọi là thức tỉnh. Khi ngủ, người ta
chẳng làm gì cả, chẳng biết gì cả, chẳng ý thức gì cả, dù có làm gì trong lúc
ngủ, người ta cũng chỉ hành động như một bản năng, hoặc bị vô thức điều khiển. Chỉ khi nào thức, người ta mới có thể biết và
làm điều mình muốn làm. Chuyện ngủ và
thức trong đời sống tâm linh cũng thế. Trong
giây phút này và có lẽ trong từng phút giây của cuộc sống tôi cần phải tự vấn
luôn: tôi có thật sự đang tỉnh hay đang ngủ?
Nếu tôi đang thực sự thức, tôi có thực sự tự do? Nếu tôi đang ngủ, tôi đã ngủ bao lâu rồi? Có khi nào tôi đã thức? Cái gì đang làm tôi cứ ngủ mãi mà chưa một lần
thức?
2. Chúa Giêsu nói giờ Chúa đến như kẻ trộm, không thể hiểu một cách tiêu cực. Điều Ngài muốn nói chính là, ranh giới giữa
thức và ngủ thật mong manh, không dễ để nói tôi đang thức, trong khi tôi lại
đang thật sự ngủ. Nếu tôi thật sự tỉnh,
tôi sẽ luôn thấy Chúa, luôn bình tĩnh, an vui và muốn tiếp xúc trực tiếp với Ngài. Chỉ khi nào ngủ, tôi mới sợ hãi mỗi khi Chúa
đến; tôi mới cần bám víu và phụ thuộc vào đủ mọi thứ như: tiền bạc, danh vọng,
đam mê, luật lệ, lễ nghi, lối sống hằng ngày…
Cuộc sống của tôi cứ như người “chết đuối vớ cả cọng rơm”, tưởng là cọng
rơm có thể cứu sống tôi nên cứ bám lấy nó mãi, không thể buông bỏ được. Tôi muốn đọc lại những lời dạy trên của Chúa Giêsu
và xin Ngài giúp tôi biết thức, muốn thức và làm thế nào để biết thức tỉnh
luôn.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment