Ê-phê-xô 5:21-32
21Thưa anh em, vì lòng kính sợ Đức Ki-tô,
anh em hãy tùng phục lẫn nhau. 22 Người làm vợ hãy tùng
phục chồng như tùng phục Chúa, 23 vì chồng là đầu của vợ
cũng như Đức Ki-tô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội
Thánh, thân thể của Người. 24 Và như Hội Thánh tùng phục
Đức Ki-tô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. 25 Người
làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến
mình vì Hội Thánh; 26 như vậy, Người thánh hoá và thanh
tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, 27 để trước mặt
Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất
cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. 28 Cũng
thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. 29 Quả
vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc
thân xác mình, cũng như Đức Ki-tô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, 30 vì
chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người. 31 Sách
Thánh có lời chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với
vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. 32 Mầu
nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói
về Đức Ki-tô và Hội Thánh.
(Trích Thư Ê-phê-xô, bản dịch của
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Bài đọc hôm nay là những lời khuyên bổ ích cho đời sống hôn nhân gia
đình. Những lời khuyên này vẫn cần thiết
cho mọi thời đại và ở mọi nơi. Tuy
nhiên, đối với các nước Phương Tây, nơi mà quyền của nữ giới đang được xem lại,
sao cho nam nữ được đối xử bình đẳng, một điều rất tốt và là dấu chỉ của một
trong những tiến bộ của loài người, thì những lời khuyên của Phao-lô trong bài
đọc hôm nay lại dễ bị xem là tiêu cực; thậm chí, nó trở nên dị ứng với nhiều
người. Đặc biệt người ta dị ứng với câu:
“Như Hội Thánh tùng phục Đức Ki-tô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục
chồng trong mọi sự như vậy.” Trong xã
hội xưa, thời Thánh Phao-lô hai ngàn năm trước, và ở nhiều nơi trong xã hội Việt Nam ngày nay vẫn còn trọng nam khinh nữ, nên hai chữ “tùng phục” đã dùng
như một thuật ngữ bình thường đến quen miệng mà chẳng ai để ý đến khía cạnh
tiêu cực của nó. Trong bối cảnh của xã
hội phát triển ngày nay, câu nói trên có thể được viết lại như thế này được
không: “Như Hội Thánh YÊU Đức Ki-tô thế nào, thì vợ cũng YÊU chồng
trong mọi sự như vậy”? Điều này thật
đúng trong tương quan vợ chồng. Bởi ở xã
hội nào đi nữa, trong tình yêu không thể có sự phục tùng, mà chỉ có chiều lòng
nhau, nhường nhịn nhau. Tôi muốn dành
giây phút này để nhìn vào đời sống hôn nhân của tôi. Tôi đã yêu người bạn đời của tôi như thế nào? Tình yêu giữa hai chúng tôi có đang phản ảnh
tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo hội không?
Yêu chồng/vợ tôi có đang là một khó khăn như thế nào trong lúc này? Tôi có thể ngắm nhìn tình yêu Chúa Kitô và Giáo
hội, hoặc có thể nói chuyện với Chúa Kitô để tìm sức mạnh, để tìm một hướng đi
đẹp cho gia đình tôi được không?
2. Tôi muốn đọc thật chậm những lời khuyên của Phao-lô dành cho tôi là một
người vợ. Tôi muốn đọc thật chậm những
lời khuyên của Phao-lô dành cho tôi là một người chồng. Tôi chỉ có thể làm được những gì Phao-lô
khuyên khi tôi tập yêu Chúa Kitô mỗi ngày.
Chính tình yêu giữa tôi với Chúa Kitô mới cho tôi sức mạnh để hiểu, để
tha thứ và để yêu vợ/chồng của tôi. Tôi muốn
lập lại lời thề hôn năm xưa với Chúa Kitô về người bạn đời của tôi và xin Ngài mưa
hồng ân xuống trên gia đình chúng tôi trong lúc này. Tôi cũng có thể đọc lại thật chậm những lời
khuyên trên của Phao-lô nếu tôi là một người độc thân để, xem lại tương quan
giữa tôi với Chúa Kitô như thế nào, hầu có thể giúp tôi dám yêu những người
xung quanh tôi.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment