Friday, August 6, 2021

Thứ Bảy Tuần XVIII Thường Niên – Năm B –7-8-2021

Thu Bay XVIII TN

Đệ Nhị Luật 6:4-13

4Khi ấy, ông Mô-sê nói với dân rằng: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en!  Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. 5 Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em. 6 Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi lòng tạc dạ. 7 Anh em phải lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy, 8 phải buộc những lời ấy vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu, 9 phải viết lên khung cửa nhà anh em, và lên cửa thành của anh em.

10“Khi Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đưa anh em vào đất Người đã thề với cha ông anh em, là ông Áp-ra-ham, ông I-xa-ác và ông Gia-cóp, rằng Người sẽ ban cho anh em; khi anh em được những thành lớn và đẹp mà anh em đã không xây, 11 những nhà đầy mọi thứ của cải mà anh em đã không tích trữ, những bể nước có sẵn mà anh em đã không đào, những vườn nho và vườn ô-liu mà anh em đã không trồng; khi anh em được ăn uống thoả thuê, 12 thì phải ý tứ đừng quên Đức Chúa, Đấng đã đưa anh em ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. 13 Chính Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, là Đấng anh em phải kính sợ; chính Người là Đấng anh em phải phụng thờ; anh em sẽ nhân danh Người mà thề.”

(Trích Sách Đệ Nhị Luật, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một cách thức truyền đạt đức tin của người Do-thái cho con cái của họ.  Tôi có thể học được gì từ những lời dạy này?  Trước hết, người Do-thái nhắc nhở nhau: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en!  Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất.  Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em.   Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi lòng tạc dạ.  Anh em phải lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy, phải buộc những lời ấy vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu,  phải viết lên khung cửa nhà anh em, và lên cửa thành của anh em.”  Do-thái là một tôn giáo độc thần, nhưng khi họ được giải thoát khỏi Ai-cập và vào đất hứa, họ sẽ phải sống chung với những dân tộc khác, những dân tộc đa thần giáo.  Bởi thế, để bảo tồn đức tin cho con cháu, lời dặn dò kỹ lưỡng phải ghi lòng tạc dạ cho con cháu về niềm tin độc thần của họ là rất cần thiết.  Tôi có thể thấy lời dặn dò này vẫn còn thích hợp với tôi và gia đình của tôi hôm nay không?  Dù đời sống đức tin của tôi không bị đe dọa bởi những sắc dân đa thần giáo quanh tôi, nhưng nó vẫn có thể bị chao đảo và lung lay bởi đủ mọi thứ ngẫu thần quanh tôi, khiến đức tin chẳng còn quan trọng nữa, thậm chí, Chúa cũng chẳng phải là quan trọng nhất và trên hết trong đời sống của tôi nữa; thay vào đó là tiền bạc, công việc, ích kỷ, thói gian lận, tham lam, lòng hiềm thù ganh ghét, tội lỗi… đang là chúa tể trong tôi bao lâu nay.  Tôi muốn đọc lại những lời dặn dò trên của người Do-thái và chọn lại Thiên Chúa là quan trọng nhất trong cuộc đời của tôi, từ lúc tôi thức dậy cho đến khi đi ngủ, trong lúc tôi thức cũng như trong khi tôi ngủ, từ những quyết định lớn nhỏ trong ngày sống của tôi.  Tôi ghi lòng tạc dạ và truyền lại cho con cháu tôi niềm tin, một đi sản quan trọng nhất của đời tôi. 

2.      Sở dĩ người Do-thái muốn ghi nhớ trong đầu, khắc vào trong tim, treo trên cửa, khâu vào tua áo và đọc tại mỗi bữa ăn của họ lời nhắn nhủ đức tin này là vì họ đã kinh nghiệm Chúa một cách nhãn tiền trong đời sống, đặc biệt những lúc đau khổ.  Giờ đây, họ muốn sống thể hiện hết mình lòng biết ơn của họ với Chúa.  Tôi có kinh nghiệm được Chúa yêu thương và giữ gìn một cách nhãn tiền hoặc nhiệm mầu không?  Chẳng hạn, trong thời loạn lạc vì chiến tranh, trong cuộc di tản và vượt biên, thời gian tù đầy, thời kỳ bỏ quê bỏ xứ đi vùng kinh tế mới, những lúc đau ốm hiểm nghèo, những khi khó khăn túng quẫn và thất nghiệp…?  Tôi đã thấy Chúa ở với tôi và giúp tôi đi qua những đau khổ ấy như thế nào?  Tôi đã hứa hẹn với Ngài những điều chi?  Tôi còn nhớ không?  Tôi còn giữ lời không?  Tôi sống tâm tình biết ơn Chúa như thế nào?  Bây giờ Chúa có còn quan trọng nhất trong đời sống của tôi nữa hay thôi?  Những giờ cầu nguyện của tôi có còn thường xuyên, hoặc lời nguyện của tôi có còn tha thiết hết mình không?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này?     

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment