Monday, August 2, 2021

Thứ Ba Tuần XVIII Thường Niên – Năm B –3-8-2021

Thu Ba XVIII TN

Dân Số 11:4b-15

4bNgày ấy, con cái Ít-ra-en nói: “Ai sẽ cho chúng ta có thịt ăn đây? 5 Nhớ thuở nào ta ăn cá bên Ai-cập mà không phải trả tiền, rồi nào dưa gang, dưa bở, nào hẹ, nào hành, nào tỏi. 6 Còn bây giờ đời ta tàn rồi; mọi thứ đó hết sạch, chỉ còn thấy man-na thôi.” 7 Man-na như hạt ngò và trông nó như nhựa hương. 8 Dân cứ việc chia nhau đi lượm, cho vào cối xay hoặc cối giã mà nghiền tán ra, rồi bỏ vào nồi nấu bánh, và mùi vị của nó như mùi vị bánh chiên dầu. 9 Đêm về sương rơi trên doanh trại, thì man-na cũng rơi xuống.

10Ông Mô-sê nghe thấy dân tụm năm tụm bảy theo thị tộc mà kêu khóc tại cửa lều của mình.  Còn Đức Chúa thì bừng bừng nổi giận.  Ông lấy làm khổ tâm 11 và thưa với Đức Chúa: “Sao Ngài lại làm khổ tôi tớ Ngài?  Tại sao con lại không đẹp lòng Ngài, khiến Ngài đặt gánh nặng tất cả dân này lên con? 12 Có phải con đã cưu mang tất cả dân này không?  Có phải con đã sinh ra nó không mà Ngài lại bảo con: ‘Hãy bồng nó vào lòng, như vú nuôi bồng trẻ thơ, mà đem vào miền đất Ta đã thề hứa với cha ông chúng?’ 13 Con lấy đâu ra thịt cho cả dân này ăn, khi chúng khóc lóc đòi con: ‘Cho chúng tôi thịt để chúng tôi ăn?’ 14 Một mình con không thể gánh cả dân này được nữa, vì nó nặng quá sức con. 15 Nếu Ngài xử với con như vậy, thì thà giết con đi còn hơn -ấy là nếu con đẹp lòng Ngài!  Đừng để con thấy mình phải khổ nữa!”

(Trích Sách Dân Số, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay thật hay, trong đó tác giả có cách viết về Thiên Chúa thật gần gũi, Ngài đôi khi cũng nổi giận, giống như tôi trước con cái.  Bài đọc cho tôi thấy nỗi khổ tâm của Chúa và nỗi khổ tâm của Mô-sê.  Trước hết, Thiên Chúa cảm thấy buồn và giận vì dân chúng ca thán đủ điều.  Trong Ai-cập, dân chúng kêu than vì họ bị áp bức, làm trâu chó cho vua Ai-cập.  Chúa nghe thấu lời than của họ nên đã giải thoát họ khỏi đất Ai-cập.  Trong hành trình đi vào đất hứa, người ta đói khát nên cũng than trách Chúa, tại sao Ngài không để cho họ chết bên Ai-cập, dù ở đó bị áp bức bất công, nhưng cũng được chết bên nồi thịt.  Chúa cho mana và chim cút làm thức ăn hằng ngày, dân chúng ăn hoài thấy chán nên cũng lại than và hoài niệm về một thời bên Ai-cập.  Có khi nào tôi đặt mình vào vai trò của Chúa, làm dâu trăm họ, không?  Ngày nào chắc Chúa cũng điếc cả tai khi người này người kia gào thét và đòi hỏi, như những đứa con nít khóc nằm ăn vạ.  Chắc ngày nào lòng Chúa cũng quặn đau vì những đau khổ khắp nơi trên mặt đất.  Có khi nào tôi biết thông cảm và cố gắng hiểu cho nỗi lòng của Chúa không?  Tôi lấy giây phút này và nhìn vào những than trách của tôi cũng như của mọi người quanh tôi, để tập hiểu và thông cảm với Chúa hơn.

2.      Thứ đến, Mô-sê khổ tâm vì sự vô ơn, càm ràm và cứng lòng của dân.  Ông đã than trách với Thiên Chúa bằng những lời rất thẳng thắn và tận đáy lòng của ông: “Sao Ngài lại làm khổ tôi tớ Ngài?  Tại sao con lại không đẹp lòng Ngài, khiến Ngài đặt gánh nặng tất cả dân này lên con? Có phải con đã cưu mang tất cả dân này không?  Có phải con đã sinh ra nó không mà Ngài lại bảo con: ‘Hãy bồng nó vào lòng, như vú nuôi bồng trẻ thơ, mà đem vào miền đất Ta đã thề hứa với cha ông chúng?  Con lấy đâu ra thịt cho cả dân này ăn, khi chúng khóc lóc đòi con: ‘Cho chúng tôi thịt để chúng tôi ăn?’ Một mình con không thể gánh cả dân này được nữa, vì nó nặng quá sức con.  Nếu Ngài xử với con như vậy, thì thà giết con đi còn hơn -ấy là nếu con đẹp lòng Ngài!  Đừng để con thấy mình phải khổ nữa!”  Lời than của Mô-sê chắc cũng là lời than của tôi về con cái, cha mẹ của tôi chăng?  Lời than của Mô-sê chắc cũng là lời than của các vị lãnh đạo trong giáo hội về giáo dân chăng?  Tôi lấy giây phút này để cảm thông và cầu nguyện cho cha mẹ và những bậc lãnh đạo trong giáo hội, mà tôi là một thành viên.  Tôi cần làm gì, hoặc có thể làm gì để xoa dịu những khổ tâm và lo lắng của các bậc lãnh đạo trong giáo hội, không thể chiều lòng hết mọi người được?     

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment