Mát-thêu 23:13, 15
13 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các kinh sư và
những người Pha-ri-sêu rằng: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người
Pha-ri-sêu đạo đức giả! Các người khoá
cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào!
Chính các người không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để
họ vào.
15 “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người
Pha-ri-sêu đạo đức giả! Các người rảo
khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi,
các người lại làm cho họ đáng xuống hoả ngục gấp đôi các người.
(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm
Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Tôi có thể đọc thấy trong bài đọc hôm nay,
Chúa Giêsu đã nóng điên được trước tình trạng giữ luật một cách khắt khe và máy
móc của những người Pha-ri-sêu. Họ đặt
ra những rào cản và những gánh nặng cho dân chúng, khiến ai nấy cứ mang mãi
những mặc cảm tội lỗi, mất tự do và không gặp được Chúa trực tiếp, nhưng phải
qua họ. Đối lập với một chỗ khác (Mt
5:1-12), Chúa Giêsu nói về Tám Mối Phúc, bài đọc hôm nay là những lời nguyền,
nếu không muốn nói là, Ngài chửi những người Pha-ri-sêu. Bài đọc hôm nay có thể là một nhắc nhở rất
tốt cho tôi về cách dạy giáo lý cho con cái tôi và người khác trong các xứ
đạo. Phải chăng tôi đã bắt người ta
thuộc từng lề luật, từng câu giáo lý và từng câu kinh; rồi, dựa vào sự thuộc
bài hay không của họ mà tôi cho họ được lên lớp, được chịu Rước Lễ và Thêm Sức? Nếu cuối ngày học, năm học hoặc khóa học mà họ
chỉ thuộc làu, đọc rang rảng các câu kinh bổn thôi, thật sự việc dạy giáo lý
này là một thất bại lớn, và tôi chẳng khác nào những người Pha-ri-sêu bị Chúa Giêsu
mắng trong bài đọc hôm nay. Việc dạy
giáo lý cho người ta biết kinh bổn là cần thiết, nhưng cái cần thiết này chỉ là
những giàn giáo để xây lên một tòa nhà, chứ giàn giáo không phải là tòa
nhà. Cuối một ngày học, một năm hoặc một
khóa học giáo lý, người ta phải thật sự biết, yêu mến và kết thân với Chúa Giêsu,
chứ không chỉ có thuộc kinh bổn. Tôi cần
phải dạy cho người học giáo lý luôn tìm cách tựa đầu vào ngực Chúa Giêsu, thọc
tay vào cạnh sườn Ngài, nói một cách khác tìm mọi cách tiếp cận với Ngài, chứ
không phải chỉ gặp Chúa từ xa qua màn ảnh.
Tôi muốn ngồi bên Chúa trong cự ly thật gần với Ngài trong lúc này, ngả
đầu vào ngực Chúa, ôm lấy Chúa, nhờ đó tôi có kinh nghiệm về Chúa để chia sẻ Chúa
một cách rất thật cho người khác, chứ không bằng sách vở lý thuyết.
2. Là những bậc cha mẹ, anh chị, thầy cô giáo tôi
đã trình bày cho những người xung quanh một Thiên Chúa như thế nào? Có phải đó là một Thiên Chúa như một người Mẹ
đầy từ tâm, nhân hậu, khoan dung, yêu thương vô điều kiện, khiến ai cũng hăm hở
tìm gặp Ngài mỗi sáng tối, ngày nào không gặp thì nhớ và thèm Thiên Chúa; hay, đó
là một Thiên Chúa khó tính, xét nét, nhỏ mọn, dữ như ông kẹ, chuyên rình phạt
con người từ những chuyện vớ vẩn như ngủ gật, chia lòng chia trí, lỡ chay Mùa Chay,
để rồi miễn cưỡng đi lễ, miễn cưỡng cầu nguyện, miễn cưỡng sống tốt chỉ vì sợ
sẽ bị Chúa phạt, chỉ sợ sẽ phải sa hỏa ngục, mà chẳng có một chút lòng mến? Tôi muốn ngồi bên Chúa mỗi ngày và muốn được
đi vào trong thân tình với Thiên Chúa, để hiểu Ngài trước khi chia sẻ với bất
cứ ai về Ngài.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment