Sáng Thế 41:55-57; 42:5-7,17-24a
41/55Khi ấy, toàn xứ Ai-cập bị đói và dân chúng kêu lên
Pha-ra-ô xin bánh ăn. Pha-ra-ô nói với
mọi người Ai-cập: “Cứ đến với ông Giu-se; ông bảo gì, các ngươi hãy làm
theo.” 56 Khắp nơi trong xứ bị đói kém. Ông Giu-se mở hết các kho lúa mì và bán cho
người Ai-cập. Nạn đói hoành hành trong
đất Ai-cập. 57 Từ mọi xứ, người ta đến Ai-cập để mua lúa
mì của ông Giu-se, vì nạn đói hoành hành trên khắp mặt đất.
42/5Các con ông Gia-cóp xuống đất Ai-cập mua lúa, vì đất
Ca-na-an bị đói kém. 6 Ông Giu-se bấy giờ có toàn quyền
trong xứ, và ông bán lúa cho toàn dân trong xứ.
Các anh ông Giu-se đến và cúi sấp mặt xuống đất lạy ông. 7 Vừa
nhìn thấy các anh mình, ông Giu-se nhận ra họ, nhưng làm như người xa lạ đối
với họ, và nói với họ cách cứng cỏi. Ông hỏi họ: “Các người từ đâu đến?” Họ đáp: “Thưa từ đất Ca-na-an, để mua lương
thực.” 17 Rồi ông giam giữ họ ba ngày.
18 Đến ngày thứ ba, ông Giu-se bảo họ:
“Các người muốn sống thì hãy làm thế này, vì ta kính sợ Thiên Chúa. 19 Nếu
các người là những kẻ lương thiện, thì một anh em cứ phải chịu giam trong nhà
tù này, còn những người khác thì hãy ra đi, đem lúa về cho gia đình khỏi
đói. 20 Rồi các người hãy đem đứa em út đến cho ta. Bấy
giờ sẽ rõ là các người nói đúng, và các người sẽ không phải chết.” Họ đã làm như vậy. 21 Họ
bảo nhau: “Than ôi! Chúng ta có lỗi với
em chúng ta: chúng ta đã thấy nó phải ngặt nghèo. Nó đã năn nỉ chúng ta, nhưng chúng ta chẳng
nghe. Chính vì thế mà chúng ta gặp cảnh
ngặt nghèo này.” 22 Ông Rưu-vên trả lời họ rằng: “Tôi đã
chẳng bảo các chú thế này sao: ‘Đừng phạm tội hại đến thằng bé!’ nhưng các chú
đã không chịu nghe. Bây giờ thì phải đền
nợ máu nó!” 23 Họ không biết rằng ông Giu-se hiểu được, vì
giữa ông và họ có người phiên dịch. 24a Bấy giờ ông lánh
ra chỗ khác mà khóc.
(Trích Sách Sáng Thế, bản dịch của
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Bài đọc hôm nay là một
câu chuyện rất nổi tiếng từ Cựu Ước về gia đình Giu-se. Giu-se là con áp út trong nhà và được cha là
Gia-cóp yêu thương một cách đặc biệt.
Chính vì thế có chuyện ghen tương xảy ra giữa các anh và Giu-se. Sự ghen tức của các anh đối với Giu-se đến mức
muốn thanh trừng người em của họ. Ban đầu là âm
mưu giết em bằng cách trói Giu-se và thả xuống giếng cho chết đói. Sau đó, họ gặp đoàn thương gia nên đã kéo
Giu-se lên khỏi giếng mà bán cho những thương gia đó, vừa loại được thằng em khỏi
tầm mắt, lại có thêm tiền. Lòng ghen tức thật
kinh khủng, chúng có thể điều khiển lòng người đến mức giết hại lẫn nhau, dù đó
là tình máu mủ. Có một sự ghen tức hay
lòng hận thù, hoặc một thành kiến nào đang chiếm ngự tâm trí tôi không? Chúng đang làm chủ đời sống của tôi đến mức
nào? Chúng đang dẫn tôi xa Chúa và mọi
người xung quanh như thế nào? Tôi muốn
nói gì, muốn xin gì cùng Chúa trong lúc này?
2. Câu chuyện hôm nay
là một ví dụ điển hình nói về những việc lạ lùng Chúa làm trong cuộc đời
này. Giu-se bị các anh ghen tức và thâm
độc, đã bán ông cho các thương gia ngoại bang.
Họ tưởng rằng Giu-se sẽ phải đau khổ và rồi phải chết mà chẳng ai còn nhớ
đến ông nữa. Thế nhưng, Chúa đã ra tay can
thiệp để không những Giu-se không chết, nhưng còn là tể tướng cho nhà vua Ai-cập. Phải chăng, có nhiều lúc tôi đã than thân
trách phận, kêu trách Chúa, nguyền rủa và không còn tin tưởng ở Ngài, mỗi khi
có chuyện xảy ra không đúng ý tôi, hoặc mỗi khi có những đau khổ ập tới và cầu
nguyện mà chẳng thấy Chúa đâu? Thế rồi,
sau một thời gian khi có dịp nhìn lại quá khứ, tôi lại cảm thấy hạnh phúc, vui
mừng vì nhờ những đau khổ ấy xảy ra mà tôi có được những cái tôi có như ngày
hôm nay. Tôi cảm thấy Chúa đã không bỏ
rơi tôi, Ngài cũng không phải là đã quên tôi, nhưng vẫn hiện diện và làm mọi
cách để giúp đỡ tôi thế mà, tôi đã không nhận ra. Tôi có kinh nghiệm này bao giờ chưa? Tôi có những yếu đuối, đau khổ hay thử thách
nào mà tôi đang vất vả đối diện đến mức, như cảm thấy Chúa đã bỏ rơi tôi? Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này? Tôi muốn xin gì cùng Chúa trong lúc này? Một niềm tin vững vàng chăng? Một ơn can đảm và khôn ngoan để dám đối diện
vấn đề chăng?
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment