Xuất Hành 12:37-42
37Hồi ấy, con cái Ít-ra-en nhổ trại rời
Ram-xết đi Xúc-cốt, có khoảng sáu trăm ngàn bộ hành, chỉ kể đàn ông không kể
trẻ con. 38 Cả một đám đông hỗn tạp cùng lên với họ, mang
theo chiên cừu, bò dê, họp thành một đàn súc vật đông đảo. 39 Họ
lấy bột đã nhào đưa từ Ai-cập ra mà nướng thành bánh không men, vì bột chưa dậy
men; họ bị trục xuất khỏi Ai-cập, không được chậm trễ, nên ngay cả lương thực
cũng không kịp chuẩn bị. 40 Thời gian con cái Ít-ra-en ở
Ai-cập là bốn trăm ba mươi năm. 41 Vào đúng ngày chấm dứt
bốn trăm ba mươi năm đó, toàn thể các đạo binh của Đức Chúa đã ra khỏi đất
Ai-cập. 42 Đó là đêm Đức Chúa canh thức để đưa họ ra khỏi
đất Ai-cập; đêm đó thuộc về Đức Chúa, đêm canh thức của toàn thể con cái
Ít-ra-en, qua mọi thế hệ.
(Trích Sách Xuất Hành, bản dịch của
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu
nguyện
1.
Lịch sử Kitô giáo gắn liền với lịch sử Do-thái giáo. Bởi thế, tôi có thể thấy rất nhiều những lễ
nghi phụng tự trong Kitô giáo bắt nguồn từ Do-thái giáo. Cụ thể nhất, đó là Phụng vụ Tuần Thánh của Kitô
giáo rất đậm nét Do-thái giáo. Lễ Vượt Qua
tưởng niệm người Do-thái băng qua biển đỏ, khỏi đất Ai-cập đến vùng đất tự do, người
Kitô cũng mừng Lễ Vượt Qua tưởng niệm cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu để cứu
độ con người, cho con người được tự do, thoát vòng tội lỗi. Trong mọi Thánh Lễ Vượt Qua, người Công giáo cử
hành mỗi ngày hiện nay, đều sử dụng bánh không men, đã bắt nguồn từ bánh không
men mà người Do-thái ăn trong sa mạc năm xưa, khi họ vượt biên khỏi Ai-cập
trong vội vã. Người Do-thái cũng như các
Kitô hữu ngày nay cử hành phụng vụ mỗi ngày nhằm nhắc nhở mọi người về những ân
huệ Chúa ban, cùng sự hiện diện rất gần của Ngài với dân. Bởi thế, mọi Thánh Lễ mà người Công giáo cử
hành mỗi ngày đều là Thánh Lễ Tạ Ơn. Giờ
cầu nguyện hôm nay có thể là những giây phút tôi nhìn lại đời sống của tôi
trong bao nhiêu năm qua, hoặc trong một ngày, hay một đêm qua: Đâu là những
giây phút, biến cố Chúa đã ở rất gần bên tôi và thi ân giáng phúc cho tôi? Tôi muốn hồi tâm lại quá khứ để vững tin hơn
vào Chúa cho tương lai, và để tạ ơn Chúa luôn luôn về tình yêu và ân sủng Ngài đã
ban cho tôi trong quá khứ.
2.
Nếu biến cố xuất hành của Dân Do-thái được thoát cảnh nô lệ cho Ai-cập,
được tự do, là một biến cố đầy tính lịch sử và rất người, ấy vậy mà nó đã được
ghi vào Kinh Thánh và được xem là rất thánh, tại sao tôi không xem biến cố vượt
biên của hàng triệu con người Việt Nam, những biến cố lớn trong cuộc đời của
tôi là thánh? Thiên Chúa cũng đã từng đi
với và cùng cứu hàng triệu con dân Việt Nam trong các trận chiến, các chuyến vượt
biên, vượt biển, tôi muốn trân trọng và nhận ra những gì là rất thánh trong những
biến cố ấy. Tôi đọc lại bài đọc trên,
xem người Do-thái đã nhận biết Thiên Chúa hiện diện và yêu thương họ như thế
nào qua những biến cố đau thương của họ, tôi cũng biết nhận ra sự hiện diện và
yêu thương của Thiên Chúa qua những biến động của đất nước tôi, và những biến cố
của cuộc đời tôi.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment