Friday, July 2, 2021

Thứ Bảy Tuần XIII Thường Niên – Năm B –3-7-2021 – Lễ Thánh Tô-ma, Tông Đồ

Thu Bay XIII TN

Gioan 20:24-29

24Có một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25 Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” 26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông.  Các cửa đều đóng kín.  Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” 27 Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy.  Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy.  Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” 28 Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” 29 Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin.  Phúc thay những người không thấy mà tin!”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một kinh nghiệm đức tin rất đẹp của Tô-ma.  Hai ý tưởng rất đáng cho tôi suy niệm trong giờ cầu nguyện hôm nay.  Thứ nhất, các môn đệ khác nói với Tô-ma về Chúa Giêsu Phục Sinh mà họ đã gặp, lúc ông đi vắng.  Thế nhưng Tô-ma trả lời, “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.”  Đây là câu nói rất hay của Tô-ma mà Gioan đã ghi nhận, có thể rất tốt cho việc phát triển đức tin của tôi.  Câu nói của Tô-ma cho tôi thấy, niềm tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh không thể chỉ là chuyện nghe người này người kia nói, nhưng phải là những kinh nghiệm của bản thân về Ngài.  Có lẽ, trong giờ cầu nguyện này và từ hôm nay trở đi, tôi phải nói chuyện, gặp gỡ trực tiếp Chúa Giêsu Phục Sinh, chứ không qua một trung gian nào khác.  Khi làm như vậy, không phải là tôi phủ nhận tất cả những điều người ta nói về Chúa Giêsu, nhưng chỉ vì những điều đó không phải là của tôi, không đến từ kinh nghiệm của bản thân tôi.  Ngày nào tôi mở lòng kiếm tìm những kinh nghiệm cá vị này, ngày ấy Chúa Giêsu thật sự đã phục sinh trong tôi và đức tin của tôi sẽ vững mạnh, không gì lay chuyển nổi.  Tôi ngồi với Chúa Giêsu trong lúc này, nói chuyện, chia sẻ, tâm sự với Ngài về niềm tin của tôi, đời sống của tôi, và để ý Ngài đón nhận, đáp trả tôi ra sao.  Tôi cũng có thể nói chuyện với Tô-ma, nhờ vậy niềm tin của tôi sẽ là những bước đi rất vững mạnh.

2.      Thứ hai, câu nói của Tô-ma như chỉ cho tôi một hướng đi cho việc phát triển đức tin của tôi, “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.”  Như vậy, tôi cần phải hỏi: Ai là những người đang mang những vết thương, những dấu đinh hiện nay?  Đó chính là những người đang bị gia đình và xã hội hành hung, đối xử bất công, ruồng rẫy, xua đuổi hiện nay, chỉ vì họ nghèo, già yếu, học thức kém, khác mầu da, không cùng niềm tin, trái quan điểm, không cùng phái tính; chỉ vì họ lỡ phạm một tội nào đó; chỉ vì sinh ra mang những dị tật; chỉ vì họ sinh ra là những người đồng tính...  Tôi thấy không?  Tôi dám thọc tay vào những vết thương và dấu đinh mà những người này đang mang bao lâu nay không, để hiểu và cảm thông về cuộc đời của họ?  Ngày nào tôi dám thọc tay để kinh nghiệm, hiểu họ và cảm thông với họ, ngày ấy Chúa Giêsu thật sự phục sinh, bằng không Ngài vẫn chết mà chưa bao giờ phục sinh.  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu trong lúc này?  Có thể xin Ngài chỉ cho tôi thấy ai là những người đang mang những vết thương và đau khổ trong gia đình và cộng đồng của tôi hôm nay?  Xin Ngài cho tôi sự can đảm để dám vươn ra và chạm vào đời sống của những người này.          

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment