Ê-phê-xô 4:1-6
1Thưa anh em, tôi là người đang bị tù vì
Chúa, tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa
đã ban cho anh em. 2 Anh em hãy ăn ở thật khiêm
tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. 3 Anh
em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở
thuận hoà gắn bó với nhau. 4 Chỉ có một thân thể,
một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm
hy vọng. 5 Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép
rửa. 6 Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự
trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.
(Trích Thư Ê-phê-xô, bản dịch của
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Bài đọc hôm nay trích từ thư gởi Giáo đoàn Ê-phê-xô vào khoảng năm 60,
lúc Phao-lô đang bị cầm tù vì đức tin.
Không giống như các thư khác khuyên các giáo đoàn hãy thận trọng trước
những lạc giáo làm cho mọi người có thể dễ dàng xa lìa niềm tin vào Chúa Giêsu,
lá thư Ê-phê-xô nhấn mạnh với mọi người, khi tuyên xưng niềm tin vào một Thiên
Chúa là cha mọi người, mọi người cũng phải yêu thương đoàn kết với nhau. Lá thư Ê-phê-xô chứa đựng nhiều tình cảm gắn
bó với Giáo đoàn, bởi Phao-lô đã từng ở với họ trong ba năm, ngài hiểu vấn đề
của Giáo đoàn có những chia rẽ và bất hòa.
Bài đọc hôm nay nói lên trọng tâm của thư Ê-phê-xô. Những tâm tình của Phao-lô nhắn gởi Giáo đoàn
Ê-phê-xô năm xưa hẳn vẫn có giá trị đối với gia đình và cộng đoàn của tôi hôm
nay. Trong một gia đình và cộng đoàn, dù
cùng tuyên xưng niềm tin vào Chúa Kitô, ấy thế mà chỗ nào cũng thấy phe này
chống phe kia, người thuộc cha chính, người thuộc cha phó, người đứng về phe
của mẹ, người đứng về phe của ba. Tôi
lấy những giây phút này cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong gia đình, cộng đoàn
và giáo hội. Xin cho mọi người biết tin
thì cũng biết yêu.
2. Tôi đọc lại bài đọc trên và để ý đến những lời Phao-lô khuyên nhủ. Tôi chọn một trong những lời khuyên, phần in
đậm, trong bài đọc để tập kiến tạo tình hiệp nhất trong gia đình và cộng đoàn
của tôi ngay từ hôm nay. Tôi chú ý đặc
biệt đến một điểm nào đó mà tôi thường mắc phải, để tập chừa dần những tật xấu
mà tôi thường góp phần trong các cuộc chia rẽ của gia đình và cộng đoàn, chẳng
hạn như: thiếu đức khiêm nhường, thiếu sự kiên nhẫn, thiếu đức yêu thương… Tôi xin Chúa chúc lành và nâng cho quyết tâm xây
dựng tình hiệp nhất và bình an của tôi.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment