Thursday, July 15, 2021

Thứ Sáu Tuần XV Thường Niên – Năm B –16-7-2021 – – Lễ Đức Mẹ Núi Ca-mê-lô

Thu Sau XV TN

Mát-thêu 12:1-8

1Khi ấy, vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. 2 Người Pha-ri-sêu thấy vậy, mới nói với Đức Giê-su: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát!” 3 Người đáp: “Các ông chưa đọc trong Sách sao?  Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng? 4 Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến.  Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. 5 Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sa-bát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sa-bát mà không mắc tội đó sao? 6 Tôi nói cho các ông hay: ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa. 7 Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. 8 Quả thế, Con Người làm chủ ngày sa-bát.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một ví dụ điển hình cho bài đọc hôm qua về những gánh nặng mà Chúa Giêsu muốn tôi được trút bỏ, được bồi dưỡng.  Cuộc đời này đầy dẫy những đau khổ: đau khổ vì bệnh tật nơi thân xác, đau khổ vì miếng ăn, đau khổ vì những tổn thương tâm lý, đau khổ vì những tệ nạn xã hội, và đau khổ về đời sống tâm linh.  Chẳng có đau khổ nào mà không làm tôi sợ hãi, đau đớn và mệt mỏi.  Tuy nhiên, những đau khổ về thể lý và tâm lý là những khổ đau bề ngoài và có tính tạm thời.  Đau khổ về tâm linh hay, đau khổ về tôn giáo, mới là những đau khổ sâu thăm thẳm và có tính lâu dài, kéo dài từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ kiếp này đến kiếp khác.  Những đau khổ tâm linh đến từ những hình ảnh lệch lạc về Thiên Chúa, họ nhìn Thiên Chúa như một ông kẹ đáng sợ, một viên quan tòa khắt khe, vô cảm, hay một người cha khó chiều, xét nét, ích kỷ, lẩm cẩm và câm điếc.  Từ đó, khiến họ luôn cảm thấy sợ hãi, khúm núm, lẩn trốn, không có một tương quan thân mật, yêu thương giữa họ với Thiên Chúa.  Kinh nguyện của họ dài lê thê, càm ràm, lải nhải, nặng hình thức, nặng lề luật, giam hãm họ không thể tìm gặp được Thiên Chúa đích thực, yêu thương vô điều kiện, một Thiên Chúa đã nhập thể trong cuộc đời này và luôn đi sát với từng khổ đau của con người.  Những hiểu biết sai lệch về Thiên Chúa chính là những gánh nặng mà Chúa Giêsu, trong bài đọc hôm qua, nói tôi cần đến với Ngài để được nghỉ ngơi và bồi dưỡng, để được trút bỏ những lệch lạc ấy.  Bài đọc hôm nay cho tôi thấy ngay cả những người Pha-ri-sêu, những lãnh đạo Do-thái, đã luôn cưu mang trong họ một hình ảnh Thiên Chúa nặng lề luật, vô cảm.  Tôi đang mang những hình ảnh nào về Thiên Chúa?  Những hình ảnh sai lệch về Thiên Chúa mà tôi tôn thờ như ngẫu tượng, hôm nay, tôi dám đập nát những khuôn mặt sai lệch về Thiên Chúa khỏi tâm trí tôi không?     

2.      Tôi muốn lấy câu nói của Chúa Giêsu mà suy niệm trong giờ cầu nguyện này: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế…  Con Người làm chủ ngày sa-bát.”

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment