Monday, July 5, 2021

Thứ Ba Tuần XIV Thường Niên – Năm B –6-7-2021 - Lễ Thánh Maria Goreti

Thu Ba XIV TN

Sáng Thế 32:22-32

23Đêm đó, ông Gia-cóp dậy, đem theo hai bà vợ, hai người nữ tỳ và mười một đứa con, và ông lội qua sông Giáp-bốc. 24 Ông đem họ theo, đưa họ qua sông, rồi đưa tài sản của ông qua. 25 Ông Gia-cóp ở lại một mình.  Có một người vật lộn với ông cho đến lúc rạng đông. 26 Thấy không thắng được ông, người đó bèn đánh vào khớp xương hông của ông, và khớp xương hông của ông Gia-cóp bị trật đang khi ông vật lộn với người đó. 27 Người đó nói: “Buông ta ra, vì đã rạng đông rồi.”  Nhưng ông đáp: “Tôi sẽ không buông ngài ra, nếu ngài không chúc phúc cho tôi.” 28 Người đó hỏi ông: “Tên ngươi là gì?”  Ông đáp: “Tên tôi là Gia-cóp.” 29 Người đó nói: “Người ta sẽ không gọi tên ngươi là Gia-cóp nữa, nhưng là Ít-ra-en, vì ngươi đã đấu với Thiên Chúa và với người ta, và ngươi đã thắng.” 30 Ông Gia-cóp hỏi: “Xin cho tôi biết tên ngài.”  Người đó nói: “Sao ngươi lại hỏi tên ta?”  Và người đó chúc phúc cho ông tại đấy. 31 Ông Gia-cóp đặt tên cho nơi đó là Pơ-nu-ên, “vì -ông nói- tôi đã thấy Thiên Chúa mặt đối mặt, mà tôi đã được tha mạng.” 32 Khi mặt trời mọc, ông đi qua Pơ-nu-ên; ông đi khập khiễng vì bị trật xương hông. 33 Bởi thế, con cái Ít-ra-en, cho đến nay, không ăn cái gân đùi ở khớp xương hông, vì người đó đã đánh vào khớp xương hông của ông Gia-cóp, vào gân đùi.

(Trích Sách Sáng Thế, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là một câu chuyện rất thú vị.  Gia-cóp vật lộn với Thiên Chúa suốt đêm và ông đã thắng!  Chắc chắn tôi không thể hiểu câu chuyện này theo nghĩa đen.  Toàn bộ câu chuyện dùng một kiểu nói mà tôi có thể thường thấy trong các câu chuyện thần thoại.  Chẳng hạn, một người đau khổ nào đó cầu nguyện và được ông tiên, bà tiên hiện ra giúp đỡ.  Chắc chắn, đây chỉ là một cách nói đầy tính biểu tượng nhằm để nói về một cái gì rất sâu, rất cao siêu, chứ mục đích không có ý ghi nhận một câu chuyện có thực.  Như vậy, câu chuyện của Gia-cóp muốn nói gì?  Phải chăng câu chuyện Gia-cóp, trong bài đọc hôm nay, cũng là câu chuyện của tôi?  Có khi nào, cả ngày đã làm việc mệt mỏi mà đêm về tôi vẫn chẳng ngủ được không?  Cả đêm cứ trằn trọc mãi vì một tổn thương nào đó trong ngày, vì một nỗi lo nào đó cho tương lai, vì một bất an hay lỗi lầm nào đó trong quá khứ, hoặc vì một lời hăm dọa của một người nào đó.  Gia-cóp trăn trở hoặc lo sợ điều gì, tôi không biết, nhưng tôi biết rất rõ tôi đang có những lo sợ hoặc trăn trở nào.  Tôi có thể nói chuyện với Chúa trong lúc này được không?  Tôi có thể xin Chúa chúc lành để tôi có được một giấc ngủ hoặc một cuộc sống bình an chăng?  

2.     Thứ đến, câu chuyện của Gia-cóp cho tôi nhiều ý tưởng về cầu nguyện.  Cầu nguyện không thể chỉ là làm theo công thức đã được viết sẵn, đọc cho qua một trang sách hay một câu kinh, hoặc tách ly đời sống thực tế với sinh hoạt tâm linh, nhưng cầu nguyện là vật lộn với Thiên Chúa, đôi co với Thiên Chúa, phân định và trăn trở cùng Thiên Chúa về một ưu tư hay vấn đề nào đó trong cuộc sống.  Cầu nguyện là đụng chạm đến da thịt của Thiên Chúa và tôi đụng vào nơi sâu nhất của linh hồn tôi.  Tôi có thể bước vào giờ cầu nguyện này như vậy không?  Có một nỗi lo, trăn trở nào đang làm cho tôi mất ăn mất ngủ, tôi có thể đem nó vào giờ cầu nguyện này được không?  Có những khó khăn và trăn trở nào mà tôi muốn Chúa biết không?  Có điều gì Chúa đã làm hoặc chẳng làm cho tôi, khiến tôi cứ dằn vặt, bực bội hoặc than trách Ngài bao lâu nay không?  Tôi muốn dãi bày, chất vấn, thương lượng hoặc tranh cãi với Chúa trong giây phút này.        

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment