Tô-bi-a 2:9-14
9Tôi là Tô-bít, ngay đêm lễ Ngũ Tuần, sau
khi chôn cất người chết, tôi đi vào sân nhà tôi. Tôi nằm dọc theo bức tường ở sân, mặt để trần
vì trời nóng. 10 Tôi không biết là trong bức tường phía
trên tôi có con chim sẻ. Phân chim nóng
hổi rơi xuống mắt tôi, tạo ra những vết sẹo trắng. Tôi đến thầy thuốc xin chữa trị, nhưng họ càng
xức thuốc cho tôi, thì các vết sẹo trắng càng làm cho mắt tôi loà thêm, cho đến
khi tôi bị mù hẳn. Suốt bốn năm, mắt tôi
không nhìn thấy gì cả. Tất cả anh em tôi
đều lấy làm buồn cho tôi, và ông A-khi-ca cấp dưỡng cho tôi trong hai năm,
trước khi ông đi Ê-ly-mai.
11Lúc bấy giờ, An-na, vợ tôi, nhận làm
những công việc dành cho phụ nữ. 12 Nàng giao hàng cho chủ
và họ trả tiền công cho nàng. Ngày mồng
bảy tháng Đy-trô, nàng xén tấm vải đã dệt xong, rồi giao cho chủ. Tiền công bao nhiêu, họ trả hết cho nàng, lại
còn thưởng cho một con dê con để ăn một bữa. 13 Khi nàng
bước vào nhà, thì con dê bắt đầu kêu be be. Tôi mới gọi nàng lại và hỏi: “Con dê nhỏ đó ở
đâu ra vậy? Có phải của trộm cắp không? Đem trả lại cho chủ nó đi! Vì chúng ta không có quyền ăn của trộm
cắp.” 14 Nàng bảo tôi: “Đó là quà người ta thưởng cho tôi,
thêm vào số tiền công!” Tôi không tin
nàng và cứ bảo nàng phải trả lại cho chủ. Chuyện đó khiến tôi xấu hổ vì nàng. Nàng còn nói với tôi: “Các việc bố thí của ông
đâu? Các việc nghĩa của ông đâu cả rồi? Đó, ông được bù đắp như thế nào, ai cũng đã rõ!”
(Trích Sách Tô-bi-a, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Bài đọc hôm nay trích từ Sách Tô-bi-a.
Đây là tập sách khá phổ biến với những người Công giáo, trong những dịp
lễ cưới; tuy nhiên, đây là tập sách có nhiều tranh cãi trong giới học giả. Trước hết, Sách Tô-bi-a bị xem là ngụy thư
đối với Do-thái giáo và hầu hết các nhóm Tin Lành, trong khi đó Công giáo và Chính
Thống giáo xem đây là một phần của bộ Kinh Thánh. Sự tranh cãi này đã bắt đầu từ rất xa xưa. Chẳng hạn, dù Thánh Giê-rô-ni-mô đã có công
dịch sách này ra tiếng La-tinh cùng với những sách khác trong bộ Kinh Thánh,
nhưng ngài không công nhận Sách Tô-bi-a thuộc vào quy điển Kinh Thánh, trong
khi đó Thánh Augustine và Thánh Hipolito lại công nhận. Cho đến ngày nay người ta vẫn chưa thống nhất
với nhau về tác giả, nơi chốn và thời gian hình thành sách này. Chẳng ai biết được tác giả sách này là ai,
chỉ biết tác giả là một người Do-thái sùng đạo, công chính và rất bác ái đối
với những người chết. Ông thường tìm
xác người chết và chôn cất cẩn thận. Bởi
thế Tô-bi-a thường được chọn làm bổn mạng của các nhà quàn và đội mai táng. Có người cho rằng sách đã được viết ra vào
thế kỷ VII, T.C.N, lại có nhiều người tin rằng, sách đã được viết ra vào khoảng
thế kỷ III, T.C.N. Người ta cũng khó
đồng ý Sách Tô-bi-a thuộc thể văn nào. Có
người cho rằng, đây là một sách giáo huấn nhằm răn dạy người Do-thái sống đúng
luật Chúa; lại có người cho rằng, đây là loại tiểu thuyết lịch sử, bởi sách nói
nhiều đến những biến cố lịch sử. Tuy
nhiên, nhiều biến cố và địa lý mà sách nhắc đến đã không được chính xác về lịch
sử và địa hình. Dù sách gây nhiều tranh
cãi về nhiều mặt, mọi người cũng đều nhận thấy sách nêu bật những vấn đề rất
quan trọng trong niềm tin như: Thiên Chúa là Đấng công bình và tự do, Ngài
thưởng người lành và phạt kẻ dữ. Mọi đau
khổ không phải là hình phạt mà chỉ là thử thách của Thiên Chúa, vì thế hãy kiên
tâm và cậy trông. Sách còn đề cao cầu
nguyện, làm việc bác ái và ăn chay như là ba cột trụ của đời sống đức tin Do-thái
giáo. Hôm nay, tôi cầu nguyện với bài
đọc được trích từ sách Tô-bi-a, tôi có thể bắt chước đời sống bác ái, ăn chay
và cầu nguyện của Tô-bi-a được không?
2. Bài đọc hôm nay nêu bật, Tô-bi-a là một người công chính và luôn sống đúng luật Chúa. Đời sống gương mẫu của Tô-bi-a nói gì với tôi, là một người Công giáo? Tôi có những điểm nào giống nếp sống của Tô-bi-a? Bài đọc cũng kết bằng một điểm rất đẹp đó là, sự khiêm nhường của Tô-bi-a, dám nhìn nhận lỗi lầm của bản thân từ cách hiểu sai và độc đoán của ông đối với An-na, vợ ông. Tôi có thể khiêm nhường trước những lỗi lầm của bản thân, dám xây dựng lại mọi đổ vỡ trong gia đình và cộng đoàn? Tôi có muốn xin Chúa giúp tôi việc này không? Tôi nói chuyện với Chúa trong lúc này.
Phạm Đức Hạnh, SJ