Monday, September 30, 2019

Thứ Ba Tuần XXVI Mùa Thường Niên – Năm C – 1-10-2019 – Lễ Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu


Thu Ba XXVI TN

Luca 9:51-56

51Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem. 52Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến. 53Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem. 54Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Gia-cô-bê và ông Gio-an nói rằng: "Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?" 55Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông. 56Rồi Thầy trò đi sang làng khác.

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://www.phimconggiao.com/kinh-thanh/TanUoc_03Luca.html#9)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem” (Lk 9:51), là một ghi nhận quan trọng có liên quan đến đời sống đức tin của mọi Kitô hữu.  Trước khi được rước lên trời, Chúa Giêsu phải đi qua cuộc tử nạn tại Giê-ru-sa-lem.  Đây là một hy vọng cho mọi Kitô hữu, bởi Chúa Giêsu đã không chết mãi, nhưng đã sống lại và lên trời.  Chính việc Chúa Giêsu lên trời mà làm cho đức tin của tôi có ý nghĩa.  Luca cũng viết, Chúa Giêsu nhất quyết đi Gie-ru-sa-lem, tức là bước vào cuộc tử nạn.  Như vậy đường thập giá là con đường tự chọn của Chúa Giêsu vì yêu tôi, Ngài không bị miễn cưỡng.  Điều này có thể giúp tôi xem lại tất cả những đau khổ mà tôi đang đối diện, chúng có phải là thánh giá, và là thánh giá Chúa gởi, như nhiều người vẫn nói không?  Phải minh định rằng, đau khổ không phải là thánh giá Chúa gởi, đau khổ là một sự ác mà Chúa đang giúp tôi đi qua, không đơn lẻ, nhưng có Chúa ở cùng tôi.  Mọi khổ đau chỉ là thánh giá khi tôi có sự tự do chọn nó, như Chúa Giêsu.  Đâu là những khổ giá và đâu là những thánh giá mà tôi đang mang?  Tôi đón nhận thánh giá và tôi cộng tác với Chúa loại trừ khổ giá như thế nào?  Tôi muốn suy ngẫm về điều này.

2.      Gioan và Gia-cô-bê đã đề nghị Chúa Giêsu, để các ông trừng trị dân Samari vì đã không đón Chúa Giêsu.  Điều này nói gì với tôi về thái độ theo Chúa của các ông?  Phải chăng tôi cũng có thái độ giống họ, theo Chúa không phải với tình thương, mà bằng sự trừng phạt?  Phải chăng tôi đã từng nói với con cái, với người này người kia: “Không đi lễ hả?  Không cầu nguyện tối sáng ư?  Coi chừng, Chúa phạt chết xuống hỏa ngục!  Coi chừng, Chúa phạt tội lòi mắt ra!”  Đây là những hình ảnh quá lệch lạc về Thiên Chúa mà tôi đã rao giảng bao lâu nay?  Hơi một tí là tôi nói: Chúa phạt, Trời phạt?  Chúa Giêsu không thích điều này, Ngài đã quở mắng các môn đệ khi họ có thái độ ấy.  Từ nay trở đi, tôi sẽ rao giảng về một Thiên Chúa yêu thương, hay một Thiên Chúa độc ác, khát máu?  Tôi muốn mỗi ngày nói chuyện với Chúa Giêsu, để tìm ra khuôn mặt thật của Chúa, trước khi tôi nói với bất cứ ai về Ngài.  Chúa Giêsu, nổi tiếng như vậy khi đi rao giảng, vậy mà Ngài cũng có kinh nghiệm bị hất hủi, không được đón nhận.  Kinh nghiệm này của Chúa Giêsu nói gì với tôi?  An ủi tôi thế nào khi tôi không được đón nhận và biết ơn?

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, September 29, 2019

Thứ Hai Tuần XXVI Mùa Thường Niên – Năm C – 30-9-2019 - Lễ Thánh Jerome


Thu Hai XXVI TN

Luca 9:46-48

46Một câu hỏi chợt đến với các ông: trong các ông, ai là người lớn nhất? 47Đức Giê-su biết điều các ông đang tự hỏi trong lòng, liền đem một em nhỏ đặt bên cạnh mình 48và nói với các ông: "Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy. Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất."

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://www.phimconggiao.com/kinh-thanh/TanUoc_03Luca.html#9)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay nối tiếp bài đọc hôm Thứ Bảy, đó là lần thứ hai Chúa Giêsu nói cho các môn đệ rằng, Ngài sẽ bị giết như thế nào.  Các ông không hiểu Ngài nói gì, nhưng dường như các ông cũng chẳng quan tâm điều Thầy vừa nói với họ.  Điều họ thật sự quan tâm như trong bài đọc hôm nay đó là, ai sẽ làm lớn, người quan trọng nhất!  Tôi có thể nói các môn đệ thật đốn hèn!  Tuy nhiên, phải chăng đây cũng là chuyện xảy ra hằng ngày, bao ngàn năm qua, khi mà cha mẹ đau bệnh gần chết, nhiều người con dường như chẳng quan tâm.  Điều họ thật sự quan tâm là, ai sẽ được căn nhà, ai sẽ được cái xe, ai sẽ được ruộng nương của cha mẹ!  Hiếm có những đám tang của cha mẹ mà con cái đã không sinh sự, giành giật nhau tài sản, để rồi dẫn đến sự chia rẽ, mất tình anh chị em.  Tôi có thể tập trung cầu nguyện cho gia đình của tôi lúc này, cho tình gia đình anh chị em với nhau sao cho, trên thuận dưới hòa.   

2.     Chúa Giêsu kết thúc lời dạy của Ngài bằng cách đặt một trẻ nhỏ làm mẫu trước mặt các môn đệ.  Trẻ nhỏ luôn có một điểm chung: hồn nhiên, ai tranh giành của cải mặc kệ, chúng chẳng quan tâm.  Điều chúng quan tâm là, không bao giờ muốn mất bố, không bao giờ muốn mất mẹ.  Nói chung, chúng chỉ cần tình thương, tình gắn bó giữa cha mẹ với chúng mà thôi.  Điều này Chúa Giêsu cũng muốn nói với các môn đệ, và cũng là với tôi trong giờ cầu nguyện này.  Chúa Giêsu chỉ muốn một tương quan yêu thương mật thiết giữa Ngài và tôi.  Được như vậy tôi muốn gì cũng được.  Được như vậy tôi là người giầu nhất, lớn nhất trong Nước Trời.  Tôi muốn xây đắp tương quan yêu thương mang tính cá vị đó với Chúa Giêsu ngay từ giây phút này.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, September 28, 2019

Chúa Nhật Tuần XXVI Mùa Thường Niên – Năm C – 29-9-2019


CN XXVI TN

Luca 16:19-31

19"Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. 20Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, 21thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. 22Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.

23"Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ. 24Bấy giờ ông ta kêu lên: "Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm! 25Ông Áp-ra-ham đáp: "Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. 26Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.

27"Ông nhà giàu nói: "Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, 28vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này! 29Ông Áp-ra-ham đáp: "Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó. 30Ông nhà giàu nói: "Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối. 31Ông Áp-ra-ham đáp: "Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin."

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://www.phimconggiao.com/kinh-thanh/TanUoc_03Luca.html#16)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là một trong những dụ ngôn nổi tiếng trong Kinh Thánh.  Nhưng phải nói ngay rằng, Chúa Giêsu kể dụ ngôn này không có ý ca tụng sự khó nghèo bần cùng, và Ngài cũng chẳng lên án sự giầu có về vật chất.  Bởi giầu không phải là tội, đặc biệt khi sự giầu có đó đến từ mồ hôi nước mắt của tôi; sự giầu có này đáng ca tụng.  Mà nghèo chẳng phải là cái phúc, đặc biệt khi sự nghèo khó là do ươn lười và biếng nhác, sống vô trách nhiệm về chính mình và phí phạm những tài năng, thời gian và sức khỏe Chúa đã ban cho tôi.  Điều Chúa Giêsu muốn nói ở đây chính là, sự dửng dưng của tôi trước những đau khổ của người khác.  Điều này đáng lên án, và lên án nặng.  Giờ cầu nguyện hôm nay có thể là giây phút tôi muốn xem lại lối sống của tôi, tương quan giữa tôi với những người xung quanh như: Vợ, chồng, con cái, cha mẹ, hàng xóm.  Tôi đang sống có tình, có nghĩa với nhau không?  Tôi biết họ đang có những đau khổ nào, tôi cầu nguyện cho họ được không?  An ủi họ được không?  Bớt trách móc, bớt nói xấu, bớt dèm pha, bớt lên án họ được không?  Tôi có thể có một hành động cụ thể để giúp họ được không?  Ngay giây phút này, tôi muốn cầu nguyện cho những người đang là những La-da-rô quanh tôi.

2.     Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn hình dung cảnh ông nhà giầu và La-da-rô, để hiểu rõ sức mạnh của dụ ngôn mà Chúa Giêsu kể cho tôi lúc này.  Tôi để ý nỗi thèm khát của La-da-rô, chỉ mong được ăn những mảnh thức ăn vụn từ bàn ăn rơi xuống.  Tức là La-da-rô đang ở tại một cự ly rất gần với ông nhà giầu, ngay dưới chân.  Vậy mà ông ta không quan tâm.  Gần hơn nữa đó là, những con chó đã đến liếm những vết thương của La-da-rô.  Bình thường, chó thấy người lạ sẽ sủa, sẽ cắn.  Nhưng trong trường hợp này chúng lại liếm vết thương của La-da-rô.  Chúa Giêsu thật tinh tế đặt chi tiết này trong dụ ngôn, để cho tôi thấy rằng La-da-rô không phải đến ăn xin lần đầu tiên, và ông cũng không phải ở đây trong vài phút, nhưng đã đến nhiều lần và ở lâu đến nỗi chó đã quen La-da-rô như bạn và liếm vết thương của La-da-rô.  Dường như con chó cũng đồng cảm với nỗi khổ đau của La-da-rô mà dùng nước miếng của chúng như trụ sinh để chữa cho La-da-rô vậy mà, ông nhà giầu vẫn không quan tâm.  Một sự dửng dưng tàn nhẫn, với một người ở thật gần bên.  Tấm lòng ông nhà giầu này không bằng tấm lòng của những con chó.  Ai là người ở gần tôi đến như vậy trong lúc này và họ đang có những đau khổ nào mà tôi chẳng hay, hoặc chẳng quan tâm?  Tôi để ý Chúa Giêsu có kể dụ ngôn này cho riêng tôi?  Tôi nghĩ gì và phải làm gì sau giờ cầu nguyện này?  Tôi nói với Chúa những ý định của tôi.   

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, September 27, 2019

Thứ Bảy Tuần XXV Mùa Thường Niên – Năm C – 28-9-2019


Thu Bay XXV TN

Luca 9:44-45

44"Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời." 45Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://www.phimconggiao.com/kinh-thanh/TanUoc_03Luca.html#9)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Chúa Giêsu dường như rất nghiêm túc về những gì Ngài nói với các môn đệ trong bài đọc hôm nay.  Đây là lần thứ hai Chúa Giêsu tỏ cho họ biết trước về cái chết của Ngài.  Tôi cảm nhận thế nào về điều Chúa Giêsu nói với các môn đệ?  Chắc hẳn với đầy tình thương.  Chắc hẳn có những nỗi buồn và sợ trong giọng nói của Chúa Giêsu.  Buồn vì sẽ sắp phải xa những người thân yêu; sợ vì biết mình sẽ sắp phải bị giết.  Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn ở bên Chúa trong câu nói của Ngài, để cảm nghiệm tình thương Ngài dành cho tôi như thế nào, và tôi muốn ở bên Ngài, để hiểu, để nâng đỡ Ngài, qua những người đang gặp khó khăn quanh tôi. 

2.     Chúa Giêsu nói lần thứ hai với các môn đệ về Ngài sẽ phải chết như thế nào, vậy mà họ chẳng hiểu.  Các môn đệ không hiểu đã đành, tôi hiểu không, sau khi đã chứng kiến cái chết và sống lại của Ngài hai ngàn năm qua?  Có một sự biến đổi gì trong tôi không, khi biết rõ rằng Chúa Giêsu đã chết vì tôi và cho tôi?  Tôi sẽ sống như thế nào để đáp lại tình yêu ấy?  Cái chết của Chúa Giêsu mời gọi tôi sống như thế nào với tha nhân?   Tôi dành những giây phút này để suy ngẫm về tình yêu Chúa Giêsu dành cho tôi.  Tôi nói chuyện với Ngài về quyết tâm sống như thế nào để xứng đáng là môn đệ của Ngài? 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, September 26, 2019

Thứ Sáu Tuần XXV Mùa Thường Niên – Năm C – 27-9-2019- Lễ Thánh Vinh Sơn Phao-lô


Thu Sau XXV TN

Luca 9:18-22

18Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: "Dân chúng nói Thầy là ai?" 19Các ông thưa: "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại." 20Người lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa." 21Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai. 22Người còn nói: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy."

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://www.phimconggiao.com/kinh-thanh/TanUoc_03Luca.html#9)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay nêu rõ hai câu hỏi với các môn đệ: Thứ nhất, “Dân chúng nói Thầy là ai?”  Nếu Chúa Giêsu hỏi tôi câu hỏi này, có lẽ không khó trả lời lắm.  Bởi tôi chỉ cần nghe ngóng thiên hạ nói như thế nào về Chúa Giêsu và thuật lại cho Ngài.  Tôi có thể tham khảo Kinh Thánh, Sách Giáo lý, hoặc nghe Giáo hội và bố mẹ tôi dạy tôi như thế nào về Chúa Giêsu và trả lời cho Ngài.  Tôi có thể mất một vài giờ, một vài năm làm một số nghiên cứu, tôi có thể trả lời vanh vách Chúa Giêsu là ai. 

2.     Thứ hai, “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”  Nếu Chúa Giêsu hỏi tôi câu hỏi này, tôi sẽ trả lời thế nào?  Đây là một câu hỏi nghiêm túc, bởi Chúa Giêsu cũng hỏi các môn đệ trong lúc cầu nguyện.  Câu trả lời có là một thách đố lớn đối với tôi?  Bởi tôi không thể dựa vào ai được, mà chỉ dựa vào chính kinh nghiệm riêng tư của bản thân để trả lời câu hỏi này.  Tôi chỉ thực sự có được câu trả lời này qua kinh nghiệm cầu nguyện, khi trầm mình bên Chúa trong lặng lẽ, khi tìm gặp Chúa trong những kinh nghiệm sống thường ngày.  Tôi sẽ không thể có được câu trả lời này trong một vài ngày, nhưng phải mất một thời gian dài, có thể cả đời người.  Tuy nhiên, tôi sẽ rất tự hào và cảm thấy mình lớn hẳn lên khi trả lời được câu hỏi này.  Bởi vì đây là câu trả lời của riêng tôi, không vay mượn của ai.  Tôi muốn ngồi bên Chúa trong lúc này, trầm mình trải cuộc đời tôi cho Chúa nghe mỗi ngày sống của tôi, tôi sẽ biết Chúa Giêsu thực sự là ai với tôi.  Tôi muốn bắt đầu tìm câu trả lời này ngay bây giờ, và từ hôm nay trở đi, tôi muốn bước vào hành trình khám phá một định nghĩa về Chúa Giêsu của riêng tôi.     

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, September 25, 2019

Thứ Năm Tuần XXV Mùa Thường Niên – Năm C – 26-9-2019


Thu Nam XXV TN

Luca 9:7-9

7Tiểu vương Hê-rô-đê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói: "Đó là ông Gio-an từ cõi chết trỗi dậy." 8Kẻ khác nói: "Ông Ê-li-a xuất hiện đấy!" Kẻ khác nữa lại nói: "Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại." 9Còn vua Hê-rô-đê thì nói: "Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?" Rồi vua tìm cách gặp Đức Giê-su.

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://www.phimconggiao.com/kinh-thanh/TanUoc_03Luca.html#9)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Sự xuất hiện và danh tiếng của Chúa Giêsu trở nên lẫy lừng khiến Vua Hê-rô-đê, đại diện cho thế giới của sự ác, cảm thấy phải lo sợ và hoang mang.  Sự xuất hiện của Chúa Giêsu khiến cho những việc làm sai trái và trong bóng tối của mọi người bị phơi bày trước ánh sáng, khiến họ sợ hãi hoang mang.  Liệu có một góc cạnh nào đó trong đời sống của tôi khiến tôi cảm thấy không thoải mái và bình an, mỗi khi bước vào giờ cầu nguyện, hoặc làm cho tôi ngại cầu nguyện vì sẽ phải đối diện với Chúa chăng?  Nói một cách mạnh mẽ hơn, giả sử Chúa sẽ gọi tôi về trình diện với Ngài trong ngày hôm nay, trong đêm nay, tôi sợ hay tôi vui mừng vì sẽ gặp Ngài?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này? 

2.     Bài đọc kết thúc bằng sự quyết tâm của Hê-rô-đê muốn tìm gặp Chúa Giêsu, và cuối cùng ông đã gặp Ngài (Lc 23:8-11), nhưng đã khinh dể Ngài và trao Ngài cho Phi-la-tô để đóng đinh Ngài vào thập giá.  Tôi có lòng ao ước gặp Chúa Giêsu như thế nào trong lúc này?  Để loại trừ Ngài ra khỏi cuộc đời của tôi hay, để thuần phục Ngài?  Tôi để ý lòng tôi đang hướng về đường nào?  Nếu là để loại trừ Chúa, tại sao tôi lại có sự nghiêng chiều đó?  Có phải tôi đã thất vọng về Ngài chăng?  Có phải tôi có những tổn thương nào về niềm tin chăng?  Tôi có thể nói chuyện với Ngài trong lúc này.   

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, September 24, 2019

Thứ Tư Tuần XXV Mùa Thường Niên – Năm C – 25-9-2019


Thu Tu XXV TN

Luca 9:1-6

1Đức Giê-su tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật. 2Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. 3Người nói: "Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. 4Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ởlại đó và cũng từ đó mà ra đi. 5Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ." 6Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi.

 (Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://www.phimconggiao.com/kinh-thanh/TanUoc_03Luca.html#9)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay sai Nhóm Mười Hai đi loan báo Tin Mừng.  Tin Mừng đó là để trừ khử sự ác và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền.  Tức là đem sự bình an, sự chữa lành và tình thương đến với mọi người.  Khi nào tôi làm những điều này, khi ấy tôi đang làm công việc của Chúa Giêsu đã sai Nhóm Mười Hai ngày xưa làm, đúng nghĩa là đem TIN MỪNG, không phải tin buồn, không phải tin sợ hãi, không phải tin hoang mang và chia rẽ.  Giờ cầu nguyện này có thể là lúc tôi nhìn lại đời sống của của tôi, Chúa đã gọi và sai tôi đi từ ngày tôi lãnh nhận Phép Rửa, tôi đã đem TIN MỪNG, hay tin buồn?  Tôi đã đem sự chữa lành và hòa giải ở mọi nơi tôi đến, hay đem chia rẽ và hận thù? 

2.      Chúa Giêsu cũng dặn dò Nhóm Mười Hai, đi đường không được mang theo gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, hai áo.  Chẳng phải là Chúa Giêsu đẩy họ vào con đường hiểm nghèo, nhưng quan trọng hơn Chúa Giêsu muốn nói đó là, đời sống của người môn đệ phải chỉ nương tựa vào Chúa và ở tình người, đồng thời không trở nên gánh nặng cho bất cứ ai và ở bất cứ nơi đâu tôi đặt chân đến.  Sự tín thác vào Chúa có là một thách đố đối với tôi không?  Tôi tín thác vào sự quan phòng của Chúa đến mức nào?  Tôi có kinh nghiệm tín thác vào Chúa khi nào chưa?  Kinh nghiệm ấy giúp tôi đối diện với những khó khăn hiện tại ra sao?  Đời sống Kitô hữu của tôi có đang là gánh nặng cho ai không?  Tôi đọc lại những lời dặn dò trên của Chúa Giêsu để chấn chỉnh lại lối sống của tôi bao lâu nay. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, September 23, 2019

Thứ Ba Tuần XXV Mùa Thường Niên – Năm C – 24-9-2019


Thu Ba XXV TN

Ét-ra 6:1-12

1Bấy giờ, vua Đa-ri-ô ra lệnh cho tìm kiếm trong kho tàng, nơi trữ các văn thư ở Ba-by-lon. 2Người ta đã tìm thấy ở Ác-mơ-tha, thành trì nằm trong tỉnh Mê-đi, một cuộn da trên đó có viết: "Giác thư.

3Năm thứ nhất đời vua Ky-rô, vua Ky-rô ra lệnh: Về vấn đề Nhà Thiên Chúa ở Giê-ru-sa-lem. Nhà sẽ được tái thiết làm nơi dâng các hy lễ, và nền móng cũ sẽ được duy trì. Chiều cao của Nhà sẽ là ba mươi thước, chiều rộng ba mươi thước. 4Sẽ có ba lớp đá đẽo và một lớp gỗ. Nhà vua sẽ lấy quỹ của triều đình đài thọ các chi phí. 5Hơn nữa, những đồ vàng đồ bạc thuộc Nhà Thiên Chúa, mà vua Na-bu-cô-đô-nô-xo đã lấy ra khỏi Đền Thờ Giê-ru-sa-lem và đưa về Ba-by-lon, sẽ được trả lại, để các đồ vật ấy trở về chỗ cũ trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem và được đặt trong Nhà Thiên Chúa."

6"Vậy bây giờ, Tát-nai, trưởng Vùng bên kia sông Êu-phơ-rát, Sơ-tha Bốt-nai và các đồng liêu, các khâm sai Vùng bên kia sông Êu-phơ-rát, các ngươi hãy rời xa nơi đó. 7Hãy để cho tổng trấn của người Do-thái và các kỳ mục Do-thái lo việc xây cất Nhà Thiên Chúa, họ phải tái thiết Nhà Thiên Chúa ở chỗ cũ. 8Đây là lệnh ta ban cho các ngươi về cách đối xử với hàng kỳ mục Do-thái trong việc tái thiết Nhà Thiên Chúa: phải lấy tiền bạc của nhà vua trích từ thuế thu được ởVùng bên kia sông Êu-phơ-rát, mà cung cấp đầy đủ các chi phí cho những người đó, không được gián đoạn. 9Theo lời chỉ dẫn của các tư tế Giê-ru-sa-lem, những gì cần cho lễ toàn thiêu kính Thiên Chúa, Chúa các tầng trời: bò tơ, chiên cừu, lúa miến, muối, rượu và dầu, ngày ngày sẽ được cung cấp cho họ, không được chểnh mảng, 10để họ dâng lên Thiên Chúa, Chúa các tầng trời, các hy lễ làm đẹp lòng Người, và cầu cho nhà vua và các hoàng tử được trường thọ. 11Ta còn ra lệnh: Bất kỳ ai vi phạm sắc chỉ này, thì phải dỡ xà gỗ nhà nó, làm cột đóng xuyên qua người nó mà dựng lên; và vì lý do ấy, hãy biến nhà nó thành đống phân dơ. 12Chớ gì Thiên Chúa, Đấng đã đặt Danh Người ngự tại đó, lật đổ bất cứ vua hay dân nào dám vi phạm sắc chỉ này mà tra tay phá huỷ Nhà Thiên Chúa ở Giê-ru-sa-lem. Chính ta, Đa-ri-ô, đã ban lệnh này. Sắc chỉ phải được thi hành chu đáo!"

(Trích Sách Ét-ra bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://www.phimconggiao.com/kinh-thanh/CuuUoc_15Etra.html#6)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay, nối tiếp bài đọc hôm qua, là một câu chuyện rất đẹp, rất cao thượng và đầy nhân bản, từ hai mươi lăm thế kỷ trước, mà cả đến ngày hôm nay thế giới vẫn chưa mấy ai đã làm được.  Câu chuyện nói về Vua Đa-ri-ô, một vị vua của dân ngoại, ấy vậy mà, ông đã ra lệnh cho cả triều đình và vương quốc của ông phải trích thuế của dân mình, lấy kho báu của nhà vua mà cho các tư tế Do-thái xây dựng lại đền thờ Thiên Chúa của người Do-thái ở Giêrusalem.  Câu chuyện này nói gì với tôi: Tôi đã từng có óc miệt thị, coi thường các tôn giáo khác và chỉ coi tôn giáo mình là đúng, là nhất không?  Hay tôi đã có một cái nhìn rất nhân bản, bao dung và đầy tôn trọng đối với các tôn giáo bạn, sẵn sàng giúp họ mỗi khi họ gặp khó khăn hoặc có nhu cầu cần được giúp đỡ?  Tôi muốn dành những giây phút này để suy ngẫm về việc làm của Vua Đa-ri-ô và thái độ sống đức tin của tôi.

2.      Tôi đọc lại câu chuyện trên và muốn có một quyết tâm tích cực đầy nhân ái, nhân bản, và tôn trọng, hướng mở đến những giáo xứ lân cận quanh giáo xứ tôi, liên đới với những tôn giáo bên cạnh tôn giáo của tôi.  Nếu tôi là một Kitô hữu, tôi muốn chọn từ nay trở đi sống sao cho có tình, có nghĩa với mọi người. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

CHIÊM BAO - Ngôn Ngữ Kỳ Bí - Ngôn Ngữ Bị Lãng Quên
Quý vị có thể ghi danh qua điện thoại, bằng cách bấm vào đường dẫn sau: https://tinyurl.com/y67gn52a

Chiem Bao - Ngon Ngu Ky Bi - Ngon Ngu Bi Lang Quen

Sunday, September 22, 2019

Thứ Hai Tuần XXV Mùa Thường Niên – Năm C – 23-9-2019


Thu Hai XXV TN

Luca 8:16-18

16"Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng. 17Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng. 18Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất."

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://www.phimconggiao.com/kinh-thanh/TanUoc_03Luca.html#8)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Điều Chúa Giêsu nói trong bài đọc hôm nay là một cái gì rất hiển nhiên, mà ai cũng làm: “Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng.”  Thế nhưng, có bao giờ tôi tự hỏi: Cuộc đời tôi chính là ngọn đèn mà Chúa đã thắp vào trong cuộc đời này, và đã đặt tôi trên một giá cao trong gia đình, trong cộng đoàn, trong xã hội của tôi, bao lâu nay tôi đã tỏa sáng, tỏa hương, tỏa nhiệt, giúp ích cho mọi người như thế nào?  Tôi nghĩ Chúa hài lòng về việc tỏa sáng, tỏa nhiệt, tỏa hương từ đời sống của tôi bao lâu nay không?  Giờ cầu nguyện này có thể là lúc, tôi ngồi bên Chúa và để ý Ngài hãnh diện, cám ơn tôi và vui mừng vì tôi như thế nào.  Cũng có thể giờ cầu nguyện này là lúc, tôi để Chúa khêu lại bấc đèn trong tôi, để tôi có thể tỏa hết mình ở mọi nơi tôi hiện diện.

2.     Từ này trở đi, tôi muốn chọn tỏa sáng, tỏa hương, tỏa nhiệt trong mọi ngày sống của tôi.  Ngày hôm nay tôi muốn tỏa hương, tỏa sáng và tỏa nhiệt ở chỗ nào và bằng những việc cụ thể nào?  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát: “Thắp Sáng Lên Trong Con Tình Yêu Chúa,” qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=Hc2YwRkrJc0   

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, September 21, 2019

Chúa Nhật Tuần XXV Mùa Thường Niên – Năm C – 22-9-2019


CN XXV TN

Luca 16:1-8

1Đức Giê-su còn nói với các môn đệ rằng: "Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. 2Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: "Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa! 3Người quản gia liền nghĩ bụng: "Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. 4Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!

5"Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: "Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy? 6Người ấy đáp: "Một trăm thùng dầu ô-liu. Anh ta bảo: "Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi. 7Rồi anh ta hỏi người khác: "Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: "Một ngàn giạ lúa. Anh ta bảo: "Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.

8"Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://www.phimconggiao.com/kinh-thanh/TanUoc_03Luca.html#16)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Có thể nói, dụ ngôn trong bài đọc hôm nay của Chúa Giêsu hướng tôi đến những gì quan trọng nhất của cuộc đời.  Nếu cuộc đời tôi kết thúc vào đêm nay hay ngày mai, tôi sẽ ra sao?  Tôi sẽ làm gì trong lúc này, để tôi vẫn bình an và vui sống?

2.     Chúa Giêsu kết thúc dụ ngôn bằng lời khen viên quản gia bất lương này.  Chắc chắn, Ngài không khen sự bất lương của anh ta, nhưng khen cách ứng phó khôn ngoan và nhanh trí của anh ta.  Anh ta đã chọn cách thức nào tốt nhất có thể để đưa anh ta đến một tương lai an toàn.  Đối với mọi người, cuộc sống tạm bợ đời này mà người ta đã ứng phó nhanh và khôn khéo như vậy; đối với tôi, sự sống đời đời, tôi sẽ ứng phó như thế nào?  Tất cả đều tùy thuộc ở những quyết định và việc làm trong hiện tại.  Thánh Inhaxio Loyola có thể giúp tôi quyết định như thế nào, một cách khôn ngoan, ngay bây giờ. 

Tôi muốn suy ngẫm “Nguyên Lý Nền Tảng và Mục Tiêu Cuộc Đời” của Inhaxio: “Mục tiêu cuộc đời là sống mãi với Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng ta cuộc sống vì thương yêu chúng ta.  Khi chúng ta ngợi khen, tôn kính, và phục vụ Ngài, tâm linh chúng ta được cứu thoát.  Mọi sự trên mặt đất đều là những phương tiện Thiên Chúa ban ngõ hầu chúng ta hiểu biết Ngài và đáp trả tình thương Ngài ban.  Vậy, chúng ta phải sáng suốt Nhận Định và xử dụng mọi sự theo mức độ ích lợi để trở thành một người biết yêu thương HƠN.  Thiên Chúa sẽ bị loại xuống hàng thứ yếu và sự triển nở sẽ gặp cản trở khi một trong những món quà Chúa ban trở thành tâm điểm cuộc sống con người.  Như thế, trong đời sống hằng ngày, chúng ta phải biết giữ lòng Bình Tâm, thăng bằng đối với mọi sự trên mặt đất, không thiên bên nào, cho đến khi thấy rõ lối đưa mình đến mục đích cách hữu hiệu HƠN; chẳng hạn: sức khỏe hay bệnh tật, của cải hay nghèo khó, thành công hay thất bại, sống lâu hay chết yểu… Biết đâu một trong những sự kiện trên có thể gợi lên trong chúng ta sự đáp trả tình thương của Chúa một cách sâu xa HƠN.  Do đó, ước muốn duy nhất của chúng ta phải là: Tôi muốn và tôi lựa chọn con đường nào dẫn đến cuộc sống làm con Thiên Chúa cách sung mãn HƠN HẾT!” (Trích Ca Nguyện Linh Thao, trg 9). 

Tôi có thể kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát, Mong Chẳng Còn Gì, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=mA_K3NcPQXU       

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, September 20, 2019

Thứ Bảy Tuần XXIV Mùa Thường Niên – Năm C – 21-9-2019 – Lễ Thánh Mát-thêu


Thu Bay XXIV TN

Mát-thêu 9:9-13

9Bỏ nơi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: "Anh hãy theo tôi!" Ông đứng dậy đi theo Người. 10Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. 11Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: "Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?" 12Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. 13Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: "Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi."

(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://www.phimconggiao.com/kinh-thanh/TanUoc_01Matthieu.html#9)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hai điều có thể đáng cho tôi suy ngẫm trong giờ cầu nguyện hôm nay: Thứ nhất, Chúa Giêsu gọi Mát-thêu, một người tội lỗi, làm môn đệ của Ngài.  Điều này có nghĩa là, ai cũng có thể trở thành môn đệ của Chúa Giêsu.  Như vậy, ơn gọi làm môn đệ của Chúa Giêsu chỉ còn là tùy thuộc ở sự đáp trả của tôi.  Tôi nghĩ sao và đáp trả thế nào về lời mời gọi của Chúa Giêsu, giữa cuộc đời hôm nay?  Tôi nghĩ Ngài đang mời gọi tôi làm gì?  Tôi nói chuyện với Ngài trong giây phút này.

2.     Thứ hai, sự đáp trả một cách mau mắn và dứt khoát của Mát-thêu.  Làm sao ông ta có thể dứt khoát với quá khứ dễ dàng như vậy?  Nhất là, nghề ấy đang cho ông ta những lợi nhuận từ những đồng tiền gian lận.  Có lẽ, một điều mà ai cũng cảm nhận được khi dứt khoát với quá khứ tội lỗi đó là, sự tự do.  Có lẽ Mát-thêu nhận ra chân giá trị của tự do, và ông đã đánh đổi nó bằng mọi giá.  Có một góc cạnh nào trong đời sống của tôi, cứ day dứt, đòi tôi phải dứt khoát lên đường với Chúa Giêsu không?  Dứt bỏ nó khó như thế nào?  Tôi có thể tâm sự với Mát-thêu; tôi có thể nói chuyện với Chúa Giêsu về khó khăn này.  Ngài đang chờ tôi và vì tôi mà Ngài đến bên tôi trong giờ cầu nguyện này để, kêu gọi tôi, dù tôi thánh thiện hay tội lỗi!

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, September 19, 2019

Thứ Sáu Tuần XXIV Mùa Thường Niên – Năm C – 20-9-2019 – Lễ Thánh Andrew Kim Tae-gŏn và Các Bạn Tử Đạo

Thu Sau XXIV
Luca 8:1-3

1Sau đó, Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai 2và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, 3bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ.

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://www.phimconggiao.com/kinh-thanh/TanUoc_03Luca.html#8)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bình đẳng nam nữ là một trong những điểm nhấn của Phúc âm Luca.  Điều này có thể thấy rõ trong bài đọc hôm nay, không chỉ có các ông đi theo và làm môn đệ của Chúa Giêsu, mà có cả các bà nữa.  Tưởng đây cũng là điểm hiển nhiên trong mọi nhóm và mọi thời đại, đâu đâu cũng thấy các bà nhiều hơn các ông, từ việc đi lễ, sinh hoạt các nhóm đạo, thiện nguyện, đến việc tĩnh tâm và cầu nguyện, thế mà nhiều nơi và nhiều người vẫn coi thường họ.  Bài đọc hôm nay nói gì với tôi, khi tôi là nữ?  Một sự khích lệ để tiếp tục theo Chúa chăng?  Bài đọc hôm nay nói gì với tôi, khi tôi là nam?  Một lời mời mở lòng và biết tôn trọng nữ giới hơn chăng?  Dù là tôi là ai, tôi muốn theo sát Chúa Giêsu và làm môn đệ của Ngài, như những người đàn ông và đàn bà ngày xưa không?

2.     Luca ghi nhận là, các bà đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Chúa Giêsu và các môn đệ.  Lòng quảng đại này nói lên tình yêu của họ dành cho Chúa Giêsu và các môn đệ.  Tôi xem lại tình yêu của tôi với Chúa Giêsu như thế nào?  Tình yêu này thúc đẩy tôi làm gì cho Chúa, không hẳn chỉ là tiền bạc, nhưng còn là tài năng, thời giờ và tâm huyết của tôi nữa?  Tôi có thể bàn chuyện này với Chúa trong giờ cầu nguyện này.  Có thể vì yêu Chúa, tôi sẽ dốc hết tâm huyết và trí tuệ của tôi phục vụ gia đình trong ngày hôm nay, hoặc tôi sẽ phục vụ cộng đoàn cuối tuần này…       

Phạm Đức Hạnh, SJ