Thursday, May 31, 2018

Thứ Sáu Tuần VIII Thường Niên – Năm B - II – 1-6-2018 - Lễ Thánh Justin tử đạo


Thu Sau VIII TN
1 Phê-rô 4:7:11
7 Thời cùng tận của vạn vật gần đến rồi. Anh em hãy sống chừng mực và tiết độ để có thể cầu nguyện được.8 Trước hết, anh em hãy hết tình yêu thương nhau, vì lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi.9 Hãy tiếp đón nhau mà không lẩm bẩm kêu ca.10 Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa.11 Ai có nói, thì nói lời Thiên Chúa; ai phục vụ, thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban. Như thế, trong mọi việc, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa nhờ Đức Giê-su Ki-tô. Kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. A-men.
(Trích Thư I Phê-rô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Lời Chúa trong Thư của Phê-rô hôm nay hướng cuộc sống của tôi đến cùng đích của cuộc đời.  Nếu tôi hướng về cùng đích cuộc đời của tôi trong Thiên Chúa, tôi sẽ có năng lực và lòng ao ước muốn làm mọi điều thiện hảo.  Giờ cầu nguyện này có thể là lúc tôi định hướng lại mọi góc cạnh và chọn lựa trong cuộc sống của tôi sao cho trong ý nghĩa đời đời, cụ thể như qua: cách nói, cách nghĩ, cách sống phải có tinh thần của Chúa Kitô. 
2.      Phê-rô kết thúc lời khuyên bằng cách hướng mọi việc làm và đời sống của tôi để làm cho danh Chúa được tỏa sáng.  Tôi có thể làm một điều gì cụ thể ngay sau giờ cầu nguyện này?  Tôi muốn viết xuống những việc làm cụ thể trong ngày sống và để ý tìm mọi dịp làm vinh danh Chúa qua những việc đó. 
Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, May 30, 2018

Thứ Năm Tuần VIII Thường Niên – Năm B - II – 31-5-2018 – Đức Mẹ Thăm Bà Elizabeth


Thu Nam VIII TN
Luca 1:39-56
39 Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa.40 Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét.41 Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần,42 liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?44 Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em."46 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,47 thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.48 Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.49 Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!50 Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.51 Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.52 Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.53 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.54 Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,55 như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời."56 Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.
(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Hai điều nổi bật trong bài đọc hôm nay.  Thứ nhất niềm vui của Mẹ Maria có Chúa nên lòng Mẹ tràn ngập niềm vui, không thể giữ riêng cho mình mà muốn chia sẻ ngay cho người khác.  Thứ hai trong tước vị cao cả này, Mẹ Maria đã rất khiêm nhường.  Tôi muốn bước vào giờ cầu nguyện này và học nơi Mẹ Maria hai thái độ này.  Ngay trong giây phút này khi ngồi bên Chúa trong giờ cầu nguyện, tôi có thật sự đang muốn và nỗ lực tìm gặp Chúa không?  Nếu có, chắc chắn tôi sẽ gặp Ngài và chắc chắn lòng tôi sẽ tràn ngập niềm vui, và niềm vui này sẽ lan tỏa cả ngày sống của tôi.  Tôi cũng muốn học ở Mẹ Maria sự khiêm nhường, một sự khiêm nhường đang làm cho Mẹ trở nên thật đẹp trong con mắt của Chúa và trong con mắt của mọi người.
2.      Trong giờ cầu nguyện này tôi cũng muốn hình dung Mẹ Maria và Elizabeth đang chia sẻ niềm vui có Chúa cho nhau như thế nào.  Chắc hai mẹ cũng đã sờ bụng nhau để cảm nghiệm sự sống của Thiên Chúa đang chuyển động trong lòng của nhau.  Tôi cũng muốn cảm nghiệm cũng chính sự sống ấy đang chuyển động trong từng bộ phận của cơ thể tôi, và hết lòng khiêm nhường cảm tạ Thiên Chúa cho món quà sự sống này.   
Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, May 29, 2018

Thứ Tư Tuần VIII Thường Niên – Năm B - II – 30-5-2018


Thu Tu VIII TN
Mác-cô 10:32-45
 35 Hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến gần Đức Giê-su và nói: "Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây."36 Người hỏi: "Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?"37 Các ông thưa: "Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang."38 Đức Giê-su bảo: "Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?"39 Các ông đáp: "Thưa được." Đức Giê-su bảo: "Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu.40 Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được."41 Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an.42 Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân.43 Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em;44 ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.45 Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người."
(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.   Bài đọc hôm nay có thể cho tôi thấy một thái độ rất thông thường trong cầu nguyện của tôi đó là, khi cầu nguyện tôi tập trung vào chính tôi, vào nhu cầu của tôi hơn là tập trung vào Chúa Giêsu hoặc vào tương quan giữa Ngài và tôi, giống như hai môn đệ Gia-cô-bê và Gioan trong bài đọc hôm nay chỉ tập trung vào nhu cầu của họ và chẳng biết Thầy của họ đang lo sợ về cái chết mà Ngài sắp sửa phải chịu.  Trong giờ cầu nguyện này tôi muốn tập trung vào Chúa Giêsu, vào tương quan giữa Ngài và tôi.  Ngài đang muốn tương quan giữa Ngài và tôi như thế nào?  Tôi muốn hỏi chuyện và tâm sự với Ngài trong lúc này.
2.      Bài đọc hôm nay cũng chỉ cho tôi thấy ý muốn của Chúa Giêsu trong đời sống phục vụ, làm lớn trong Giáo hội không phải là làm cha thiên hạ, mà là làm đầy tớ mọi người.  Trong giờ cầu nguyện này tôi muốn nhìn lại đời sống phục vụ của tôi.  Tôi đang có thái độ nào: kẻ cả, cha thiên tha, hống hách, kiêu căng, thống trị, độc tài, hay khiêm tốn, mở lòng, lắng nghe, ôn hòa, yêu thương, tôn trọng?  Tôi xin Chúa sửa dạy tôi. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, May 28, 2018

Thứ Ba Tuần VIII Thường Niên – Năm B - II – 29-5-2018


Thu Ba VIII TN
Mác-cô 10:28-30
28 Ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: "Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!"29 Đức Giê-su đáp: "Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng,30 mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau. "
(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Câu hỏi của Phê-rô trong bài đọc hôm nay nối tiếp những gì Chúa Giêsu nói về sự từ bỏ để đạt đến sự sống đời đời, trong bài đọc hôm qua.  Dường như lo lắng cho sự sống đời đời cũng nằm trong tâm trí của Phê-rô.  Dù ông đã bỏ hết mọi sự để theo Chúa Giêsu, nhưng vẫn băn khoăn không biết rồi ông sẽ được gì.  Câu hỏi của Phê-rô có phải là của tôi không?  Tôi đã “theo” Chúa, nhưng có lẽ tôi chưa từ bỏ mọi sự như Phê-rô.  Liệu cái gọi là “đi theo Chúa” của tôi có thực tâm lắm không?  Dứt khoát đến mức độ nào?  Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn xem lại thái độ và lối sống theo Chúa của tôi.
2.     Chúa Giêsu đảm bảo rằng những ai bỏ mọi sự mà theo Ngài, chắc chắn phần thưởng sẽ gấp trăm, nhưng cùng với sự bắt bớ.  Tôi dám đánh đổi không?  Tôi tin tưởng những gì Chúa Giêsu hứa không?  Tôi có thể nói chuyện với Chúa Giêsu trong giờ cầu nguyện này, chất vấn Ngài nếu tôi nghi ngờ hay cảm thấy thiệt thòi. 
Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, May 27, 2018

Thứ Hai Tuần VIII Thường Niên – Năm B - II – 28-5-2018


Thu Hai VIII TN
Mác-cô 10:17-27
17 Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: "Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?"18 Đức Giê-su đáp: "Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa.19 Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ."20 Anh ta nói: "Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ."21 Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: "Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi."22 Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.
(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Trước hết phải khen anh thanh niên này đã có một đời sống rất tốt, giữ luật nghiêm túc ngay từ bé, còn tốt hơn cả tôi rất nhiều.  Tuy nhiên lối sống giữ luật nghiêm túc như vậy vẫn không giúp anh ta cảm thấy rằng mình sẽ đạt được đời sống vĩnh cửu.  Anh ta đã phải tìm đến với Chúa Giêsu.  Đời sống đạo của tôi, nhiều khi mới chỉ sốt sắng được một chút, đi lễ mỗi tuần vậy mà đã cảm thấy an tâm rằng mình sẽ lên thiên đàng "cả giường lẫn chiếu", chẳng cần phải thăng tiến gì nữa.  Giờ cầu nguyện này tôi muốn nhìn lại đời sống đức tin của tôi, tôi muốn xin Chúa cho tôi có lòng khát khao luôn muốn kiếm tìm chân lý và phát triển một tương quan sâu đậm với Chúa mỗi ngày một hơn. 
2.     Thứ đến cũng phải khen anh ta là một người giầu có, nhưng vẫn kiếm tìm chân lý.  Anh ta cảm thấy dù giầu có, nhưng những vật chất mà anh ta có vẫn không là bảo chứng cho anh ta được sống đời đời, trong khi đó tôi giầu chắc mới được vài trăm ngàn trong nhà băng vậy mà đã tự hào: "Bàn tay ta làm nên tất cả," chứ chẳng có Chúa nào cho tôi.  Anh thanh niên giầu có kia, cuối cùng, đã phải tìm đến với Chúa Giêsu.  Nhưng khi được Chúa Giêsu chỉ dẫn, anh ta lại bỏ đi buồn rầu vì anh ta có nhiều tiền lắm của.  Sự bám víu lệch lạc này đã làm cho anh ta mất cả sự sống đời đời.  Phải chăng sự lưỡng lự và sợ hãi này cũng là những gì tôi cũng phải chiến đấu mỗi ngày?  Trong giờ cầu nguyện này tôi muốn nhìn lại đâu là những bám víu lệch lạc trong đời sống của tôi bao lâu nay?  Tôi muốn xin Chúa điều gì để tôi sáng suốt phân định đâu là những gì cao trọng nhất và can đảm dám từ bỏ những bám víu lệch lạc cho những giá trị vĩnh cửu và nước trời. 
Phạm Đức Hạnh, SJ


Saturday, May 26, 2018

Chúa Nhật VIII Thường Niên – Năm B - II – 27-5-2018


Chua Nhat VIII TN
Hô-sê 2:16-18
16 Ta sẽ quyến rũ nó [Israel], đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình.17 Từ nơi đó, Ta sẽ trả lại vườn nho của nó, biến thung lũng A-kho thành cửa khẩu hy vọng. Ở đó, nó sẽ đáp lại như buổi thanh xuân, như ngày nó đi lên từ Ai-cập.18 Vào ngày đó - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA - ngươi sẽ gọi Ta: "Mình ơi", chứ không còn gọi "Ông chủ ơi" nữa.
(Trích Sách Hô-sê bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/cuu%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Có lẽ đây là một trong những lời đẹp nhất của Thánh Kinh.  Ở đó tôi gặp Thiên Chúa tán tỉnh con người, Ngài hẹn hò con người, tỏ tình với con người và muốn đính hôn với con người.  Có bao giờ tôi đến với Chúa trong sự thân mật như cặp bồ với Ngài chưa?  Có bao giờ tôi nghĩ về Chúa mà lòng tôi xao xuyến, thẹn thùng chưa?  Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn đọc đi đọc lại mãi những lời tỏ tình trên và để ý Chúa và tôi đang ở bên nhau, âu yếm nhau đến mức nào.  Tôi muốn đọc đi đọc lại mãi những lời này đến mức chúng trở nên như chiếc mền đắp ấm và quấn chặt Chúa và tôi.
2.     “Vào ngày đó - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA - ngươi sẽ gọi Ta: ‘Mình ơi’, chứ không còn gọi ‘Ông chủ ơi’ nữa.”  Ôi Thiên Chúa mong mỏi những tiếng thân thương từ bờ môi của tôi đến mức nào!  Trong giờ cầu nguyện này và từ nay trở đi mỗi khi bước vào giờ cầu nguyện, giờ hẹn họ giữa tôi với Chúa, tôi sẽ chỉ dùng những tiếng của tình nhân, của vợ chồng mà tỉ tê với Chúa: “Mình ơi!”, “Cưng ơi!”
Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, May 25, 2018

Thứ Bảy VII Thường Niên – Năm B - II – 26-5-2018


Thu Bay VII TN
Gia-cô-bê 5:13-18
13Ai trong anh em đau khổ ư? Người ấy hãy cầu nguyện. Ai vui vẻ chăng? Người ấy hãy hát thánh ca.14 Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa.15 Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha.16 Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát. Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực.17 Ông Ê-li-a xưa cũng là người cùng chung một thân phận như chúng ta; ông đã tha thiết cầu xin cho đừng có mưa, thì đã không có mưa xuống trên mặt đất suốt ba năm sáu tháng.18 Rồi ông lại cầu xin, thì trời liền mưa xuống và đất đã trổ sinh hoa trái.
(Trích Thư Gia-cô-bê bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Những lời của Gia-cô-bê hôm nay thật cần thiết cho đời sống cộng đoàn, trong đó mọi người liên đới với nhau trong mọi lúc, vui cũng như buồn.  Tôi muốn bắt chước những gì Gia-cô-bê nói trong bài đọc hôm nay để mọi giờ cầu nguyện của tôi không chỉ là cho riêng tôi, nhưng mỗi khi cầu nguyện tôi mang cả cộng đoàn, cả thế giới vào trong giờ cầu nguyện của tôi.  Trong giờ cầu nguyện này tôi muốn liên đới đến những người đang đau khổ, bệnh tật và lỗi lầm xung quanh tôi.  Tôi muốn kể cho Chúa nghe những khó khăn của họ và nhắn gởi họ trong tình thương của Chúa, xin Ngài an ủi và chữa lành cho họ.
2.     Gia-cô-bê nói: “Lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực.”  Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn tự hỏi: Tôi có phải là người công chính không?  Nếu không, tôi cần làm gì để trở nên công chính hơn?  Tôi có cầu nguyện tha thiết không?  Nếu không, phải chăng tôi chưa tin đủ?  Tôi muốn xin Chúa củng cố niềm tin của tôi, mở rộng con tin của tôi để tôi có thể đầy tin tưởng và tha thiết trong cầu nguyện.  Tôi chọn một ai đó đang thật sự cần lời cầu nguyện của tôi trong lúc này, và tôi muốn cầu nguyện cho người đó một cách tha thiết.
Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, May 24, 2018

Thứ Sáu VII Thường Niên – Năm B - II – 25-5-2018


Thu Sau VII TN
Mác-cô 10:1-12
1Đức Giê-su bỏ nơi đó, đi tới miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan. Đông đảo dân chúng lại tuôn đến với Người. Và như thường lệ, Người lại dạy dỗ họ.2 Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng: "Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?" Họ hỏi thế là để thử Người.3 Người đáp: "Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều gì?"4 Họ trả lời: "Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ."5 Đức Giê-su nói với họ: "Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông.6 Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ;7 vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình,8 và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.9 Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly."10 Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy.11 Người nói: "Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình;12 và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình."
(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Bài đọc hôm nay liên quan đến một chủ đề rất gần gũi với mọi người đó là: hôn nhân gia đình.  Có lẽ chưa bao giờ hôn nhân lại gặp khủng hoảng như ngày hôm nay.  Khủng hoảng về sự hòa hợp, do cuộc sống quá bận rộn và quá nhiều quyến rũ khiến vợ chồng khó có giờ cho nhau và khó có sự đồng nhất.  Khủng hoảng về căn tính do những khám phá mới về tâm lý và quyền con người nên có những vấn đề mới xảy ra như đồng tính, lưỡng tính, hoặc đổi giống.  Trong giờ cầu nguyện này tôi muốn cầu nguyện cho đời sống hôn nhân ngày nay, đặc biệt cho những gia đình mà tôi biết đang gặp khủng hoảng.
2.     “… họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly."  Quả thật lúc khởi đầu cuộc đời hôn nhân, dù Thiên Chúa có bắt ép người ta xa nhau, người ta cũng chẳng chịu.  Tuy nhiên chỉ một thời gian sau khi sống chung, có những người không còn muốn nên một với nhau nữa, dù trước đó cha mẹ cấm, họ vẫn cứ muốn lấy nhau.  Tôi muốn cầu nguyện cho những người đang chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân và những người đang sống trong đời sống hôn nhân luôn biết tìm mọi cách nên một với nhau như trước khi họ bước vào đời sống hôn nhân, bất chấp mọi rào cản của cá tính, gia đình, văn hóa, niềm tin, kiến thức, khiếm khuyết và sở thích để đến với nhau.    
Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, May 23, 2018

Thứ Năm VII Thường Niên – Năm B - II – 24-5-2018


Thu Nam VII TN
Mác-cô 9:42-48
42 "Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.43 Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt.44 [ ]45 Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục.46 [ ]47 Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục,48 nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.
(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.    Dĩ nhiên tôi không thể hiểu bài đọc hôm nay theo nghĩa đen, nhưng phải thấy đây là một cách nói phóng đại qua đó Chúa Giêsu muốn nói đến sự tỉnh táo và khôn ngoan cần phải có trong những chọn lựa của cuộc sống, dám đánh đổi những cái thứ yếu và tạm bợ cho những gì là quan trọng nhất và vĩnh cửu.  Trong giờ cầu nguyện này tôi muốn nhìn lại những chọn lựa của tôi qua lăng kính đời đời.  Những chọn lựa của tôi có là quan trọng nhất, vĩnh cửu hay chỉ là những bám víu lệch lạc, tầm thường và tạm bợ?  Nên nhớ cuộc đánh đổi này cũng đau như móc mắt chặt tay khỏi cơ thể vậy.  Tôi muốn xin Chúa giúp tôi khôn ngoan và can đảm để dám làm những chọn lựa vĩnh cửu và đúng ý Chúa.
2.    Để chọn lựa đúng và có giá trị vĩnh cửu, có lẽ tôi cũng cần phải có niềm tin và lòng yêu mến những giá trị vĩnh cửu và thuộc về Thiên Chúa.  Nếu tôi thực sự có lòng yêu mến Thiên Chúa và những giá trị của Ngài, chắc chắn tôi sẽ tìm mọi cách để đánh đổi cho những giá trị vĩnh cửu ấy.  Giờ cầu nguyện này cũng có thể là lúc tôi nhìn lại, tôi thật sự yêu mến Chúa đến mức nào.  Nếu không, tôi có thể xin cho có được lòng ao ước muốn khát khao Chúa luôn.           
Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, May 22, 2018

Thứ Tư VII Thường Niên – Năm B - II – 23-5-2018


Thu Tu VII TN
Gia-cô-bê 4:13-18
13 Bây giờ, hãy nghe tôi, những kẻ nói: "Hôm nay hoặc ngày mai, chúng ta sẽ đi đến thành nọ thành kia, sẽ ở lại đó một năm và buôn bán kiếm lời".14 Trong khi các người không biết cuộc đời mình ngày mai sẽ ra sao. Thật vậy, các người chỉ là hơi nước xuất hiện trong giây lát, rồi lại tan biến đi.15 Thay vì nói: "Nếu Chúa muốn, chúng ta sẽ sống và làm điều nọ điều kia",16 thì các người lại tự phụ vì những chuyện khoác lác của mình. Mọi thứ tự phụ như thế đều xấu.17 Vậy kẻ nào biết làm điều tốt mà không chịu làm thì mắc tội.
(Trích Gia-cô-bê bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Lời của thư Gia-cô-bê hôm nay nhắc nhở tôi về cuộc sống mỏng giòn chóng qua như một cơn gió thoảng, như sương mai, đặc biệt là tôi không làm chủ cuộc sống của tôi một cách hoàn toàn.  Tất cả sẽ tùy thuộc ở Chúa.  Tôi yếu đuối chóng qua, ấy vậy mà tôi vẫn còn đây, tôi vẫn có rất nhiều điều mà biết bao nhiêu người khác không có, đây quả là một ân huệ lớn lao và là sự quan phòng yêu thương của Chúa. Giờ cầu nguyện này có thể là lúc tôi muốn lượm lặt đâu là những ân sủng của Chúa và dâng lời cảm tạ Ngài. 
2.     Tôi cũng muốn tập cách nói như Gia-cô-bê: “Nếu Chúa muốn, tôi sẽ…”  Cách nói này giúp tôi luôn nhớ đến Chúa chính là căn nguyên sự sống và là bảo chứng cho những gì tôi đã có, đang có và sẽ có.  Qua đó, mỗi ngày tôi trở thành người hơn nhờ luôn sống biết ơn Chúa, biết ơn mọi người.
Phạm Đức Hạnh,SJ

Monday, May 21, 2018

Thứ Ba VII Thường Niên – Năm B - II – 22-5-2018


Thu Ba VII TN
Gia-cô-bê 4:1-3
1Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao?2 Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau. Anh em không có, là vì anh em không xin;3 anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc.
(Trích Thư Giacobe bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Lời Chúa từ thư của Gia-cô-bê hôm nay thật mạnh mẽ có thể đánh thức tôi về nguyên nhân của những xung đột giữa tôi với những người xung quanh.  Trước khi trách người hãy trách mình và xét mình.  Giờ cầu nguyện hôm nay có thể là lúc tôi xét lại chính mình, xem những bất hòa giữa tôi với những người xung quanh đến từ đâu?  Phải chăng đến từ tôi?  Từ những bám víu lệch lạc trong đời sống của tôi, như ghen tương, đố kỵ, nghi ngờ, tham lam, khinh khi người khác, tự ái, kiêu căng…?  Tôi có thể xin Chúa cho tôi biết khiêm nhường để có thể mưu cầu tình thương, sự bình an và hòa giải. 
2.     Gia-cô-bê hôm nay cũng chỉ cho tôi cách phải cầu nguyện như thế nào.  Ơn xin quan trọng nhất của các giờ cầu nguyện có lẽ là xin cho có lòng yêu mến Chúa Kitô.  Một khi tôi có lòng yêu mến Chúa Kitô, tôi sẽ cảm thấy tự do thanh thoát đến mức không còn ghen tương, đố kỵ, nghi ngờ, xét đoán, ích kỷ, thù hận hay tự ái, kiêu căng đối với tha nhân.  Một khi tôi có lòng yêu mến Chúa Kitô, tôi sẽ có thể yêu thương và tha thứ lẫn nhau.  Tôi có thể kết thúc giờ cầu nguyện bằng lời Kinh Hòa Bình của Thánh Phan-xi-cô Assisi, hoặc bài hát: Đâu Có Tình Yêu Thương.   
Phạm Đức Hạnh, SJ  

Sunday, May 20, 2018

Thứ Hai VII Thường Niên – Năm B - II – 21-5-2018 – Lễ Mẹ Maria – Mẹ Giáo Hội


Thu Hai VII TN
Tông Đồ Công Vụ 1:12-14
12 Bấy giờ các ông từ núi gọi là núi Ô-liu trở về Giê-ru-sa-lem. Núi này ở gần Giê-ru-sa-lem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sa-bát.13 Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông: Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê, An-rê, Phi-líp-phê, Tô-ma, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa con ông Gia-cô-bê.14 Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su.
(Trích Tông Đồ Công Vụ bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Trình thuật Tông Đồ Công Vụ hôm nay xảy ran gay sau khi Chúa Giêsu lên trời.  Các môn đệ còn hoang mang và đặc biệt rất sợ hãi.  Hoang mang vì như mất hướng, vì dù đã ở với Thầy bao lâu nay, hôm nay không còn Thầy ở bên cạnh, họ cảm thấy bơ vơ.  Sợ hãi vì biết đâu họ cũng sẽ bị giết giống như Thầy của họ, nên đã ở trong nhà đóng cửa kín.  Nhưng trong sợ hãi như vậy, Mẹ Maria đã ở giữa họ.  Hình ảnh từ lúc đầu trong Giáo hội, Mẹ Maria đã là Mẹ của mọi Kitô hữu để che chở và an ủi.  Trong giờ cầu nguyện này tôi muốn ở thật gần bên Mẹ, nép vào lòng Mẹ.  Tôi muốn chia sẻ cho Mẹ mọi nỗi lo lắng, ưu phiền và đau khổ trong tôi, trong gia đình cũng như cộng đoàn xứ đạo của tôi.  Tôi để ý Mẹ an nủi đỡ nâng tôi ra sao.
2.      Lịch sử về những lần Đức Mẹ hiện ra chỗ này chỗ kia trên thế giới, lần nào Mẹ hiện ra cũng đều là lúc con cái Mẹ đang đau khổ, bị bách hại.  Mẹ đã đến để yên ủi con cái của Mẹ.  Tôi có thể thấy rõ sự hiện diện của Mẹ ở La Vang khi con cái của Mẹ bị bách hại vì niềm tin phải trốn trong rừng sâu nước độc.  Tôi muốn dành giây phút này cầu nguyện cho Giáo hội Việt Nam và các Kitô hữu đang bị bách hại trên thế giới hôm nay.  Tôi muốn kết thúc giờ cầu nguyện này bằng một Kinh Kính Mừng, hoặc Kinh Nữ Vương Gia Đình.
Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, May 19, 2018

Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống – Năm B - II – 20-5-2018


Chua Nhat Le Chua Thanh Than Hien Xuong
Galat 5:16-25
16 Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa.17 Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn.18 Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa.19 Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng,20 thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái,21 ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa.22 Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín,23 hiền hoà, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế.24 Những ai thuộc về Đức Ki-tô Giê-su thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê.25 Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước.
(Trích Thư Galat bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Bài đọc hôm nay chỉ cho tôi thấy lối sống của hai loại: Thần Khí và Xác Thịt.  Giờ cầu nguyện này có thể là những giây phút kiểm điểm lại đời sống của tôi bao lâu nay, tôi đang thuộc về bên nào, Thần Khí hay Xác Thịt?  Tôi có thể đọc lại những lời trên để thấy rõ tôi đang nghiêng chiều về những vấn đề nào nhất, tôi có thể gạch dưới những vấn đề đó, và xin Chúa Thánh Thần đổi mới tôi và thánh hóa tôi.
2.     Kết thúc giờ cầu nguyện này tôi muốn chọn ra một hoa quả của Thần Khí để sống trong ngày hôm nay.  Mỗi ngày tôi muốn chọn một hoa quả của Thần Khí để làm cho cuộc đời của tôi cũng như môi trường tôi sống càng ngày càng đẹp hơn.
Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, May 18, 2018

Linh Hướng Là Gì?

Đâu Là Những Mong Đợi Trong Linh Hướng Kitô Giáo *
Thomas Hart
Ngày hôm nay nhiều người cảm thấy muốn thăng tiến đời sống tâm linh.  Bên cạnh bao nhiêu những băn khoăn, người ta luôn tự hỏi, “Tôi có nên tìm một vị linh hướng để giúp cho đời sống tâm linh của tôi chăng?”  Nhưng rồi câu hỏi này lại sinh ra những câu hỏi khác.  Thật sự linh hướng là gì?  Làm thế nào để có linh hướng, và ích lợi của linh hướng là gì? 
LHLG
Là một linh hướng và đã từng dạy linh hướng cũng như đã hướng dẫn nhiều tập sự linh hướng viên trong bao nhiêu năm qua, tôi muốn chia sẻ một vài giải đáp cho những câu hỏi trên.  Thay vì nói về linh hướng một cách trừu tượng, hay nói về những vị linh hướng ở ngôi thứ ba, tôi muốn nói về linh hướng trong tương quan cụ thể tôi-với-bạn (I-thou).  Tôi muốn nói từ kinh nghiệm của chính mình và nói với bạn về những gì mà chúng ta sẽ làm nếu bạn đến gặp tôi để xin linh hướng.  Tôi hy vọng sự thẳng thắn này sẽ không chỉ giúp bạn có một hình ảnh khá chính xác về những gì mà hầu hết các linh hướng thường làm, nhưng còn cung cấp cho bạn một vài cảm nghiệm về tương quan tôi-với-bạn, một tương quan thực sự trong linh hướng.

Tôi muốn bắt đầu bằng một phác họa về người linh hướng là loại người nào và làm thế nào mà chúng ta bước vào lãnh vực này.  Sau đó, tôi sẽ mô tả về diễn tiến của buổi gặp mặt đầu tiên với vị linh hướng để bạn có một ý niệm rõ ràng hơn phải bắt đầu một cuộc trao đổi tâm linh như thế nào.  Cuối cùng, tôi sẽ trình bày tiến trình của linh hướng, về lâu về dài, đồng thời chia sẻ một vài suy nghĩ về mục đích của linh hướng là giúp thăng tiến đời sống tâm linh, tựa như tiến trình trưởng thành trong đời sống thể lý.
Bạn rất dễ dàng nhận ra quan điểm và nguồn gốc của tôi là một Kitô hữu.  Nhưng dù thuộc truyền thống tu đức nào, tất cả đều đang đi tìm thượng đế, và tôi tin rằng những gì tôi trình bày ở đây dễ có thể được xem như là một hướng dẫn, một nguồn cảm hứng cho các vị linh hướng thuộc các truyền thống khác.  
Linh Hướng
Tôi cũng như bạn, một người đang lần mò trong đời sống tâm linh.  Tôi chưa đạt đến đích; tôi vẫn còn đang trên đường kiếm tìm.  Tôi muốn tìm một ý niệm sống động hơn về Thiên Chúa trong đời sống của tôi, một tương quan thân mật hơn, một sự liên kết hoàn hảo hơn với những chương trình của Thiên Chúa.  Tôi muốn là khí cụ của Chúa trong cuộc đời và giúp xây dựng cho triều đại của ngài.  Mặc dù tôi vẫn cầu nguyện, nhưng tôi muốn cầu nguyện tốt hơn.  Tôi cố gắng noi theo những hướng dẫn của Chúa bao nhiêu có thể, mỗi khi tôi nhận định chúng, để tôi có thể theo Chúa một cách chắc chắn và quảng đại hơn.  Những người bạn của tôi vẫn thường nói, tôi có rất nhiều đức tính tốt, tuy nhiên tôi vẫn khắc khoải với nhiều thói xấu cần phải chừa bỏ.  Có những người cũng cho rằng tôi rất khôn ngoan, nhưng tôi không chắc lắm điều đó, chỉ biết chắc một điều là tôi vẫn còn nhiều vấp té.  Trong những lần gặp mặt giữa tôi với bạn sẽ không thể nói hết về tôi, nhưng tôi tin bạn có thể nắm bắt được phần nào. 
LHLG
Làm thế nào mà tôi trở thành một vị linh hướng?  Tôi cho rằng khám phá này cũng giống như khám phá ra bạn có một giọng nói tốt hay có tính khôi hài, mà trực tiếp hay gián tiếp, bạn vẫn nghe những người xung quanh nói với bạn.  Dường như đã từ lâu rồi, nhiều người đã tin tưởng kể cho tôi những câu chuyện rất riêng tư về họ.  Và rồi họ xin tôi góp ý kiến cũng như giúp họ làm những quyết định cho những vấn đề quan trọng đã xảy đến trong đời sống của họ.  Khi kể cho tôi những chuyện về đời tư của họ, dường như họ có cảm tưởng là tôi sẽ có câu trả lời cho những vấn đề của họ.  Hầu hết mọi người đều biết là tôi rất coi trọng đời sống tâm linh, và rồi dường như người ta muốn thử xem nó như thế nào.  Tôi phải thú nhận rằng khi giúp đỡ người khác trong những cách thức này đã đem lại cho tôi nhiều niềm vui.  Nhiều người đã khuyến khích tôi nên chọn linh hướng như là công việc chính của tôi.  “Bạn là một người biết lắng nghe.  Bạn nên làm nghề linh hướng đi.”  Được khích lệ từ những dấu hiệu về những món quà và tài năng của mình, tôi thấy có lẽ đây là một ơn gọi.  Tôi đã đi học thần học và tu đức, rồi trải qua những huấn luyện về kỹ năng tư vấn căn bản.  Tôi đã lý luận rằng, nếu tôi muốn làm công việc linh hướng cho đàng hoàng, tôi cần tạo cho mình có một nền tảng vững chắc, đồng thời cũng cần tạo cho mình một uy tín cao.  Cho nên, đó là lý do tại sao tôi đã bước vào công việc linh hướng.   
            Vai trò thực sự của tôi là gì đối với bạn nếu tôi là linh hướng của bạn?  Vâng, bạn có thể nghĩ tôi là một người đồng hành, một người anh, một người chị có nhiều kinh nghiệm cùng đi với bạn trong hành trình khai phá và lớn lên về tâm linh.  Vai trò của tôi là vừa hướng dẫn vừa nâng đỡ.  Có thể bạn nghĩ tôi là một người cố vấn.  Hành trình tâm linh thì rất dài và đầy khó khăn.  Về điều này, cũng như nhiều vấn đề khác trong đời sống con người, thật là không tốt nếu phải đi một mình.  Trong đơn độc, chúng ta có thể dễ rơi vào tình trạng quẩn trí, cứ đi lòng vòng mà khó tìm ra được một hướng đi, một cái nhìn phiến diện về vấn đề, đôi khi cho rằng vấn đề không có gì là đáng quan ngại, hoặc tệ hơn nữa là coi vấn đề không hề hiện hữu.  Trong vai trò linh hướng, để giúp bạn giải quyết vấn đề, tôi sẽ góp ý kiến, đề nghị, và chỉ ra những phương hướng giúp bạn giải quyết vấn đề.  Tôi cũng sẽ quan tâm, khuyến khích bạn bao nhiêu có thể để giúp bạn tìm ra cái mà bạn đang kiếm tìm.   
Trên hết, bạn sẽ thấy tôi là một người lắng nghe cẩn thận.  Trong các buổi gặp gỡ trao đổi giữa bạn và tôi, bạn sẽ đóng vai trò chủ động trong việc chia sẻ hơn là tôi.  Vì nói cho cùng, những lần gặp mặt là cho bạn và đời sống của bạn, hơn là cho tôi.  Cũng như tôi thường lắng nghe tiếng Chúa nói trong đời sống của tôi như thế nào, tôi cũng sẽ lắng nghe tiếng Chúa nói trong bạn như thế.  Chúng ta sẽ là những người đồng hành và là những người cùng lắng nghe tiếng nói đó.   
            Tôi sẽ không nói cho bạn nên làm gì; vì tôi chẳng biết những gì bạn nên làm trong những vấn đề hệ trọng của cuộc đời bạn.  Những gì bạn có, những hoàn cảnh, những chọn lựa và số phận là những cái gì rất đặc biệt trong đời sống của bạn.  Vị linh hướng đích thực của bạn chính là Thiên Chúa, Đấng đã ở trong bạn từ ban đầu và luôn nhắc nhở bạn một cách nhẹ nhàng, âm thầm.  “Các bạn không biết rằng thân xác các bạn là đền thờ của Thiên Chúa và là nơi Thánh Thần ngự sao?” (1 Cor 3:16).  Bạn đang sống trong đời sống tâm linh.  Nếu không phải thế, bạn đã không đến gặp tôi.  Vai trò của tôi chỉ là trợ tá, không phải là người hướng dẫn.  Tôi có thể đề nghị, nhưng tối hậu vẫn là Thiên Chúa, đấng hằng lôi kéo bạn và bạn có tất cả tự do để đáp lại  lời mời gọi của ngài.
            Thánh I-nha-xi-ô thành Lô-dô-la, người đã khởi xướng một phương pháp tĩnh tâm tuyệt vời thường được biết đến với tên gọi Linh Thao, đòi hỏi vị linh hướng khi hướng dẫn người làm tĩnh tâm phải “giữ thái độ trung dung, để cho Đấng Tạo Hóa tác động trực tiếp với thao luyện viên, và thao luyện viên với Đấng Tạo Hóa.”  Điều này cũng áp dụng cho linh hướng, và đó là nguyên tắc linh hướng của tôi.  Vì vậy nếu bất cứ khi nào bạn cảm thấy là tôi thúc ép bạn, ví dụ, phải theo một kiểu cầu nguyện nào đó, hoặc một lối sống nào đó, xin hãy nói cho tôi biết vì tôi đang vượt quá giới hạn của mình và dẫm chân lên phần việc của Chúa. 
Khởi Đầu
Tiến trình của linh hướng khai mở dần dần theo thời gian.  Nó là một chuỗi các cuộc trao đổi, mỗi lần độ chừng một tiếng, có thể một tháng một lần.  Để cảm nhận được tất cả lợi ích của nó, bạn phải cho nó thời gian.  Tôi cần phải biết bạn và thế giới của bạn.  Bạn cũng cần phải biết tôi nữa, như vậy lòng tin của bạn vào tôi có thể phát triển từ từ và cởi mở dần dần.  Tất cả điều này đều phát triển một cách hữu cơ.
            Vậy chúng ta bắt đầu thế nào đây?  Tôi sẽ dẫn đầu.  Tôi muốn hỏi bạn một số câu hỏi.  Hãy nói cho tôi biết điều gì đã dẫn bạn đến đây trong lúc này.  Hãy nói cho tôi biết bạn mong đợi gì trong tương quan giữa bạn và tôi.  Hãy nói cho tôi về đời sống của bạn trong lúc này.  Bạn đang sống với ai?  Công việc làm và học hành của bạn như thế nào?  Sự hiểu biết của bạn ra sao?  Bạn bè của bạn là những ai?  Sức khỏe của bạn ra sao?  Bây giờ chúng ta trở lại một chút.  Gia đình của bạn như thế nào?  Tương quan giữa bạn với những người trong gia đình của bạn như thế nào?  Bạn có thể nói đôi nét về hành trình tâm linh của bạn cho tôi nghe được không, ít ra là những nét chính, từ đầu đến giờ? 
            Bạn sẽ thấy rằng, chủ yếu là tôi lắng nghe bạn, đôi khi hỏi thêm để cho rõ vấn đề, hoặc để khai triển vấn đề, và mời gọi bạn khai mở vấn đề sâu hơn nữa.  Chắc phải mất một thời gian tôi mới có thể cho bạn những ý kiến hữu ích.  Nhưng có lẽ bạn nhận thấy rằng chính tâm trí của bạn cũng trở nên thông suốt hơn khi diễn tả những kinh nghiệm của bạn qua lời nói của mình cho người khác.  Đây là điều rất bổ ích cho mỗi lần gặp gỡ giữa bạn và tôi, ngay cả khi tôi không có nhiều phản hồi lắm trước những suy nghĩ của bạn.  Tôi hy vọng bạn cũng cảm nghiệm, trong khi chúng ta trao đổi với nhau, sự đón nhận không một chút xét đoán của tôi, sự tôn trọng của tôi, sự chú tâm và nâng đỡ của tôi dành cho bạn.   
Vâng, hôm nay tôi đã hỏi bạn hơi nhiều.  Để cho công bằng, bạn cũng phải có cơ hội hỏi tôi như vậy.  Bạn có câu hỏi nào về tôi không? 
Thật là chúng ta không thể đi qua tất cả mọi vấn đề trong buổi gặp mặt đầu tiên này.  Chúng ta vẫn có thể có nói tiếp những gì mà chúng ta chưa bàn tới hay chưa bàn xong vào lần tới.  Cuối cùng trước khi kết thúc buộc gặp mặt này, chúng ta có thể bàn đến một vài vấn đề thiết thực khác, chẳng hạn sắp xếp ngày giờ cho các lần gặp tới.  Tôi cũng muốn biết bạn cảm thấy thế nào trong lần gặp mặt đầu tiên hôm nay.
LHLG
Quá Trình Diễn Tiến
Một khi chúng ta đã có được những cái gì gọi là căn bản rồi, chúng ta nên xúc tiến như thế nào trong những ngày tháng kế tiếp?  Chúng ta sẽ nói về những điều gì?  Tôi muốn đề nghị một hướng đi.   
Không có một khía cạnh nào trong đời sống của bạn mà không liên quan đến những gì chúng ta đang trao đổi với nhau.  Toàn bộ đời sống của bạn chính là đời sống tâm linh của bạn.  Thiên Chúa có mặt trong mọi góc cạnh của đời bạn.  Vì thế thật là sai lầm nếu chỉ giới hạn những buổi trao đổi tâm linh của chúng ta trong một vài lãnh vực như cầu nguyện, những vấp té, ơn gọi, những cám dỗ, mục vụ và giáo hội.  Đời sống của bạn còn lớn hơn nhiều so với tất cả những lãnh vực vừa nêu, những vấn đề thuộc về tâm linh còn vượt xa hơn hẳn những vấn đề này.  Ví dụ, điều gì làm cho bạn vui nhất trong cuộc sống?  Có điều gì đang làm cho bạn cảm thấy khắc khoải?  Bạn nghĩ nhiều về điều gì trong ngày?  Bạn hay mơ về điều gì trong đêm?  Bạn cảm thấy thế nào về chính mình?  Điều gì làm cho bạn cảm thấy chán nản, mệt mỏi?  Bạn kinh nghiệm thế nào về tính dục của bạn?  Mối quan hệ nào là quan trọng trong đời sống của bạn?  Bạn nhìn cuộc đời này như thế nào?  Thiên Chúa ở trong tất cả những điều này, để hướng dẫn, làm cho bạn vui thích, thách đố bạn, và cho bạn những cơ hội để lớn lên, để đào sâu và để vươn rộng hơn.  Thực tế là, Thiên Chúa không ngừng kiến tạo con người của bạn qua chính những kinh nghiệm của bạn, và bạn là một cộng sự viên không thể thiếu được trong công trình sáng tạo của ngài.  Mọi sự xảy đến trong cuộc đời bạn đều nhiệm mầu và là một tiến trình kết thúc mở đầy sáng tạo. 
Tôi muốn đề nghị một nguyên tắc hướng dẫn có thể giúp bạn trả lời câu hỏi, “Tôi phải nói những gì trong lần gặp mặt tới?”  Đó là: “Bất cứ hành động nào trong đời bạn đều có Chúa ở đó và tác động trong bạn.  Cả những lúc bạn làm những chọn lựa mà nó sẽ quyết định cho bạn trở thành một người như thế nào.  Đó chính là điểm mà chúng ta cần phải chú tâm trong trao đổi.  Ví dụ, bạn đang khắc khoải về một mối tương quan cụ thể nào đó trong lúc này?  Bạn đang phải chiến đấu với một chứng nghiện nào đó của bạn?  Đặc biệt bạn có cảm thấy cô đơn hoặc không hài lòng trong lúc này?  Bạn có bình an, hạnh phúc, biết ơn?  Đây là những điểm mà thường làm bạn bị giao động, và vì thế mỗi khi những giao động này xảy ra thì Chúa, một cách đặc biệt, cũng tương tác chung với bạn.  Đây là những vấn đề mà chúng ta cần tiếp tục khám phá, và không ngừng tìm kiếm ý nghĩa tâm linh của chúng.  Đôi khi chúng ta cần phải bàn đi bàn lại những vấn đề này.  Một cách tự nhiên, mỗi lần gặp mặt trao đổi chúng ta sẽ tập trung vào một điểm nào đó.
Giả sử như bạn cho tôi biết bạn đang gặp khó khăn trong việc chăm sóc cha mẹ già hoặc bạn mới biết là bạn sẽ bị thôi việc.  Giả sử như bạn vừa được bác sĩ chuẩn đoán là bị ung thư, hoặc một người nào đó rất thân với bạn đang bị ung thư.  Giả sử như bạn phải lòng yêu một ai đó.  Giả sử như bạn đang gặp phải một thách đố lớn lao nào đó trong lúc này từ những đòi hỏi không ngừng của công việc và gia đình.  Đây chính là những điểm đang làm bạn giao động, có đúng không?  Trong tất cả những tình huống này, câu hỏi của tôi đối với bạn sẽ là: Chúa ở đâu trong tất cả những biến cố này?  Hay nói một cách khác, Chúa đang mời gọi bạn như thế nào trong những tình huống này?  Đâu là những món quà mà Chúa đang dành cho bạn qua tình huống ngày, hay Chúa đang cho bạn những cơ may gì để học hỏi và lớn lên từ kinh nghiệm mà bạn đang phải đối diện?  Chúng ta có thể tìm được câu trả lời, khi chúng ta cùng trao đổi với nhau về những vấn đề này.  Chẳng hạn, khi bạn chăm sóc cho mẹ già, rõ ràng là bạn được mời gọi phải kiên nhẫn và độ lượng với mẹ.  Cũng có thể bạn được mời gọi cần có một cái nhìn bao quát hơn—như cần phải chăm sóc chính mình một cách chu đáo để mình không bị kiệt sức hay trở nên cáu kỉnh nổi nóng mỗi khi chăm sóc mẹ?  Đây là điều mà nhiều khi khó nhận ra hơn là lòng độ lượng với mẹ.  Có thể trong những buồn chán vì thất nghiệp cũng ẩn chứa những món quà ở đó—chẳng hạn như món quà được nghỉ ngơi sau một thời gian dài làm việc, và món quà là một cơ hội để nhìn lại và định hướng về lối sống của mình sau một thời gian dài vì bận rộn với công việc.  Hòa lẫn trong những biến cố này có thể là một lời mời gọi đặt tin tưởng vào Chúa, Đấng sẽ quan phòng mọi sự dù rằng bây giờ bạn chưa hình dung được cuộc sống của bạn sẽ như thế nào.  Nếu bạn tìm thấy một tình yêu mới, thì đây là thời gian bạn cần tận hưởng và biết ơn, vì Chúa rất tuyệt vời luôn ban phát ân huệ cho ta.  Đây cũng là những cơ hội để lớn lên thực sự và sống có trách nhiệm mỗi khi bạn học biết thêm về thế nào là yêu (và được yêu) một cách trưởng thành.  Đây chỉ là một vài ý tưởng trong lãnh vực tâm linh xuyên qua những kinh nghiệm của cuộc sống.  Bổn phận của chúng ta là khám phá ra sự phong phú của những biến cố, lớn nhỏ, xảy đến với mình trong cuộc sống.             
LHLG

Dĩ nhiên là trước mặt Chúa bạn cần cởi mở chính mình hơn qua qúa trình linh hướng, và tôi cũng sẽ hỏi bạn thường xuyên hơn để biết chắc đâu là những bối cảnh mà bạn ưa thích, nhằm phát triển những gì là cốt lõi trong tương quan giữa bạn và tôi.  Một bối cảnh phong phú luôn bao hàm nhiều yếu tố.  Chuyên cần cầu nguyện hoặc chiêm niệm là yếu tố căn bản.  Một nếp sống điều độ với những món ăn tình thần như đọc sách thiêng liêng, hay vừa an ủi mà cũng đầy thách đố như đọc Kinh thánh, cũng là yếu tố khác nữa.  Sống chung trong một cộng đoàn bao gồm những người cũng có một niềm khao khát tâm linh chung là một nguồn trợ lực rất cần thiết, vì hành trình tâm linh đôi khi có thể rất cô đơn, đặc biệt là khi những người xung quanh dường như theo đuổi những giá trị hoàn toàn khác với mình.  Phục vụ tha nhân là một sự kết hợp giữa vai trò môn đệ của một Kitô hữu với một sự phát triển tự nhiên của một đời sống nội tâm lành mạnh.
            Nếu bạn muốn, tôi sẽ rất vui nếu được cầu nguyện với bạn mỗi khi chúng ta gặp nhau.  Điều này có thể quan trọng đối với một số người, nhưng đối với những người khác lại thích dành toàn thời gian để trao đổi các vấn đề.  Đôi khi tôi cũng có thể đề nghị cầu nguyện trong những lần chúng ta gặp mặt, nếu tôi cảm thấy có sự thôi thúc trong tôi.  Dù chúng ta có cầu nguyện chung hay không, tôi tin rằng bạn sẽ vẫn cầu nguyện như những gì căn bản nhất cần phải làm thường xuyên, và bạn có thể an tâm rằng, tôi cũng luôn cầu nguyện—không chỉ cho bao nhiêu chuyện khác, nhưng quan trọng là cho bạn và cho tương quan trao đổi của chúng ta sinh nhiều hoa trái.  Cho dù chúng ta có cầu nguyện nhiều với nhau hay không, chúng ta có thể tin rằng Chúa vẫn luôn hiện diện giữa chúng ta trong những lần trao đổi, vì “ở bất cứ nơi đâu có hai hay ba người họp nhau lại nhân danh Ta, thì có Ta ở giữa họ” (Mt 18:20).     
            Bạn có thể có những đòi hỏi khác đối với tôi.  Một số người muốn tôi cho họ một số đoạn Kinh thánh để cầu nguyện trong tháng.  Một số khác muốn tôi đưa ra một bài tập cụ thể nào đó, một việc gì đó giúp họ xây dựng những gì vừa trao đổi trong lần gặp mặt vừa qua.  Một số khác lại muốn dành độ năm phút cuối của buổi gặp mặt để, một cách vắn tắt, nhìn lại những điểm quan trọng vừa mới thảo luận.  Đôi khi họ muốn tôi tổng hợp lại tất cả những gì tôi đã thấy—và những gì tôi chia sẻ lại với họ từ cái nhìn của tôi có thể làm họ rất ngạc nhiên, vì nó hoàn toàn khác với góc nhìn của họ.  Tôi sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu của bạn.             
LHLGĐây chỉ là một ví dụ cho một buổi linh hướng được hiệu quả hơn.  Bạn và tôi đều có trách nhiệm làm cho những lần gặp gỡ của chúng ta được tốt đẹp.  Nếu bạn cảm thấy không hài lòng về điều gì, xin đừng dấu giếm nó, nhưng hãy nói cho tôi biết.  Nếu bạn nghĩ là tôi hiểu lầm, nếu ý kiến của tôi chưa thỏa mãn bạn, nếu những đề nghị của tôi không được phong phú, nếu bạn cảm thấy chúng ta không hợp nhau, xin nói cho tôi biết để chúng ta cùng xem xét với nhau.  Đây có thể là điều rất khó nói đối với bạn, nhưng nếu bạn nói cho tôi biết những cảm nghĩ của bạn, chắc chắn sẽ giúp ích nhiều cho cả hai chúng ta.  Tôi cũng muốn được lớn lên từ những gì chúng ta trao đổi với nhau, và trên hết tôi muốn là thời gian mỗi khi trao đổi với nhau không bị lãng phí và phải thật sự hữu ích cho bạn.  Tôi có thể đón nhận tất cả những ý kiến tiêu cực.  Chúng ta sẽ học được cái gì đó từ việc nhìn lại những gì mà đã không thực sự giúp ích cho cả hai chúng ta, và thường là chúng ta có để đưa ra những nhận định xác thực và cần thiết.  Hoặc chúng ta có thể phải đi đến kết luận rằng chúng ta không hợp với nhau và bạn nên tìm gặp vị linh hướng khác.  Nhưng trước khi chia tay chúng ta cần nói chuyện với nhau để có một kết thúc tốt đẹp, vì như thế sẽ tốt cho cả hai chúng ta.  Nếu vì thất vọng mà bạn âm thầm ngưng, không bao giờ đến gặp tôi nữa, điều này chỉ làm tổn thương cả hai chúng ta.
Nếu tương quan giữa bạn và tôi diễn tiến tốt đẹp, bạn có thể muốn tiếp tục đến gặp tôi mãi nhằm mưu ích cho sự tăng trưởng tâm linh.  Thật là hữu ích khi đối diện với những gì đang diễn ra trong đời sống của bạn và những gì mà Chúa đang âm thầm làm việc trong bạn.  Những buổi gặp gỡ của chúng ta sẽ xoay quanh những vấn đề như thế.  Giống như hầu hết mọi người, bạn sẽ cảm nghiệm được giá trị của thanh âm đối với nhiều vấn đề vang vọng trong ý thức của bạn, đồng thời đón nhận những ý kiến của một người thật sự quan tâm lắng nghe dành cho bạn.  Tôi sẽ lắng nghe nhiều hơn nói.  Tôi, sẽ cố gắng bao nhiêu có thể, cật vấn những gì tôi đón nhận từ bạn, đặt câu hỏi nếu cần trong lúc lắng nghe bạn nói, trao đổi những ý kiến mà nó xảy đến với tôi khi nghe bạn, và chia sẻ những cảm nhận mạnh mẽ trong tôi về bạn mà tôi nghĩ là sẽ tốt cho bạn.  Tôi nói là chúng ta có thể tiếp tục những lần gặp gỡ trao đổi tâm linh này mãi, vô hạn định, nhưng một lúc nào đó có thể là bạn hoặc tôi, cảm thấy là tôi đã chia sẻ hết những gì tôi có với bạn, và chắc là sẽ tốt hơn cho bạn nếu bạn đi tìm vị linh hướng mới. 
Lớn Lên Trong Đời Sống Tâm Linh
Những gì bạn đang kiếm tìm đó là sự trưởng thành trong đời sống tâm linh.  Nhưng điều này nghĩa là gì?  Đâu là những dấu chỉ để tôi có thể nhận biết sự trưởng thành tâm linh? 
Trong bức thư gởi tín hữu Galát, Phao-lô viết về cái ông gọi là “hoa trái của Thánh Thần.”  Ngài nói đến một sự biến đổi mang tính cá nhân xảy ra từ từ trong mỗi chúng ta, nếu chúng ta chấp nhận để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn.  “Hoa trái của Thánh Thần là tình yêu, niềm vui, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa và tự chủ” (Gal 5:22-23).
Thật khó có thể tưởng tượng được một người có chiều sâu nội tâm, dù là trong truyền thống nào đi nữa, lại phủ nhận tính quan yếu của những giá trị này.  Tất cả những truyền thống tu đức lớn đều trân quí những lí tưởng này.  Họ xem những giá trị này như đặc nét của một con người có chiều sâu tâm linh đích thực, và những giá trị này có thể mở rộng ra nữa như: tính trung thực, niềm hy vọng, sự chấp nhận chính mình và người khác, lòng từ tâm, sự bất bạo động, lòng độ lượng, sự khiêm nhường, lòng vị tha, một lối sống đơn giản, tinh thần phục vụ tha nhân, và một đời sống chuyên cần cầu nguyện.  Ngay cả những người không cho mình là những người có chiều sâu tâm linh cũng nhìn nhận mà nói rằng, họ khâm phục những người có được những đặc tính trên, và tận thâm sâu đáy lòng, họ cũng ước ao cho chính họ được trở nên như những người có chiều sâu tâm linh kia. 
Vậy làm thế nào để có thể nói rằng bạn đang có những tiến triển trong đời sống thiêng liêng?  Có lẽ câu hỏi cần đặt ra là, đời sống của bạn có đang trở nên tràn đầy hy vọng hơn, thanh thản hơn?  Lối sống của bạn có trở nên bình dị hơn?  Quảng đại hơn với những người khác?  Có đón nhận người khác một cách dễ dàng hơn như họ là?  Có sẵn sàng tha thứ hơn không?  Bạn có đang quan tâm đến những đau khổ của nhân loại và muốn làm cho cuộc sống của tha nhân tốt hơn không?  Bạn có bén rẽ sâu hơn trong trong mầu nhiệm ân sủng để sống từ và sống cho những người khác không?  Bạn có bớt lo âu, bớt ngoan cố và biết tin tưởng hơn không?  Đây chính là dấu chỉ của đời sống tâm linh.  Đây chính là cách thực hành của một lối sống thánh thiện.  Đây quả là một thách đố rất lớn.  Đó là tình yêu đối với Thiên Chúa, một con đường thăng tiến đóng mở đầy mạo hiểm, một dự phóng kéo dài cả đời người.
Kết Luận
           Tôi hy vọng bây giờ bạn đã hiểu rõ hơn những diễn tiến trong linh hướng.  Tôi có thể tóm lược những gì tôi đã nói như sau.  Không có một phần thưởng nào hay một cái gì thân thương với bản năng mà chúng ta được tạo dựng có thể lấp đầy những khát khao tâm linh.  Nhưng cũng không có một cái gì mà chúng ta cố gắng lại khó khăn đến thế.  Đó là lý do mà chúng ta cần có linh hướng, một người bạn đường, một người hướng dẫn chúng ta trong hành trình tâm linh.  Chúng ta sinh ra vốn có xã hội tính, chúng ta cần đến nhau để tồn tại và phát triển trong mọi lãnh vực của đời sống.  Điều này, đặc biệt, rất thật trong việc theo đuổi đời sống tâm linh.  Nếu bạn muốn phát triển về tâm linh, hãy đến gặp tôi thường xuyên hơn, hoặc một ai đó giống như tôi, người mà có thể giúp bạn nhiều điều.  Linh hướng sẽ giúp cho bạn luôn ý thức đến đời sống tâm linh.  Nó sẽ giúp cho bạn sống ý thức và có trách nhiệm hơn.  Nó sẽ cho bạn cơ hội sống một đời sống bình thường, tìm kiếm xem Chúa dẫn dắt bạn như thế nào, cho dù có những lúc cảm thấy đầy an ủi, nhưng cũng có những khi đầy thách đố.  Khi chúng ta gặp nhau, chúng ta sẽ cùng chiêm ngắm những tác động của Chúa ở mọi khía cạnh trong đời sống của bạn, đặc biệt những chỗ mà những giao động đang xảy ra trong lúc này.  Bất cứ khía cạnh nào chúng ta tập trung trong mỗi lần gặp gỡ trao đổi, bạn có thể tin tưởng ở tôi, một người sẽ luôn lắng nghe bạn với tất cả quan tâm và chia sẻ với bạn những ý kiến chân thành.  Ít ra là tôi sẽ chia sẻ với bạn một góc nhìn khác của một người cũng đang kiếm tìm và khao khát phát triển đời sống tâm linh.  Tôi cũng sẽ cố gắng bao nhiêu có thể để trở nên một người bạn đồng hành tâm linh sáng giá với bạn
* Linh muc Phạm Đức Hanh, SJ chuyển ngữ từ Thomas Hart, “What to Expect in Christian Spiritual Direction” Contexts & Cultures Vol. 13 No. 1 (March 2007): 39-44.