Saturday, March 31, 2018

Chúa Nhật I Phục Sinh – Năm B - II – 1-4-2018

Chua Nhat PS
Gioan 20:1-9
1Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ.2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu."3 Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ.4 Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước.5 Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào.6 Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó,7 và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi.8 Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.9 Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.
(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Hôm nay là Chúa nhật Phục sinh, và trong những ngày này tôi sẽ nghe rất nhiều những câu chuyện khác nhau về biến cố phục sinh của Chúa Giêsu.  Tôi có thể cảm thấy choáng ngợp với những câu chuyện này: có câu chuyện đầy vẻ huyền hoặc, có câu chuyện đầy nghịch lý, có câu chuyện rất thân thương, có câu chuyện đầy xác tín, có câu chuyện phủ kín bằng sự đa nghi, có câu chuyện đầy kịch tính…nhưng cuối cùng tất cả các câu chuyện này đều đi đến một niềm tin mạnh mẽ rằng Chúa Giêsu đã phục sinh.  Tại sao những câu chuyện này đều có cùng một điểm kết?  Bởi vì mọi câu chuyện được ghi lại đều là những kinh nghiệm mang tính cá vị với Chúa Giêsu.  Điều này cho tôi thấy rằng, tôi sẽ không bao giờ hiểu và tin được Chúa Giêsu đã phục sinh nếu tôi không kinh nghiệm riêng tư với Ngài.  Tôi có thể bước vào kinh nghiệm riêng tư thực sự với Chúa Giêsu ngay trong giờ cầu nguyện này.  Tôi muốn mở lòng và để Chúa dẫn dắt tôi trong giờ cầu nguyện này.
2.      Một điểm chung nữa trong các trình thuật về biến cố phục sinh của Chúa Giêsu đó là lòng mến với Chúa Giêsu.  Nếu tôi có một tình yêu với Chúa Giêsu tôi sẽ có con mắt để thấy Ngài vẫn sống và hiện diện bên tôi ngay trong lúc này.  Tôi muốn đọc lại trình thuật trên và để ý người môn đệ Chúa Giêsu yêu nhận ra Ngài phục sinh như thế nào.  Tôi cũng muốn có được lòng mến ấy và để tình yêu ấy dìu dắt tôi.
Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, March 30, 2018

Thứ Bảy Tuần Thánh – Năm B - II – 31-3-2018


Thu Bay TTMác-cô 16:1-7
1 Vừa hết ngày sa-bát, bà Ma-ri-a Mác-đa-la với bà Ma-ri-a mẹ ông Gia-cô-bê, và bà Sa-lô-mê, mua dầu thơm để đi ướp xác Đức Giê-su.2 Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ.3 Các bà bảo nhau: "Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây?"4 Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăn ra một bên rồi, mà tảng đá ấy lớn lắm.5 Vào trong mộ, các bà thấy một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng; các bà hoảng sợ.6 Nhưng người thanh niên liền nói: "Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giê-su Na-da-rét, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa. Chỗ đã đặt Người đây này!7 Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phê-rô rằng Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông."
(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Có một điều rất thật và rất phổ biến ở mọi nơi và mọi thời đại đó là, các bà dường như bao giờ cũng sốt sắng hơn các ông trong mọi việc, đặc biệt là trong tình yêu.  Bài đọc hôm nay Mác-cô cũng ghi nhận, không có một ông nào, chỉ có các bà đã mau mắn ra mộ từ sáng sớm tinh sương, họ ra đi mang theo dầu thơm để ướp xác Chúa vì hôm trước làm vội vàng bởi sắp sang ngày sa-bát, cấm làm những chuyện đó.  Chính sự mau mắn trong tình yêu của họ với Chúa Giêsu mà họ được là những người đầu tiên loan báo tin mừng phục sinh.  Điều này cho tôi thấy, tôi sẽ không bao giờ nhận ra và tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại nếu tôi không có một tình yêu gắn bó mật thiết với Ngài.  Tôi tin Chúa Giêsu phục sinh không và phục sinh như thế nào?  Tôi chỉ có thể biết được câu trả lời bằng chính sự khám phá của bản thân trong một tương quan yêu thương gắn bó với Chúa Giêsu.  Tôi có thể có được tình yêu này và câu trả lời, ngay trong giờ cầu nguyện này.  Tôi bắt đầu cầu nguyện và nói chuyện với Chúa Giêsu.
2.      Các bà tin được Chúa Giêsu phục sinh là nhờ đã đi vào bên trong mộ và được thiên thần cho biết.  Nhưng để chấp nhận được tin lớn lao này, họ cần phải được trợ giúp đẩy hòn đá rất lớn che cửa mộ.  Chi tiết này nói lên một điều: Để tin Chúa Giêsu đã phục sinh, không phải dễ; bởi luôn có một sự ngăn cản lớn như một tảng đá rất lớn trong tôi.  Ngày nào tôi có thể đẩy tảng đá ra khỏi cửa mộ, tôi mới vô được bên trong mộ Chúa và tôi mới tin.  Các bà đã không tự mình đẩy đá ra được và điều này làm các bà lo sợ, nhưng rồi họ đã được giúp đẩy tảng đá đó ra.  Trong giờ cầu nguyện này có thể tôi cũng phải xin Chúa giúp tôi đẩy tảng đá ra, chúng là những vật cản làm tôi không thể tin vào tin mừng phục sinh.  Tôi có thể nói chuyện với Chúa về khó khăn này.
Phạm Đức Hạnh, SJ


Thursday, March 29, 2018

Thứ Sáu Tuần Thánh – Năm B - II – 30-3-2018

Thu Sau TTDo-thái 4:14-16
14 Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin.15 Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội.16 Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.
(Trích Thư Do-thái bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Hôm nay Thứ Sáu Tuần Thánh, kỷ niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.  Tuy nhiên tôi không thể dừng ở đau khổ mà Chúa Giêsu phải chịu cho bằng cần đọc ra tình yêu của Ngài đang dành cho tôi, có như thế tôi mới thấy hôm nay là Good Friday (theo tên gọi ngày hôm nay của người Mỹ), chứ không phải là Bad Friday, hay là Dark Friday.  Đau khổ là sự ác, nhưng chỉ vì yêu tôi mà dù phải đi qua đau khổ Chúa Giêsu vẫn chấp nhận.  Tựa như tình cha mẹ yêu thương con thơ dại đang đau ốm, muốn mang tất cả những bệnh tật của con.  Trong giờ cầu nguyện hôm nay, tôi muốn chiêm ngắm Chúa Giêsu chịu đóng đinh để nhận rõ tình yêu của Ngài, không một chút ngần ngại và muốn dành hết cho tôi.  Tôi nói gì với Chúa Giêsu trong lúc này?  Có lẽ không cần nói, cũng chẳng cần làm gì trong lúc này, chỉ cần ở lại với tình yêu của Ngài trọn giờ cầu nguyện này.
2.      Lời Thư Do-thái mời gọi tôi mạnh dạn tiến lại gần Chúa để được thương yêu và nâng đỡ.  Có điều gì khiến tôi ngần ngại không muốn đến gần Chúa trong lúc này?  Tôi xin Chúa gỡ bỏ những điều đang ngăn cản tôi với Chúa.  Có điều gì khiến tôi không tin tưởng ở tình yêu hay sự hiện diện của Chúa?  Ngài có thể đối thoại với tôi dù ở trên thập giá.  Hãy lấy can đảm, hãy mạnh dạn bộc bạch tất cả tâm can của tôi cho Ngài.
Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, March 28, 2018

Thứ Năm Tuần Thánh – Năm B - II – 29-3-2018

Thu Nam TT
Gioan 13:1-15
1 Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.2 Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su.3 Đức Giê-su biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa,4 nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng.5 Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.6 Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người: "Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?"7 Đức Giê-su trả lời: "Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu."8 Ông Phê-rô lại thưa: "Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!" Đức Giê-su đáp: "Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy."9 Ông Si-môn Phê-rô liền thưa: "Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa."10 Đức Giê-su bảo ông: "Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!"11 Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: "Không phải tất cả anh em đều sạch."12 Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: "Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không?13 Anh em gọi Thầy là "Thầy", là "Chúa", điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa.14 Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.15 Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.
(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Hôm nay cả Giáo hội bước vào Tam Nhật Thánh kỷ niệm việc Chúa Giêsu chết và sống lại.  Bài đọc hôm nay trích từ Phúc âm Gioan.  Nên nhớ Phúc âm Gioan không có trình thuật về Bữa Tiệc Ly như Phúc âm Nhất lãm (Mát-thêu, Mác-cô và Luca), mà chỉ có trình thuật về việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ.  Kết thúc rửa chân, Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ phải biết rửa chân cho nhau, tức phải biết phục vụ mọi người ở mức khiêm nhường nhất.  Thứ Năm của Tam Nhật Thánh của hai ngàn năm qua đã luôn được dành riêng để cầu nguyện cho đời sống của các linh mục trong Giáo hội để họ biết sống đời sống phục vụ mọi người trong khiêm nhường và yêu thương, chứ không phải làm linh mục là làm cha thiên hạ.  Tôi muốn dành đôi phút này cầu nguyện cho các linh mục trong giáo hội, đặc biệt những linh mục mà tôi quen biết, những linh mục đang mất dần lửa phục vụ…
2.      Thông thường những lời trăn trối của những người sắp qua đời rất được trân quý và coi trọng.  Tôi muốn đọc lại trình thuật rửa chân trên để cảm nghiệm thật sâu lời trăn trối của Chúa đang dành cho tôi, để sống lại từng cử chỉ rửa chân của Chúa Giêsu cho các môn đệ, trong đó có tôi.  Ngài yêu thương tôi cho đến cùng.  Ngài cúi xuống tận bàn chân dơ bẩn của tôi và đổ nước, lấy áo của Ngài lau cho chân tôi được sạch, được chữa lành.  Tôi cảm nghiệm được sự yêu thương của Ngài dành cho tôi chăng?  Tôi cảm thấy được thúc đẩy làm những việc làm tốt cho những người khác chăng, dù bị hiểu lầm và chống đối một cách nhục nhã? 
Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, March 27, 2018

Thứ Tư Tuần Thánh – Năm B - II – 28-3-2018


Thu Tu TT
Isaia 50:4-9a
4 ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức. Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ.5 ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui.6 Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu.  Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.7 Có ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.8 Đấng tuyên bố rằng tôi công chính, Người ở kề bên. Ai tranh tụng với tôi? Cùng nhau ta hầu toà! Ai muốn kiện cáo tôi? Cứ thử đến đây coi!9 Này, có ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phù trợ tôi, ai còn dám kết tội?
(Trích Sách Isaia bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/cuu%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Bài đọc hôm nay thường được gọi là “Bài Ca Người Tôi Trung của Chúa”, bài thứ ba, mà Giáo hội trong hai ngàn năm qua thường hiểu đây là bài ca nói về Chúa Giêsu.  Quả thật đúng như vậy, Chúa Giêsu đã bước vào cuộc khổ nạn mà không cưỡng lại, cũng chẳng thoái lui, bị đánh đập mà Ngài không mở miệng kêu ca.  Điều quan trọng trong giờ cầu nguyện này là im lặng và chiêm ngắm Chúa Giêsu bước vào cuộc khổ nạn, Ngài yêu tôi đến hơi thở cuối cùng.
2.      Chúa Giêsu như con chiên hiền lành bị đem đi giết chỉ vì vâng lời Chúa Cha tìm đủ mọi cách để diễn ta tình yêu của Ngài không ngừng dành cho tôi.  Cả cuộc đời của Ngài là vâng theo thánh ý Cha để yêu thương con người cho đến cùng.  Tôi có thể học nơi Ngài sự vâng lời và yêu thương cho đến cùng những người thân xung quanh tôi.  Điều này thật khó lắm, nhưng tôi muốn xin Chúa giúp tôi đủ can đảm và một trái tim rộng mở biết yêu và dám yêu.
Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, March 26, 2018

Thứ Ba Tuần Thánh – Năm B - II – 27-3-2018


Thu Ba TT
Isaia 49:1-6
1 Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây, hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý: ĐỨC CHÚA đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi.2 Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người. Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người.3 Người đã phán cùng tôi: "Hỡi Ít-ra-en, ngươi là tôi trung của Ta. Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang."4 Phần tôi, tôi đã nói: "Tôi vất vả luống công, phí sức mà chẳng được gì." Nhưng sự thật, đã có ĐỨC CHÚA minh xét cho tôi, Người dành sẵn cho tôi phần thưởng.5 Giờ đây ĐỨC CHÚA lại lên tiếng. Người là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở thành người tôi trung, đem nhà Gia-cóp về cho Người và quy tụ dân Ít-ra-en chung quanh Người. Thế nên tôi được ĐỨC CHÚA trân trọng, và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi.6 Người phán: "Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Gia-cóp, để dẫn đưa các người Ít-ra-en sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất."
(Trích Sách Isaia bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/cuu%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Bài đọc hôm nay là một trong những trang đẹp nhất của Sách Isaia, ở đó tôi có thể nhận ra ba điều rất quan trọng về cuộc sống: 1) Sự có mặt của tôi trong cuộc đời là do Thiên Chúa dựng nên; 2) Thiên Chúa ấy hằng yêu thương và bao bọc tôi đêm ngày; 3) Thiên Chúa đã đặt tôi trong cuộc đời này là có mục đích.  Giờ cầu nguyện này có thể là thời gian tôi nhìn lại đời sống của tôi từ khi sinh ra cho đến bây giờ.  Chúa đã ở đâu và đồng hành với tôi như thế nào?  Tôi cảm nghiệm được sự hiện diện và yêu thương của Ngài ra sao?  Tôi nghĩ sao khi tôi là một thụ tạo thấp hèn vậy mà được Thiên Chúa “trân trọng” và là “sức mạnh của tôi”?
2.    Thiên Chúa có một mục đích rõ ràng cho tôi trong cuộc đời này.  Ơn gọi căn bản và cùng đích của cuộc đời tôi không phải là đi tu làm linh mục, làm nữ tu, hay lập gia đình, mà là biểu lộ vinh quang của Chúa, để hòa hợp giữa muôn người, làm ánh sáng cho muôn dân, và đem ơn cứu độ đến khắp cùng cõi đất.  Tất cả những lối sống kia đi tu hay lập gia đình hoặc sống độc thân chỉ là để phục vụ cho ơn gọi căn bản và cùng đích của tôi.  Tôi nghĩ sao về ơn gọi cùng đích của tôi?  Tôi đã sống ơn gọi này mỗi ngày như thế nào?  Tôi trả lời sao với Chúa trong lúc này?  Tôi muốn xin ơn gì cùng Chúa để tôi sống ơn gọi tốt hơn?   
Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, March 25, 2018

Thứ Hai Tuần Thánh – Năm B - II – 26-3-2018


Thu Hai TT
Gioan 12:1-8
1 Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su đến làng Bê-ta-ni-a, nơi anh La-da-rô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết.2 Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giê-su; cô Mác-ta lo hầu bàn, còn anh La-da-rô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người.3 Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm.4 Một trong các môn đệ của Đức Giê-su là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói:5 "Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?"6 Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung.7 Đức Giê-su nói: "Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy.8 Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu."
(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Hình ảnh gây nhiều chú ý nhất trong bài đọc hôm nay phải là việc Maria xức dầu ở chân Chúa Giêsu.  Trong giờ cầu nguyện này, tôi có thể hình dung bàn tiệc này để có thể đọc được tâm tình của Maria dành cho Chúa Giêsu.  Maria đã làm ít là hai điều bất thường: 1) dùng dầu một cách xa xỉ đến cả một cân, trị giá 300 quan tiền (lương lao động thời bấy giờ là một quan một ngày, như vậy số tiền mua được một cân dầu này bằng lương cả một năm); 2) Maria lấy tóc mình mà lau, điều này vượt xa văn hóa Do-thái, vì đàn bà con gái Do-thái không được xõa tóc trước những người ngoài gia đình.  Việc làm của Maria không chỉ thu hút sự chú ý của Giu-đa mà thôi nhưng còn của tất cả mọi người tại bàn tiệc vì việc xức dầu của Maria đã làm hương thơm tỏa ngát phòng, đó chưa kể việc xức dầu của Maria thật trái khuấy trước mặt mọi người.  Nhưng Maria không hề quan tâm đến bất cứ ai, hay bất cứ lời nói nào, mà chỉ quan tâm đến việc mình đang làm cho Chúa Giêsu.  Tôi có thể hỏi Maria: Tại sao chị lại làm điều này?  Tại sao chị dùng dầu mắc và nhiều đến mức xa xỉ như vậy?  Tại sao không làm khi khác mà làm sáu ngày trước khi Chúa Giêsu chịu chết?  Tại sao Chúa Giêsu lại được đối đãi cách đặc biệt như vậy?  Tôi để ý xem Maria trả lời tôi như thế nào.      
2.      Tôi có thể tự hỏi chính mình: Có bao giờ tôi dám xài xả láng với Chúa về tiền bạc, thời giờ, tài năng của tôi như Maria không?  Tôi có thấy Chúa cũng đã xả láng với tôi không, khi Ngài xuống thế và cho đi cả mạng sống của Ngài?  Cách tôi tiêu xài cho Chúa sẽ nói lên tình yêu và tương quan giữa tôi với Chúa như thế nào.  Tôi có suy nghĩ gì và quyết tâm gì với Chúa kể từ hôm nay?       
Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, March 24, 2018

Chúa Nhật Lễ Lá – Năm B - II – 25-3-2018


CN Le La
Philiphê 2:6-11
6 Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,7 nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.8 Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.9 Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.10 Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ;11 và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức Giê-su Ki-tô là Chúa".
(Trích Thư Philiphê bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Hôm nay cả Giáo hội bước vào đỉnh cao của một Năm Phụng Vụ, Tuần Thánh, tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.  Dẫu rằng trong tuần lễ đặc biệt này tôi sẽ được nghe những bài đọc nói về những đau khổ mà Chúa Giêsu đã phải trải qua, tuy nhiên tôi sẽ không để cho tôi dừng ở những đau khổ đó mà khóc lóc tội nghiệp Chúa.  Tôi phải nhìn xuyên thấu những đau khổ đó là tình yêu.  Chính tình yêu mới đem lại ơn cứu độ chứ không phải đau khổ.  Mà tình yêu đích thực bao giờ cũng là Ở CÙNG.  Thiên Chúa yêu con người đến mức muốn ở cùng con người trong mọi vui buồn của cuộc sống và ở cho đến chết.  Trong giờ cầu nguyện hôm nay và có lẽ trong các giờ cầu nguyện của cả tuần này, tôi sẽ không cần phải nói gì, làm gì, chỉ ở đó chiêm ngắm tình yêu của Chúa Giêsu đang dành cho tôi, đồng thời cảm nghiệm sự bất lực mà Chúa Giêsu đã trải qua trước bạo quyền. 
2.      Điều đầu tiên có thể dẫn tôi đi vào thật sâu trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu đó là sự khiêm nhường.  Sự khiêm nhường đích thực luôn luôn bắt nguồn từ tình yêu.  Thiên Chúa đã yêu thương tôi đến mức Ngài đã cúi xuống cùng tận nhất của cuộc đời làm người và chết như một tử tội.  Sự khiêm nhường của Chúa nói gì với tôi trong lúc này và trong tương quan giữa tôi với Chúa và với anh chị em xung quanh?  Trong giờ cầu nguyện này tôi muốn chia sẻ với Chúa Giêsu một việc làm cụ thể trong tuần này thể hiện sự khiêm nhường và yêu thương của tôi.      
Phạm Đức Hạnh, SJ


Friday, March 23, 2018

Thứ Bảy Tuần V Mùa Chay – Năm B - II – 24-3-2018


Thu Bay V MC
Gioan 11:45-54
45 Trong số những người Do-thái đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm [cho La-da-rô sống lại], có nhiều kẻ đã tin vào Người.46 Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pha-ri-sêu và kể cho họ những gì Đức Giê-su đã làm.47Vậy các thượng tế và các người Pha-ri-sêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: "Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ.48 Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rô-ma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta."49 Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: "Các ông không hiểu gì cả,50 các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt."51 Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giê-su sắp phải chết thay cho dân,52 và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối.53 Từ ngày đó, họ quyết định giết Đức Giê-su.54 Vậy Đức Giê-su không đi lại công khai giữa người Do-thái nữa; nhưng từ nơi ấy, Người đến một vùng gần hoang địa, tới một thành gọi là Ép-ra-im. Người ở lại đó với các môn đệ.
(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Bài Tin Mừng Gioan hôm nay có một điểm rất gần với đời sống xã hội mà tôi đang sống hôm nay đó là, chính trị hóa niềm tin.  Vấn đề Chúa Giêsu chữa cho La-da-rô sống lại là một việc làm đầy nhân ái, và hoàn toàn thuộc về niềm tin.  Một chuyện rất lạ chưa bao giờ xảy ra đó là, người chết được sống lại, điều này đã khiến cho nhiều người tin vào Chúa Giêsu.  Ấy vậy mà các thượng tế và Pha-ri-sêu đã chính trị hóa vấn đề, gán cho chuyện nhiều người tin vào Chúa Giêsu sẽ khiến cho người Rô-ma có thể đến phá hủy dân tộc và đền thờ.  Chuyện này cũng đã xảy ra với Giáo hội Việt Nam cả trăm năm trước khi mà các nhà truyền giáo đến đất Việt để truyền giáo nhưng họ lại bị gán cho là móc nối thực dân thuộc địa hóa Việt Nam.  Chuyện chính trị hóa niềm tin và tôn giáo vẫn còn xảy ra ngay hôm nay tại Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới.  Tôi muốn bước vào giờ cầu nguyện hôm nay, cầu nguyện đặc biệt cho những công việc mục vụ trong Giáo hội được phát triển mạnh mẽ, bớt đi sự hiểu lầm và chính trị hóa mục vụ để Tin Mừng được đến với nhiều người hơn.
2.      Tôi có thể thấy rõ quyết định và lập trường của những người chống đối Chúa Giêsu, họ quyết tâm giết Ngài.  Tôi muốn cầu nguyện cho tất cả những Kitô hữu đang bị bách hại.  Họ đang phải đối diện với sự bắt bớ và giết chóc chỉ vì theo Chúa Kitô.  Tôi cũng cầu nguyện cho tôi, là một Kitô hữu, biết trân quý đức tin của tôi.  Đức tin không phải là điều TÔI THÍCH, mà là TÔI MUỐN CHỌN và SỐNG đức tin ấy một cách tự do, trưởng thành, và mạnh mẽ.    
Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, March 22, 2018

Thứ Sáu Tuần V Mùa Chay – Năm B - II – 23-3-2018

Thu Sau V MC
Giê-rê-mi-a 20:10-13
10 Con nghe biết bao người vu cáo: "Kìa, lão "Tứ phía kinh hoàng!, hãy tố cáo, hãy tố cáo nó đi!" Tất cả những bạn bè thân thích đều rình xem con vấp ngã. Họ nói: "Biết đâu nó chẳng mắc lừa, rồi chúng ta sẽ thắng và trả thù được nó!"11 Nhưng ĐỨC CHÚA hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng. Vì thế những kẻ từng hại con sẽ thất điên bát đảo, sẽ không thắng nổi con. Chúng sẽ phải thất bại, và nhục nhã ê chề: đó là một nỗi nhục muôn đời không thể quên.12 Lạy ĐỨC CHÚA các đạo binh, Đấng dò xét người công chính, Đấng thấu suốt tâm can, con sẽ thấy Ngài trị tội chúng đích đáng, vì con đã giãi bày cơ sự cùng Ngài.13 Hãy ca tụng ĐỨC CHÚA, hãy ngợi khen ĐỨC CHÚA, vì Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo.
(Trích Sách Giê-rê-mi-a bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/cuu%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Bài đọc hôm nay cho tôi thấy hình ảnh của một người theo Chúa, họ cũng chẳng sung sướng gì, trái lại bị hiểu lầm và chống đối tứ bề.  Nhưng cái đẹp ở Giê-rê-mi-a là lòng cậy trông ở Chúa.  Điều này có giúp tôi vững tin ở Chúa hơn không?  Tôi đang có khó khăn gì trong lúc này?  Tôi có thể nói chuyện với Chúa.
2.      Một nét đẹp trong bài đọc hôm nay đó là cách cầu nguyện của Giê-rê-mi-a, ông nói với Chúa một cách thật lòng.  Tôi cũng có thể bắt chước ông và nói với Chúa tất cả tâm can của tôi trong lúc này. 
Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, March 21, 2018

Thứ Năm Tuần V Mùa Chay – Năm B - II – 22-3-2018


Thu Nam V MC
Sáng Thế 17:3-9
Thiên Chúa phán với ông [Áp-ram] rằng:4 "Phần Ta, đây là giao ước của Ta với ngươi: ngươi sẽ làm cha của vô số dân tộc.5 Người ta sẽ không còn gọi tên ngươi là Áp-ram nữa, nhưng là Áp-ra-ham, vì Ta đặt ngươi làm cha của vô số dân tộc.6 Ta sẽ cho ngươi sinh ra nhiều, thật nhiều: Ta sẽ làm cho ngươi thành những dân tộc, và vua chúa sẽ phát xuất từ ngươi.7 Ta sẽ lập giao ước của Ta giữa Ta với ngươi và với dòng dõi ngươi sau này, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đây sẽ là giao ước vĩnh cửu, do đó Ta sẽ là Thiên Chúa của ngươi và của dòng dõi ngươi sau này.8 Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi sau này miền đất ngươi đang trú ngụ, tức là tất cả đất Ca-na-an, làm sở hữu vĩnh viễn; và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng."9 Thiên Chúa phán với ông Áp-ra-ham: "Phần ngươi, hãy giữ giao ước của Ta, ngươi và dòng dõi ngươi sau này, từ thế hệ này qua thế hệ khác.
(Trích Sách Sáng Thế bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/cuu%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Bài đọc hôm nay nói đến một điều rất phổ biến ở trong đời sống của mọi Kitô hữu đó là, đặt tên.  Mỗi người Kitô hữu khi lãnh Bí tích Rửa tội đều nhận một tên mới, gọi là Tên Thánh.  Đây là một truyền thống bắt nguồn từ Cựu ước mà bài đọc hôm nay là một ví dụ.  Khi Thiên Chúa và Áp-ram ký kết giao ước với nhau thì Áp-ram đã mang một tên mới là Áp-ra-ham và tên mới này trong tiếng Do-thái có nghĩa là tổ phụ nhiều dân tộc, đây cũng chính là ý nghĩa mà Chúa đã đặt tên cho ông được nói đến trong bài đọc hôm nay.  Mà đâu chỉ có Cựu ước, cả những người yêu nhau ngày nay trong mọi văn hóa cũng thường có một tên mới cho người yêu của mình: ông xã, bà xã, mẹ nó, bố nó, mình, bạn, honey, sweetheart...  Trong giờ cầu nguyện này tôi có thể xem lại tên của tôi trong ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội, tôi yêu mến Tên Thánh của tôi như thế nào?  Tôi đã tập sống theo gương của vị thánh mà tôi mang trên mình như thế nào?  Tôi đã sống kết hiệp với Chúa như thế nào khi mang Tên Thánh đó? 
2.      Thông thường tôi sẽ mang một tên mới khi bước vào một tương quan mới với một người nào đó.  Tên mới đó sẽ nói lên tất cả ý nghĩa và tình thâm sâu giữa tôi với người đó.  Trong giờ cầu nguyện này, nếu Chúa muốn đặt tên cho tôi, tôi muốn Chúa gọi tôi bằng tên gì?  Con yêu của Cha chăng?  Cục cưng của Cha chăng?  Bạn, Ngọc, Hương, Thanh Thảo…của Cha chăng?  Tên mới là một căn tính mới.  Tôi có thấy tên mới của tôi nói lên tương quan đặc biệt giữa tôi với Chúa chăng?  Tôi muốn hỏi Chúa trong giờ cầu nguyện này và để ý Ngài trìu mến với cái tên của tôi ra sao và tôi cảm thấy rung cảm như thế nào khi Ngài gọi tôi bằng một cái tên rất riêng tư, mà chỉ có tôi và Ngài biết thôi?  Có thể tôi cũng muốn gọi Chúa bằng một tên mới, tôi sẽ gọi Ngài là gì?  Ngài phản ứng ra sao với tên mới đó?
Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, March 20, 2018

Thứ Tư Tuần V Mùa Chay – Năm B - II – 21-3-2018


Thu Tu V MC
Gioan 8:31-41
31 Vậy, Đức Giê-su nói với những người Do-thái đã tin Người: "Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi;32 các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông."33 Họ đáp: "Chúng tôi là dòng dõi ông Áp-ra-ham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do?"34 Đức Giê-su trả lời: "Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội.35 Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi.36 Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do.37 Tôi biết các ông là dòng dõi ông Áp-ra-ham, nhưng các ông tìm cách giết tôi, vì lời tôi không thấm vào lòng các ông.38 Phần tôi, tôi nói những điều đã thấy nơi Cha tôi; còn các ông, các ông làm những gì đã nghe cha các ông nói."39 Họ đáp: "Cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham." Đức Giê-su nói: "Giả như các ông là con cái ông Áp-ra-ham, hẳn các ông phải làm những việc ông Áp-ra-ham đã làm.40 Thế mà bây giờ các ông lại tìm giết tôi, là người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa. Điều đó, ông Áp-ra-ham đã không làm.41 Còn các ông, các ông làm những việc cha các ông làm."
(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.   Bài đọc hôm nay có thể làm tôi khó hiểu trong cách nói chuyện giữa Chúa Giêsu và những người Do-thái, đầy sự đối lập.  Chúa Giêsu nói đến những điều thuộc về siêu nhiên trong khi đó người Do-thái lại hiểu và nói về những gì thuộc về thế trần.  Gioan cho thấy Chúa Giêsu mang bản tính Thiên Chúa, Ngài làm chủ cuộc nói chuyện, dù những người Do-thái tức điên lên nhưng vẫn chưa làm gì được Ngài, chỉ vì giờ chưa đến.  Trong giờ cầu nguyện này, tôi cũng có thể mở lòng để cho Chúa dẫn dắt tôi, làm chủ tôi và tỏ bày cho tôi về chính Ngài. 
2.     Ở vào những lời cuối của cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và những người Do-thái, Ngài nói: “Giả như các ông là con cái ông Áp-ra-ham, hẳn các ông phải làm những việc ông Áp-ra-ham đã làm.40 Thế mà bây giờ các ông lại tìm giết tôi, là người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa. Điều đó, ông Áp-ra-ham đã không làm.41 Còn các ông, các ông làm những việc cha các ông làm.”  Nếu Chúa Giêsu đang nói với tôi những lời này, tôi cảm thấy thế nào?  Tôi có phải là con cháu của Áp-ra-ham không?  Tôi có là con của Chúa không?  Nếu tôi thật sự là con của Chúa thì cuộc sống tôi có đang làm những việc của Chúa không hay tôi đang làm việc cho sự ác?  Tôi muốn trả lời với Chúa về những việc làm của tôi trong cuộc sống.
Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, March 19, 2018

Thứ Ba Tuần V Mùa Chay – Năm B - II – 20-3-2018


Thu Ba V MC
Dân Số 21:4-9
4 Từ núi Ho, họ lên đường theo đường Biển Sậy, vòng qua lãnh thổ Ê-đôm; trong cuộc hành trình qua sa mạc, dân Ít-ra-en mất kiên nhẫn.5 Họ kêu trách Thiên Chúa và ông Mô-sê rằng: "Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai-cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống? Chúng tôi đã chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này."6 Bấy giờ ĐỨC CHÚA cho rắn độc đến hại dân. Chúng cắn họ, khiến nhiều người Ít-ra-en phải chết.7 Dân đến nói với ông Mô-sê: "Chúng tôi đã phạm tội, vì đã kêu trách ĐỨC CHÚA và kêu trách ông. Xin ông khẩn cầu ĐỨC CHÚA để Người xua đuổi rắn xa chúng tôi." Ông Mô-sê khẩn cầu cho dân.8 ĐỨC CHÚA liền nói với ông: "Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống."9Ông Mô-sê bèn làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cây cột. Và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống.
(Trích Sách Dân số bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/cuu%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Bài đọc từ Sách Dân Số hôm nay nói đến một hình ảnh nổi tiếng trong Cựu ước lẫn Tân ước đó là, hình ảnh con rắn đồng treo trên giá gỗ.  Nhiều người cho rằng biểu tượng y khoa ngày nay con rắn cuốn trên một cái giá đã bắt nguồn từ đoạn Kinh Thánh trên.  Con rắn đồng không phải là có phép mầu có thể chữa lành cho dân cho bằng niềm tin của dân vào biểu tượng đó có sức cứu họ lành.  Chúa Giêsu sau này cũng đã dùng hình ảnh này của Cựu ước để nói về cái chết của Ngài trên thập giá, nhưng Ngài không phải là biểu tượng mà chính là sự chữa lành, nơi Ngài có sức chữa lành nếu tôi tin ở Ngài.  Tôi tin Ngài không?  Tôi có thể cầu khẩn cùng Ngài ngay trong lúc này.
2.     Trong giờ cầu nguyện này tôi cũng muốn chiêm ngắm Chúa Giêsu trên thập giá.  Ngài đã bị treo và đã trở nên sức mạnh chữa lành cho rất nhiều người.  Tôi muốn chiêm ngắm Ngài và để cho tình yêu của Ngài tuôn trào trong tôi.  Tôi muốn đụng chạm đến những đau khổ của Ngài và để cho sự đau khổ của Ngài thánh hóa con người của tôi.    
Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, March 18, 2018

Thứ Hai Tuần V Mùa Chay – Năm B - II – 19-3-2018 – Lễ Kính Thánh Giu-se


Thu Hai V MC
Mát-thêu 1:1, 16, 18-24
1 Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham…16 Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô…18 Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ."22 Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ:23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta."24 Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.
(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Bài đọc hôm nay có thể cho tôi một hướng đi mới trong cách giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống của tôi.  Mát-thêu cho biết Giu-se là người công chính và cách giải quyết của người công chính hay của tôi trong hướng đi công bằng đó là mỗi khi gặp những oan trái xảy ra, cách giải quyết vấn đề thường là xòng phẳng: chia tay, ra tòa, đập cho một trận…  Nhưng Giu-se không chỉ là người công chính, ông còn là người của niềm tin, nên ông còn lắng nghe tiếng Chúa nữa.  Tôi có thể học Giu-se trong cách giải quyết vấn mọi vấn đề chăng?  Đó là đem vấn đề vào giờ cầu nguyện và bàn hỏi với Chúa xem sao.  Tôi đang gặp những khó khăn nào trong lúc này?  Tôi nói chuyện với Chúa thử xem và lắng nghe Ngài nói với tôi như thế nào.  Chắc chắn cách giải quyết vấn đề của tôi, một người có niềm tin sẽ phải rất khác so với người không có niềm tin.  Tôi cũng có thể tâm sự với Thánh Giu-se để học cùng ngài cách giải quyết cho vấn đề của tôi.
2.      Bài đọc hôm nay nằm ngay ở chương đầu tiên của Phúc âm Mát-thêu và tôi có thể thấy một điều rất đặc biệt trong bài đọc này đó là, Mát-thêu giới thiệu điểm chính yếu nhất về Phúc âm của ông: “Thiên Chúa ở cùng chúng ta!”  Điều này rất ăn khớp với dòng cuối cùng trong Phúc âm của ông khi Chúa Giêsu nói: “Thầy sẽ ở cùng các con cho đến tận thế” (Mt. 28: 20).  Điều này thật quan trọng trong đời sống đức tin của tôi.  Tôi không tin vào một Thiên Chúa ở trên mây, chẳng biết gì hay chẳng quan tâm gì đến những đau khổ của tôi hôm nay, nhưng tôi tin vào một Thiên Chúa ở rất gần bên tôi, mọi ngày, trong mọi vui buồn của cuộc sống.  Ngài đồng hành gần gũi với tôi như vậy đó, tôi nhận ra Ngài hay không?  Tôi muốn ở lại với câu nói này của bài đọc hôm nay, và tập ý thức hơn sự hiện diện của Ngài trong tôi và trong moi người mà tôi tiếp xúc mỗi ngày trong suốt cả cuộc đời của tôi.   
Phạm Đức Hạnh, SJ