Luca 11:14-23
14 Bấy giờ Đức Giê-su trừ
một tên quỷ, và nó là quỷ câm. Khi quỷ xuất rồi, thì người câm nói được. Đám
đông lấy làm ngạc nhiên.15 Nhưng trong số đó có mấy người lại
bảo: "Ông ấy dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ."16 Kẻ
khác lại muốn thử Người, nên đã đòi Người một dấu lạ từ trời.17 Nhưng
Người biết tư tưởng của họ, nên nói: "Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn,
nhà nọ đổ xuống nhà kia.18 Nếu Xa-tan cũng tự chia rẽ chống lại
chính mình, thì nước nó tồn tại sao được?... bởi lẽ các ông nói tôi dựa thế
Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ.19 Nếu tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ
quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ? Bởi vậy, chính họ sẽ xét xử các
ông.20 Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả
là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.21 Khi một người
mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được
an toàn.22 Nhưng nếu có người mạnh thế hơn đột nhập và thắng
được người ấy, thì sẽ tước lấy vũ khí mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem phân
phát những gì đã lấy được.23 "Ai không đi với tôi là chống
lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.
(Trích Phúc
âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi
ý cầu nguyện:
1. Ở một khía cạnh nào đó khoa học
cũng song hành với tôn giáo đi tìm sự thật và giúp con người bớt khổ. Tuy nhiên, một số người có thể quá duy khoa học
mà phủ nhận những đóng góp của tôn giáo, lại cũng có những người quá duy tôn
giáo mà chê bác khoa học hay trở nên sợ khoa học. Câu chuyện từ Tin Mừng Luca trên đây có thể dễ
làm tôi đứng từ khoa học mà ném đá tôn giáo, cho rằng câu chuyện trừ quỷ trên
là mê tín, là nhảm nhí. Nếu tôi nhìn như
vậy, quả là tôi không biết đọc Thánh Kinh.
Thánh Kinh được viết ra không nhằm trả lời cho câu hỏi: Trừ quỷ xảy ra
như thế nào, với ai, ơ đâu và do ai? Thánh
Kinh được viết ra nhằm để trả lời cho câu hỏi: Câu chuyện trừ quỷ này mang ý
nghĩa gì, đang nói gì với cuộc sống hiện tại của tôi hôm nay? Tôi muốn dùng câu hỏi này để tự hỏi chính
mình trong giờ cầu nguyện hôm nay, và tôi cũng tự hỏi: Tôi có đang bị quỷ câm
ám không? Nếu không, sao tôi lại câm
không thể cất tiếng ca tụng Thiên Chúa?
Nếu không, sao tôi lại câm không thể cất tiếng bênh vực cho những người
thấp cổ bé họng, đang phải chịu biết bao nhiêu bất công và bạo lực? Nếu không, sao tôi lại câm trước những bất
công và tham nhũng trong xã hội? Ai và thế lực nào đang bịt miệng tôi? Nếu
không, sao tôi lại câm không nói được những tiếng yêu thương mà chỉ toàn những
tiếng chê bai, chỉ trích? Tôi muốn xin
Chúa điều gì trong lúc này? Giải câm hay
thêm sức mạnh?
2. Câu chuyện trên cũng không xa
với cuộc sống của tôi hôm nay. Bởi một
nghĩa cử rất tốt của Chúa Giêsu cũng bị những người không ưa Ngài giải thích kiểu
chụp mũ. Biết bao nhiêu những người tốt
xung quanh tôi, họ cũng đã xả thân và đã làm nhiều việc rất tốt, ấy vậy mà có
bao nhiều lần tôi hiểu được ý tốt của họ, cám ơn lòng tốt của họ, hay tôi cũng
đã chụp mũ và giải thích những việc làm ấy một cách tiêu cực? Tôi nói gì với Chúa trong lúc này? Có thể tôi muốn cầu nguyện cho những người mà
tôi đã chụp mũ. Tôi có thể cảm thấy
chính tôi cũng là nạn nhân của thái độ chụp mũ khi tôi làm những việc tốt mà bị
mọi người giải thích tiêu cực. Tôi có
thể nói chuyện với Chúa Giêsu về điều này, bởi Ngài cũng đã đi qua những giây
phút bị hiểu lầm và chống đối như tôi.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment