Mát-thêu 8:28-34
28Khi ấy, Đức Giê-su sang bờ bên kia, đến
vùng đất của dân Ga-đa-ra, thì có hai người bị quỷ ám từ trong đám mồ mả ra đón
Người; chúng rất dữ tợn, đến nỗi không ai dám qua lại lối ấy. 29 Chúng
la lên rằng: “Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông? Chưa tới lúc mà ông đã đến đây hành hạ chúng
tôi sao?” 30 Khi ấy, ở đàng xa, có một bầy heo rất đông
đang ăn. 31 Bọn quỷ nài xin Người rằng: “Nếu ông đuổi
chúng tôi, thì xin sai chúng tôi nhập vào bầy heo kia.” 32 Người
bảo: “Đi đi!” Chúng liền ra khỏi hai
người đó và nhập vào bầy heo. Thế là tất
cả bầy heo từ trên sườn núi lao xuống biển và chết đuối hết. 33 Các
người chăn heo bỏ chạy vào thành, kể lại mọi sự, và những gì đã xảy ra cho
những người bị quỷ ám. 34 Bấy giờ, cả thành ra đón Đức
Giê-su, và khi gặp Người, họ xin Người rời khỏi vùng đất của họ.
(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Câu chuyện trừ quỷ
trong bài đọc hôm nay thật ly kỳ, được ghi nhận không chỉ trong Phúc âm
Mát-thêu mà trong cả Phúc âm Mác-cô (5:1-20) và Luca (8:26-39) nữa. Mác-cô có lối viết ly kỳ, sôi động hơn, trong
khi đó Mát-thêu và Luca có lối viết nhẹ nhàng hơn. Chuyện quỷ nhập là câu chuyện muôn thủa, xảy
ra ở mọi thời đại, văn hóa và niềm tin tôn giáo. Nhưng ở đâu và thời nào đi nữa, chuyện quỷ nhập
luôn diễn tả một sự bất lực của con người trước một sức mạnh siêu hình nào
đó. Bài đọc hôm nay mô tả, người bị quỷ
nhập đã phải sống giữa những mồ mả, kêu la gầm thét như thú dữ chứ không còn
như người nữa, khiến ai cũng phải sợ và bó tay.
Ngày hôm nay, nhiều người xem chuyện quỷ nhập chính là những chứng nghiện
ngập thuộc đủ mọi hình thức như: rượu chè, cờ bạc, ma túy, tình dục, máy tính,
điện thoại, mua sắm, công việc, tôn giáo, đảng phái… vẫn đang xảy ra hằng ngày trong
các gia đình và cộng đoàn. Bởi ở đâu
cũng vậy, những người nghiện ngập, mỗi lần lên cơn nghiện, đều có những biểu hiện
giống như bị quỷ nhập. Họ là những người
rất dễ thương, rất tốt, nhưng khi cơn nghiện nổi lên, họ như trở thành một con
người khác, hung dữ và tàn ác với người thân, hành xử vô lý trí và vô nhân tính,
sẵn sàng đập phá tất cả những gì họ đã xây dựng, hãm hại chính mình và tất cả
những người thân cận của họ, kể cả những người họ từng yêu thương nhất và tôn
trọng nhất. Họ giống như những người bị
quỷ ám trong câu chuyện hôm nay, hung dữ đến mức không một xiềng xích nào có thể
trói buộc được họ, làm cho tất cả mọi người sợ hãi và xa tránh. Ngày hôm nay, dù biết bao nhiêu trại cai nghiện
đã được thành lập, biết bao nhiêu những nghiên cứu và trị liệu đã được phát
minh, nhưng con nghiện vẫn tràn lan như nước cống mùa lũ trong mọi gia đình, mọi
ngõ ngách xóm thôn và mọi tổ chức đạo cũng như đời, cuốn trôi tất cả. Có chứng “quỷ ám” nào đang xảy ra trong tôi,
trong gia đình tôi, trong cộng đoàn tôi, khiến tôi đau khổ và hoàn toàn bất lực? Tôi đã phải chịu đựng bao lâu rồi? Sự tàn phá của nó lớn đến mức nào? Tôi tìm đâu để được sự giúp đỡ? Tôi muốn tìm đến Chúa Giêsu trong lúc này để
được giúp đỡ.
2.
Tất cả mọi câu chuyện
quỷ ám, dù được hiểu theo nghĩa nào, đều diễn tả một sự thật, đó là: sự bất lực
của con người trước thế lực của sự ác. Cách
kể của Mát-thêu chỉ nói “bọn quỷ” mà không nói rõ bọn quỷ đó có bao nhiêu quỷ;
trong khi đó, Mác-cô nói bọn quỷ ấy đông như một đạo binh. Đây là một kiểu nói bóng để nói, sức mạnh của
sự dữ là siêu cường, mà từ trước đến nay không một ai đã có thể thắng nổi, ngoại
trừ Thiên Chúa. Trong câu chuyện trên, đã
rất lâu cả dân làng đều bất lực và sợ hãi trước sự hoành hành của quỷ trên người
hai người thân của họ, mãi đến khi Chúa Giêsu đến, Ngài mới trừ được
chúng. Tôi đọc lại câu chuyện trên và để
ý những hình ảnh nào, những chữ nào, những câu nào đánh động tôi nhất? Chúa đang nói gì với tôi trong những cảm nghiệm
rất ấn tượng ấy? Tôi muốn nói chuyện với
Chúa Giêsu về những chứng quỷ ám hiện nay đang xảy ra trong tôi, trong người
thân và cộng đoàn của tôi, và muốn cộng tác với Ngài trong việc xua trừ ma quỷ
hiện nay.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment