Saturday, September 30, 2023

Chúa Nhật Tuần XXVI Thường Niên – Năm A – 1-10-2023

CN XXVI TN

Mát-thêu 21:28-32

28Khi ấy, Đức Giê-su nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng: “Các ông nghĩ sao?  Một người kia có hai con trai.  Ông ta đến nói với người thứ nhất: ‘Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.’ 29 Nó đáp: ‘Con không muốn!’  Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. 30 Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy.  Nó đáp: ‘Thưa ngài, con đây!’ nhưng rồi lại không đi. 31 Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?”  Họ trả lời: “Người thứ nhất.”  Đức Giê-su nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. 32 Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin.  Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Trong bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu kể cho các thượng tế và kỳ mục của dân một dụ ngôn rất đơn giản và dễ hiểu.  Sau đó Ngài hỏi các ông, và họ đã trả lời rất đúng.  Nếu Chúa Giêsu hiện ra và hỏi tôi cũng câu hỏi ấy, chắc chắn tôi cũng trả lời rất dễ dàng và sẽ rất đúng.  Tuy nhiên, bài đọc hôm nay không phải là một bài trắc nghiệm mà tôi cần phải học để trả lời cho đúng, một lần là xong, mà là một câu chuyện về tương quan giữa tôi với Thiên Chúa.  Vì thế, điều quan trọng của việc đọc bài đọc trên là, tôi đặt mình vào một trong những nhân vật của câu chuyện để thấy được, cảm được, hiểu được mối liên hệ trực tiếp giữa tôi với Chúa Giêsu.  Chẳng hạn trong giây phút này, tôi đặt tôi là một trong những thượng tế hoặc kỳ mục mà Chúa Giêsu đang nói chuyện trực tiếp với họ; tôi cũng có thể đặt tôi là người con thứ nhất, hoặc người con thứ hai của dụ ngôn mà Chúa Giêsu đang nói đến tương quan giữa họ với Thiên Chúa.  Tùy vào nhân vật nào mà tôi chọn, tôi có những suy nghĩ gì, nói những gì và phản ứng như thế nào với Chúa Giêsu.  Tôi bắt đầu đặt mình vào trong bối cảnh của bài đọc và đi vào đối thoại với Chúa Giêsu.

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa.  Để ý đến những rung cảm trong tôi trước sự hiện diện của Chúa Giêsu, trước những lời Ngài nói, trước thái độ của những người đang nghe Ngài giảng…  Tôi để những rung cảm này dẫn tôi vào sâu hơn với sự hiện diện của Chúa Giêsu ngay giây phút này và trong cả cuộc đời của tôi.       

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment