Luca 7:1-10
1Khi ấy, sau khi giảng dạy dân chúng, Đức
Giê-su vào thành Ca-phác-na-um. 2 Một viên đại đội trưởng
kia có người nô lệ bệnh nặng gần chết. Ông
ta yêu quý người ấy lắm. 3 Khi nghe đồn về Đức Giê-su, ông
cho mấy kỳ mục của người Do-thái đi xin Người đến cứu sống người nô lệ của ông.
4 Họ đến gặp Đức Giê-su và khẩn khoản nài xin Người rằng: “Thưa
Ngài, ông ấy đáng được Ngài làm ơn cho. 5 Vì ông quý mến
dân ta. Vả lại chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta.” 6 Đức
Giê-su liền đi với họ. Khi Người còn
cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này cho bạn hữu ra nói với Người: “Thưa
Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà
tôi. 7 Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp
Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì
đầy tớ của tôi được khỏi bệnh. 8 Vì chính tôi đây, tuy
dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: ‘Đi!’ là nó đi; bảo người
kia: ‘Đến!’ là nó đến; và bảo người nô lệ của tôi: ‘Làm cái này!’ là nó
làm.” 9 Nghe vậy, Đức Giê-su thán phục ông ta, Người quay
lại nói với đám đông đang theo Người rằng: “Tôi nói cho các ông hay: ngay cả
trong dân Ít-ra-en, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như
thế.” 10 Về đến nhà, những người đã được sai đi thấy người
nô lệ đã khỏi hẳn.
(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu
nguyện
1.
Nhân vật nổi bật nhất trong bài đọc hôm
nay, đó là: Viên đại đội trưởng. Mặc dù
ông là dân ngoại, nhưng ông có hai điểm rất đẹp, đến nỗi Chúa Giêsu phải thán
phục. Trong giờ cầu nguyện này, tôi có
thể tập trung vào hai điểm rất đẹp của viên đại đội trưởng để suy niệm và cầu
nguyện. Thứ nhất, viên đại đội trưởng
này, dù là dân ngoại, nhưng ông nổi tiếng là người tốt. Ông đã rất thương yêu đầy tớ của mình, tìm
thầy chạy thuốc cho đầy tớ khi hắn bị bệnh.
Ông là người La-mã, giới đô hộ, vậy mà đã đứng ra xây cất hội đường cho
người Do-thái, dân bị trị, để họ có nơi thờ phượng. Lòng tốt của ông đẹp và lớn đến nỗi, những
người Do-thái đã xin Chúa Giêsu làm phép lạ chữa cho đầy tớ của ông ta. Đời sống của ông có thể thật gần với những gì
mà ĐGH Phanxico nói: “Không nhất thiết phải tin
vào Chúa mới là người tốt. Theo một cách
nào đó, quan niệm truyền thống về Chúa đã lỗi thời. Người ta có thể có tâm linh nhưng không có tôn
giáo. Không nhất thiết phải đến nhà thờ
và dâng cúng tiền bạc - đối với nhiều người, thiên nhiên có thể là nhà thờ. Trong lịch sử, một số người rất tốt nhưng đã
không có niềm tin vào Chúa; trong khi đó, một số người lại lấy danh Ngài mà làm
những điều rất tồi tệ – It is not
necessary to believe in God to be a good person. In a way, the traditional notion of God is
outdated. One can be spiritual but not
religious. It is not necessary to go to
church and give money – for many, nature can be a church. Some of the best people in history did not
believe in God, while some of the worst deeds were done in His name.” Tôi có thể dành giây phút này nhìn vào đời sống
của viên đại đội trưởng và câu nói của ĐGH Phanxico để xét mình, tự hỏi: Bao
lâu nay tôi nói tôi là Kitô hữu, nhưng tôi đã sống tốt như thế nào? Đời sống Kitô hữu của tôi đã lan tỏa những
hương hoa nào? Những người Do-thái đã
xin Chúa Giêsu giúp viên đại đội trưởng.
Liệu sẽ có những người xa lạ sẽ cầu nguyện cho tôi, vì họ đã chứng kiến,
hoặc đã đón nhận những việc làm tốt của tôi?
2.
Tôi đọc lại bài đọc
trên và để ý đến điểm tốt thứ hai của viên đại đội trưởng: “Niềm tin.” Lưu ý, viên đại đội trưởng không phải là người
Do-thái, tức không thuộc về tôn giáo Do-thái, ấy vậy mà ông lại có niềm tin rất
mạnh vào Chúa Giêsu. Niềm tin ấy đẹp đến
mức, Chúa Giêsu phải thán phục. Niềm tin
ấy mạnh đến mức, mỗi khi người Công giáo dâng lễ, đều lập lại câu nói của ông,
như thể mượn lời của ông mà nói thay cho niềm tin của mình, trước khi lên rước
lễ: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự
vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh.” Tôi là một Kitô hữu, niềm tin của tôi mạnh đến
mức nào? Niềm tin ấy đã giúp cho cuộc sống
của tôi và những người xung quanh ra sao?
Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu trong giây phút này.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment