Tuesday, January 3, 2023

Thứ Tư Tuần II Giáng Sinh – Năm A –4-1-2023 – Lễ Thánh Elizabeth Ann Seton

Thu Tu II GS

Gioan 1:35-42

35Khi ấy, ông Gio-an đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. 36 Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa.” 37 Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su. 38 Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: “Các anh tìm gì thế?”  Họ đáp: “Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?” 39 Người bảo họ: “Đến mà xem.”  Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười. 40 Ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, là một trong hai người đã nghe ông Gio-an nói và đi theo Đức Giê-su. 41 Trước hết, ông gặp em mình là ông Si-môn và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” (nghĩa là Đấng Ki-tô). 42 Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su.  Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói: “Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha” (tức là Phê-rô).

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay bao gồm những ý tưởng rất cần thiết cho đời sống cầu nguyện và đức tin của tôi.  Bài đọc nêu lên hai câu hỏi rất cần thiết mà bất cứ ai và bất cứ khi nào bước vào giờ cầu nguyện tôi cũng cần hỏi chính mình.  Thứ nhất, khi Gioan Tẩy Giả giới thiệu với các môn đệ của ông về Chúa Giêsu, họ hiếu kỳ và đi theo sau Ngài.  Chúa Giêsu quay lại hỏi họ: “Các bạn tìm gì?”  Câu hỏi này cũng có nghĩa là: “Các bạn muốn gì?”  Thánh I-nha-xi-ô cho đây là một câu hỏi quan trọng và cần thiết trong mỗi giờ cầu nguyện.  Câu hỏi này giúp tôi tập trung vào ơn xin của cả giờ cầu nguyện, bớt chia trí, lan man trong giờ cầu nguyện.  Cầu nguyện không phải là một việc làm của thói quen như cái máy, làm dấu thánh giá, đọc bi bô trên miệng mấy câu kinh cho xong bổn phận; trong khi đó, đầu thì vẫn nghĩ lan man hết chuyện này đến chuyện khác, cuối cùng chẳng biết mình ngồi đó để làm gì hay đã làm gì trong thời gian cầu nguyện vừa qua.  Vậy tôi muốn gì trong giờ cầu nguyện này?  Tôi nói với Chúa điều tôi muốn, điều tôi đang kiếm tìm và để ý xem Ngài sẽ nói gì với tôi. 

2.     Thứ hai, khi nghe Chúa Giêsu hỏi, các môn đệ đã hỏi lại Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?”  Cầu nguyện theo Kitô giáo, đó là: tìm đến tận nơi, vào tận chỗ Thiên Chúa ở.  Chúa ở đâu, tôi phải đến đó để gặp Ngài.  Đừng tìm Thiên Chúa ở những nơi Ngài không hiện diện.  Nhưng, Thiên Chúa ở đâu để tôi tìm đến?  Niềm tin Kitô giáo là niềm tin nhập thể, Thiên Chúa không ở trên chín tầng mây, nhưng đã làm người để ở thật gần và ở trong mọi trạng huống cuộc đời của tôi và của mọi người.  Vì thế, chỗ Thiên Chúa ở hiện nay là trong lòng tôi, trong những người thân xung quanh tôi, trong những đau khổ, những trăn trở lo lắng, những thành công và thất bại, những niềm vui và thương yêu, thậm chí trong cả những tội lỗi của tôi và của mọi người.  Đừng quên, giây phút đầu đời làm người của Thiên Chúa, Ngài đã sinh ra trong máng thức ăn, giữa phân và nước tiểu của trâu bò; và rồi cả cuộc đời rao giảng, Ngài luôn ở rất gần với những người tội lỗi và những người bị loại ra bên lề xã hội!  Cầu nguyện theo Kitô giáo, là đi vào trong tương quan mật thiết và riêng tư với Thiên Chúa, chứ cầu nguyện không thể là ngồi bất động, vét rỗng lòng mình để chẳng có gì, mà cũng chẳng có ai và chẳng có Chúa trong đó nữa.  Tôi để ý đến lời mời của Chúa Giêsu với các môn đệ của Gioan: “Đến mà xem!”  Họ đã đến và ở với Ngài chiều hôm ấy.  Giờ cầu nguyện này, tôi muốn đến và ở những nơi mà Chúa đang ở.  Tôi để ý Chúa đang làm gì, Ngài đang quan tâm đến những vấn đề gì và với ai nhất?  Ngài mong đợi tôi cộng tác với Ngài như thế nào?

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment