Thursday, January 12, 2023

Thứ Sáu Tuần I Thường Niên – Năm A –13-1-2023 – Lễ Thánh Hilary Giám Mục, Tiến Sĩ Hội Thánh

Thu Sau I TN

Mác-cô 2:1-12

1Bấy giờ, Đức Giê-su trở lại thành Ca-phác-na-um.  Hay tin Người ở nhà, 2dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi ngoài cửa cũng không còn chỗ đứng.  Người nói lời Thiên Chúa cho họ. 3 Bấy giờ người ta đem đến cho Đức Giê-su một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng. 4 Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được.  Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống. 5 Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: “Này con, tội con được tha rồi.” 6 Nhưng có mấy kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ thầm trong bụng rằng: 7“Sao ông này lại dám nói như vậy?  Ông ta nói phạm thượng!  Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?” 8 Tâm trí Đức Giê-su thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ: “Sao các ông lại nghĩ thầm trong bụng những điều ấy? 9 Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: ‘Tội con được tha rồi’, hai là bảo: ‘Đứng dậy, vác chõng mà đi’, điều nào dễ hơn? 10 Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, -Đức Giê-su bảo người bại liệt-, 11 Ta truyền cho con: Đứng dậy, vác chõng mà đi về nhà!” 12 Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau: “Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ!”

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay tiếp tục ghi nhận những ngày sống rất bận rộn của Chúa Giêsu, Ngài hết giảng dạy đến chữa bệnh, từ làng này đến làng khác.  Câu chuyện trong bài đọc hôm nay thật đặc biệt.  Trước khi đi vào chi tiết của câu chuyện, tôi thử lướt qua toàn bộ câu chuyện.  Tôi thấy gì lạ trong câu chuyện này?  Chắc hẳn có rất nhiều điều lạ.  Điều lạ thứ nhất đó là, nhân vật chính trong câu chuyện này là người bại liệt, anh ta không thể tự mình đi đâu được, muốn đi đâu phải nhờ người khác khiêng đi.  Hôm nay, anh ta muốn đến gặp Chúa Giêsu để xin Ngài chữa lành cho nhưng không thể tự mình đi được, phải nhờ bạn bè hoặc họ hàng khiêng anh ta.  Tuy nhiên trong việc chữa lành, Mác-cô chẳng ghi nhận một chi tiết nào về việc Chúa Giêsu có khám nghiệm bệnh lý, có đụng chạm đến anh ta hay không, nhưng chỉ chữa bằng cách nói với anh ta một câu mà nghe chẳng liên quan gì đến bệnh của anh ta: “Này con, tội con được tha rồi.”  Rồi, cả câu chuyện còn lại là cuộc đối chất giữa Chúa Giêsu và những kinh sư đang có mặt ở đó, chỉ là về quyền tha tội chứ không nói gì đến chứng bại liệt của bệnh nhân trước mặt.  Đây là điều lạ ở câu chuyện.  Trong câu nói của Chúa Giêsu đã cho tôi thấy có một sự liên hệ chặt chẽ giữa căn bệnh thể lý và vấn đề tâm linh.  Đó chính là nền thần học Do-thái thời bấy giờ dạy rằng, bất cứ ai mắc những chứng bệnh thể lý đều có gốc rễ từ vấn đề tâm linh.  Chỉ vì tội mà họ phải mang những bệnh nọ tật kia.  Nhưng như vậy, câu chuyện này đâu liên quan gì đến đời sống của tôi hôm nay?  Bởi, thần học ngày hôm nay không hiểu như vậy; bên cạnh đó, những phát minh khoa học ngày nay cho biết, những căn bệnh thể lý đến từ những mầm bệnh nơi cơ thể mỗi người, không phải từ tâm linh.  Có chứ, câu chuyện trên vẫn liên quan đến đời sống của tôi hôm nay.  Nên nhớ, câu chuyện này được ghi nhận trong Kinh Thánh, một tập sách về đức tin.  Chắc hẳn, tác giả Mác-cô không chỉ nói đến căn bệnh bại liệt về thể lý, nhưng quan trọng hơn đó là, chứng bại liệt tâm hồn, chứng bại liệt luân lý.  Mà chứng bại liệt tâm hồn và luân lý lại thật gần với đời sống tội lỗi của tôi.  Bởi có phải không, mỗi khi phạm tội, tôi chẳng khác gì người bị bại liệt, mất khả năng làm những điều tốt, điều lành?  Là cha, là mẹ, là linh mục, là tu sĩ, là huynh trưởng chẳng hạn, tôi ăn uống say xỉn, cờ bạc, gian lận, tham lam, độc ác, làm gương mù gương xấu, làm sao tôi có thể mở miệng dạy điều tốt cho con cái hay người khác được, làm sao con cái hay người dưới có thể nghe tôi được, đó chẳng phải là tôi đã bị bại liệt tâm hồn, bại liệt đạo đức sao?  Tôi có đang mắc những chứng bại liệt thể lý, hay luân lý, hay tâm linh?  Tôi có muốn đến với Chúa Giêsu để được chữa lành không?  Có lẽ đây là ơn xin trong giờ cầu nguyện này chăng?  Tôi bộc bạch, tôi kể cho Chúa nghe những chứng bại liệt trong tôi và xin Ngài chữa lành. 

2.     Điều lạ thứ hai trong câu chuyện hôm nay đó là lòng tin của người bại liệt.  Rất mạnh!  Anh ta bị bại liệt, muốn đến gặp Chúa Giêsu nhưng không đi được, anh ta nhờ người khác giúp khiêng anh ta đi.  Dân chúng quá đông không thể chen vào gặp Chúa Giêsu được, anh ta và những người khiêng anh ta đã trèo lên mái nhà nơi Chúa Giêsu đang giảng, tháo mái nhà của người ta, rồi thòng anh ta xuống trước mặt Chúa Giêsu.  Anh ta đã đặt niềm tin rất lớn nơi Chúa Giêsu, và anh ta đã được lành.  Tôi muốn nhìn lại đức tin của tôi.  Mạnh đến mức nào?  Khao khát tìm gặp Chúa đến mức nào?  Nếu mạnh đủ, tôi sẽ bất chấp mọi trở ngại.  Nếu mạnh đủ, tôi sẽ có đủ mọi sáng tạo.  Nếu mạnh đủ, chắc chắn tôi sẽ gặp được Chúa.  Nếu mạnh đủ, tôi sẽ được chữa lành.  Tôi tin không?  Đây chính là đức tin đích thực.  Đức tin đích thực và cần thiết không chỉ là con đường dẫn tôi vào thiên đàng mai sau, nhưng còn là con đường dẫn tôi gặp được Chúa trong mọi ngày sống của tôi nơi trần thế.  Chúa Giêsu có ngạc nhiên về niềm tin của tôi như Ngài ngạc nhiên về đức tin của người bại liệt?  Tôi đến bên Ngài trong lúc này và để ý Ngài có những phản ứng gì về niềm tin của tôi.  Ngài sẽ nói gì về niềm tin của tôi?           

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment