I-sai-a 49:3, 5-6
3Đức Chúa đã phán cùng tôi: “Hỡi
Ít-ra-en, ngươi là tôi trung của Ta. Ta
sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang”… 5 Giờ đây Đức Chúa lại lên
tiếng. Người là Đấng nhào nặn ra tôi từ
khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở thành người tôi trung, đem nhà Gia-cóp về
cho Người và quy tụ dân Ít-ra-en chung quanh Người. Thế nên tôi được Đức Chúa trân trọng, và
Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi. 6 Người phán: “Nếu ngươi chỉ
là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Gia-cóp, để dẫn đưa các người
Ít-ra-en sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít.
Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ
của Ta đến tận cùng cõi đất.”
(Trích
Sách I-sai-a, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Các bài đọc hôm nay đều có chung
một chủ đề: Ơn gọi. Bài đọc I, từ Sách
I-sai-a, nói về ơn gọi của I-sai-a; bài đọc II, từ thư của Phao-lô gởi tín hữu
Cô-rin-tô, nói về ơn gọi của Phao-lô, và bài đọc III, từ Phúc âm Gioan, nói về
ơn gọi của Chúa Giêsu. Ơn gọi trong
tiếng Anh là “vocation”, nhưng vocation cũng có nghĩa là nghề
nghiệp. Vậy, “ơn gọi” khác “nghề nghiệp”
ở chỗ nào? “Ơn gọi” là lối sống gắn liền
với căn tính thiêng liêng và niềm tin của một người nào đó, được Thiên Chúa
trao ban hay mời gọi. Ơn gọi là một lối
sống kéo dài cả đời người, không có ngày hưu trí! Chẳng hạn, người Công giáo hay nói đến ơn gọi
làm cha làm mẹ, hay ơn gọi làm linh mục, tu sĩ.
Một lần làm cha làm mẹ, cả đời sẽ làm cha làm mẹ, dù cho đến răng long
đầu bạc, dù con cái còn sống hay đã chết, cũng sẽ vẫn là cha là mẹ; ơn gọi linh
mục và tu sĩ cũng thế. Trong khi đó,
nghề nghiệp là việc làm mang tính trần thế và tạm thời. Tôi chỉ thủ đắc nghề nghiệp trong một khoảng thời
gian nào đó trong cuộc đời, cho đến khi tôi thay việc khác hoặc về hưu. Bài đọc hôm nay hướng tôi đến câu hỏi rất lớn trong cuộc đời của tôi: Ơn gọi của tôi là gì? Bao lâu nay, tôi đã
sống ơn gọi của tôi như thế nào? Tôi
đang cộng tác với ơn Chúa để qua đời sống ơn gọi của tôi, Thiên Chúa được đến
với mọi người ra sao? Tôi cảm thấy vui
và ý nghĩa trong ơn gọi của tôi? Tôi
đang có những khó khăn gì trong ơn gọi của tôi?
Tôi chia sẻ và cầu nguyện với Chúa trong giây phút này.
2.
Một điểm khác biệt nữa giữa ơn gọi
và nghề nghiệp, đó là: ơn gọi là một lối sống cho đi, dấn thân vì Chúa và vì
tha nhân; trong khi đó nghề nghiệp lại mang tính mưu sinh. Dù qua những gì tôi làm việc mỗi ngày sẽ góp phần
hữu ích cho xã hội, nhưng thực chất là để mưu sinh cho bản thân và gia đình,
sao cho có được một cuộc sống tốt và đầy đủ.
Tôi muốn đọc lại tâm tình của I-sai-a về cách thức ông cảm nghiệm về ơn
gọi của ông mà Chúa đã gọi ông như thế nào. Ông thấy ơn gọi của ông là cả một ý định và dự
tính của Thiên Chúa, đã có từ trước khi ông hình thành trong bụng mẹ, được Ngài
chuẩn bị từ trong bào thai của mẹ ông, rồi Thiên Chúa ấy cũng yêu thương và quý
trọng khi ông chào đời, sau đó cắt đặt ông trở thành mối dây liên kết trong dân
tộc của ông, và cuối cùng được mời gọi để trở thành ánh sáng cho muôn dân. Tôi có thể ngồi bên Chúa trong giây phút này,
hỏi Chúa xem về hành trình ơn gọi của tôi mà Ngài đã chuẩn bị cho tôi như thế
nào? Tôi muốn viết xuống hành trình ơn
gọi của tôi, để biết trân quý, ý thức và sống ơn gọi của tôi như lòng Chúa mong
ước.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment