Sunday, January 8, 2023

Thứ Hai Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa – Năm A –9-1-2023

Thu Hai PR

I-sai-a 42:1-4, 6-7

1Đức Chúa phán: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và hết lòng quý mến, Ta cho thần khí Ta ngự trên người; người sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân. 2 Người sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. 3 Cây lau bị giập, người không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi.  Người sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý. 4 Người không yếu hèn, không chịu phục, cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu.  Dân các hải đảo xa xăm đều mong được người chỉ bảo. 6 Ta là Đức Chúa, Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta.  Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, 7để mở mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm.”

(Trích Sách I-sai-a, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay Giáo hội mừng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, chấm dứt Mùa Giáng Sinh.  Kể từ biến cố giáng sinh đến nay, có ba cuộc mạc khải lớn của Thiên Chúa với con người, mà Thánh Kinh nhắc tới và tôi cần lưu ý.  Mạc khải theo nguyên nghĩa, là bức màn được vén mở để tôi có thể thấy những gì ẩn kín bên kia bức màn.  Cuộc mạc khải đầu tiên đó là, sự kiện Thiên Chúa làm người, sinh ra tại máng cỏ Bê-lem; qua đó, Thiên Chúa mạc khải với những người nghèo, trong đó có thể có tôi.  Cuộc mạc khải này cho thấy Thiên Chúa luôn muốn ở thật gần trong những khổ đau của con người; Ngài không phải là một Thiên Chúa ở trên chín tầng mây, chẳng biết gì đến những đau khổ của tôi, như thể Ngài là nhà sản xuất hàng triệu chiếc đồng hồ, rồi chẳng biết chiếc nào ở đâu, hư hại như thế nào, dùng được hay không.  Hôm qua Giáo hội mừng lễ Hiển Linh, trong đó tôi đã thấy các đạo sĩ từ phương đông đến triều bái Chúa Giêsu Hài Đồng.  Đây là cuộc mạc khải của Thiên Chúa dành cho dân ngoại, trong đó có tôi một người dân ngoại, bởi tôi không phải là người Do-thái.  Cuộc mạc khải này cho thấy, đã đến lúc, không ai có thể độc quyền về Thiên Chúa, Ngài không phải là của riêng ai, nhưng là của mọi người.  Hôm nay, biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa.  Dù không mắc tội, nhưng Chúa Giêsu đã đứng chung hàng với những người tội lỗi để chịu phép rửa.  Đây là cuộc mạc khải của Thiên Chúa đối với những tội nhân, chắc chắn, trong đó cũng có tôi.  Cuộc mạc khải này diễn tả căn tính của Thiên Chúa là một Đấng nhân từ, yêu thương vô điều kiện.  Không phải khi nào tôi tốt, tôi sửa đổi thì Chúa mới thương, nhưng Ngài thương tôi trước khi tôi thay đổi và trước khi tôi là người tốt.  Tôi cảm thấy gì khi suy nghĩ về những cuộc mạc khải này?  Tôi tập trung vào một trong ba cuộc mặc khải trên và nói chuyện với Chúa Giêsu về những cảm nghĩ và thái độ của tôi về Ngài.

2.     Bài đọc hôm nay từ Sách I-sai-a nói về người Tôi Trung của Chúa.  Từ những thế kỷ đầu, Giáo hội đã đọc thấy những lời tiên tri của I-sai-a có tính ám chỉ đến sự xuất hiện của Chúa Kitô, vì thấy những lời này đã trở thành hiện thực nơi Chúa Kitô.  Tôi đọc kỹ lại những lời trên của I-sai-a nói về những đức tính của người Tôi Trung của Chúa, để ý xem những lời nào diễn tả gần với cuộc đời của Chúa Kitô nhất.  Sau khi Chúa Kitô chịu phép rửa, Ngài đã sống và đi cho đến cuối con đường của kiếp người, đúng như những gì I-sai-a đã loan báo về người Tôi Trung của Chúa.  Tôi cũng đã lãnh nhận phép rửa, tôi muốn lấy những lời I-sai-a như thể ông đã tiên báo về tôi.  Tôi cúi mình, cầu xin cho được can đảm dám làm những gì mà ơn gọi của phép rửa đang mời gọi tôi và đã được I-sai-a nói về tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment