Friday, January 6, 2023

Thứ Bảy Tuần II Giáng Sinh – Năm A –7-1-2023

Thu Bay II GS

Gioan 2:1-11

1Khi ấy, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê.  Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su. 2 Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự. 3 Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: “Họ hết rượu rồi.” 4 Đức Giê-su đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi?  Giờ của tôi chưa đến.” 5 Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” 6 Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. 7 Đức Giê-su bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi!”  Và họ đổ đầy tới miệng. 8 Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.”  Họ liền đem cho ông. 9 Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại 10và nói: “Ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn.  Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ.” 11 Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người.  Các môn đệ đã tin vào Người.

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay có thể rất quen đối với nhiều người, nói về một trong những biến cố rất quan trọng trong Phúc âm Gioan, đó là: Chúa Giêsu biến nước thành rượu tại tiệc cưới Ca-na, mà nhiều người vẫn gọi là phép lạ nước hóa thành rượu, trong khi đó ngôn từ thần học chính xác của Gioan lại là “dấu lạ”.  Sự khác biệt về cách dùng chữ “dấu lạ” và “phép lạ” có gì quan trọng không?  Có!  Không giống như các Phúc âm Nhất lãm gọi những việc lạ lùng của Chúa Giêsu làm là phép lạ, Phúc âm Gioan lại gọi những việc đó là dấu lạ, chẳng hạn như bài đọc hôm nay.  Lưu ý, Phúc âm Gioan dùng rất nhiều biểu tượng.  Biểu tượng là những hình ảnh, dấu chỉ để nói về một cái khác, chứ không nói về chính nó.  Như vậy, biến cố Chúa Giêsu hóa nước thành rượu không có ý mời gọi tôi nhìn vào, dừng lại ở chuyện nước thành rượu mà trầm trồ, thán phục việc Chúa Giêsu làm, nhưng mời gọi tôi nhìn xa hơn, hiểu sâu hơn những gì tôi thấy và nghe từ Phúc âm.  Nên nhớ, Gioan kết thúc câu chuyện biến nước thành rượu của Chúa Giêsu bằng câu: “Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người.  Các môn đệ đã tin vào Người.”  Đây là lần đầu tiên trong bước khởi đầu công cuộc rao giảng của Chúa Giêsu, Ngài đã hóa nước thành rượu để bày tỏ vinh quang của Ngài, để các môn đệ thấy mà tin vào Ngài.  Như vậy, nước hóa thành rượu là dấu lạ nhằm để chỉ về Chúa Giêsu, để mọi người tin vào Ngài, chứ không phải tin vào sự kiện nước thành rượu.  Trong bối cảnh của Phúc âm Gioan, các môn đệ đã thấy và tin vào Chúa Giêsu.  Trong bối cảnh của tuần lễ này, Giáo hội đã sắp đặt các bài đọc mỗi ngày, từ Chúa Nhật vừa qua đến ngày hôm nay, một hướng đi rõ rệt, đó là: chỉ ra căn tính đích thực của Chúa Giêsu để mọi người tin vào Ngài.  Tôi đã cầu nguyện và suy niệm cả tuần qua về căn tính của Chúa Giêsu, tôi đã thấy gì, cái tôi thấy đã dẫn tôi tin vào Chúa Giêsu như thế nào?  Tôi đọc lại bài đọc trên và xin cho được thêm ơn đức tin vào Chúa Giêsu ngày càng vững mạnh hơn.

2.     Bài đọc hôm nay không có ý nói về một tiệc cưới nào đó, năm xưa, ở miền Ca-na, bị hết rượu, và may là có Chúa Giêsu ở đó giúp họ đỡ quê mặt, bằng cách giúp cho họ có rượu mới; bởi, chuyện tiệc cưới nào đó hết rượu đâu có liên quan gì đến đời sống của tôi hôm nay.  Như đã nói ở trên, Phúc âm Gioan dùng rất nhiều biểu tượng.  Tôi cần đọc lại bài đọc trên nhiều lần để nhìn ra những biểu tượng đó đang nói gì với tôi hôm nay.  Lưu ý, Gioan đặt câu chuyện này ở ngay chương hai của Phúc âm, tức là ngay giai đoạn đầu công trình rao giảng của Chúa Giêsu.  Điều này cũng có nghĩa là, sự xuất hiện của Chúa Giêsu nhằm đem mọi người, mọi sự đến một trật tự mới.  Rượu cũ ám chỉ đến niềm tin và thực hành tôn giáo đã quá cũ, đã cạn kiệt, thậm chí đã lỗi thời.  Hôm nay, Giáo hội cần rượu mới, lối sống mới và cách thực hành đức tin kiểu mới.  Như vậy, trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn nhìn vào đời sống của tôi, của gia đình tôi, cộng đoàn tôi: có gì đã rất cũ, đang mất dần sức sống?  Tôi đem chuyện hết rượu của tôi, của gia đình tôi, hoặc của cộng đoàn tôi để kể với chúa Giêsu nghe trong lúc này.  Tôi muốn xin rượu mới không?  Hãy mạnh dạn nói với Ngài.            

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment