Mác-cô 5:21-43
21Khi
ấy, Đức Giê-su xuống thuyền, sang bờ bên kia.
Một đám rất đông tụ lại quanh Người.
Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ. 22 Có
một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới.
Vừa thấy Đức Giê-su, ông ta sụp xuống dưới chân Người, 23và
khẩn khoản nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu
chữa và được sống.” 24 Người liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người.
25Có
một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, 26bao
phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều, đến tán gia bại sản, mà bệnh vẫn
không thuyên giảm, lại còn thêm nặng là khác. 27 Được
nghe đồn về Đức Giê-su, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ
vào áo choàng của Người. 28 Vì bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào
áo choàng của Người thôi, là sẽ được cứu chữa.” 29 Tức
khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. 30 Ngay
lúc đó, Đức Giê-su nhận thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền
quay lại giữa đám đông mà hỏi: “Ai đã sờ vào áo tôi?” 31 Các
môn đệ thưa: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: ‘Ai đã
sờ vào tôi?’” 32 Đức Giê-su ngó quanh để nhìn người
phụ nữ đã làm điều đó. 33 Bà này sợ phát run lên, vì biết cái
gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục
trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người. 34 Người
nói với bà ta: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”
35Đức
Giê-su còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: “Con
gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?” 36 Nhưng
Đức Giê-su nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ,
chỉ cần tin thôi.” 37 Rồi Người không cho ai đi theo
mình, trừ ông Phê-rô, ông Gia-cô-bê và em ông này là ông Gio-an. 38 Các
ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Đức
Giê-su thấy cảnh ồn ào và người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ. 39 Người
bước vào nhà và bảo họ: “Sao lại ồn ào và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” 40 Họ
chế nhạo Người. Nhưng Người đuổi họ ra
ngoài hết, rồi đưa cha mẹ đứa trẻ và những kẻ theo Người, cùng đi vào nơi nó
đang nằm. 41 Người cầm lấy tay nó và nói:
“Ta-li-tha kum”, có nghĩa là: “Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!” 42 Lập
tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta sửng sốt kinh
ngạc. 43 Đức Giê-su nghiêm cấm họ không được
để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.
(Trích
Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Bài đọc hôm nay là một câu chuyện rất đặc biệt trong Phúc âm Mác-cô. Câu chuyện này cho tôi thấy cách cấu trúc câu chuyện khá độc đáo của tác giả, cấu trúc kép, hay còn gọi là cấu trúc kiểu bánh mì kẹp thịt. Cụ thể như bài đọc hôm nay: Mở đầu câu chuyện là ông Gia-ia, trưởng hội đường, chạy đến và sụp lạy trước mặt Chúa Giêsu, xin Ngài chữa cho con gái mười hai tuổi của ông đang đau nặng, gần chết. Chúa Giêsu đã nhận lời đến chữa, nhưng đang trên đường đến nhà ông ta, Mác-cô ngưng không kể về ông ta nữa, mà chen vào một câu chuyện mới, chuyện của người đàn bà bị băng huyết đã mười hai năm. Sau khi tốn bao nhiêu tiền thuốc, đến tán gia bại sản cho đủ các thầy lang, ấy vậy mà tiền mất mà tật vẫn mang, thậm chí còn nặng hơn. Bà đã tìm mọi cách để đến gần Chúa Giêsu và mong được chạm vào gấu áo của Ngài, vì bà tin, nếu chỉ được làm thế thôi bà sẽ được khỏi bệnh. Bà đã làm được điều bà muốn và bà đã được khỏi bệnh. Sau đó, Mác-cô trở lại kể tiếp câu chuyện của viên trưởng hội đường. Lúc này con của ông đã chết, nhưng Chúa Giêsu vẫn đến, vào tận nơi con gái của ông đang nằm và chữa cho con gái của ông sống lại. Tôi có thể đọc lại câu chuyện trên và để ý những điểm nổi bật trong cách viết truyện của Mác-cô. Chẳng hạn, Mác-cô cố gắng làm rõ những đối xứng và tương đồng trong câu chuyện, như: Ông Gia-ia, có tên, có địa vị là trưởng hội đường. Ông đến trước mặt Chúa Giêsu và sụp lạy, xin Ngài cứu chữa cho con gái của ông. Đối lại, người đàn bà được chữa lành không có tên, cũng chẳng có địa vị gì. Bà chen chui, luồn lách giữa đám đông, cố gắng đến từ phía sau lưng Chúa Giêsu, không dám lên tiếng, nhưng chỉ mong được đụng vào gấu áo của Ngài. Bà làm tất cả những điều này chỉ để được khỏi bệnh cho chính bà. Còn điểm tương đồng đó là, người đàn bà đáng thương này đã bị bệnh mười hai năm và cô con gái của ông Gia-ia cũng mười hai tuổi. Bà này bị bệnh băng huyết lâu như vậy, có lẽ bà ấy đã không còn được chồng thương nữa, vì chẳng thể quan hệ việc vợ chồng được, và vì thế có thể, bà ấy đã bị chồng ly dị. Như vậy, kể như đời bà chẳng còn gì! Cô con gái ông Gia-ia mười hai tuổi, đến tuổi lập gia đình thời bấy giờ. Tiếc thay, đang bắt đầu vào tuổi đầy sức sống, vậy mà lại bị chết! Như vậy đây là hai câu chuyện tuyệt vọng của hai người nữ. Chúa Giêsu đã chữa lành cho cả hai: bà bị băng huyết kia bây giờ có thể lập gia đình lại, và cô gái vẫn có một tương lai. Điểm rất đặc biệt nối giữa hai câu chuyện này đó là, đức tin. Nhờ đức tin mà bà này được khỏi bệnh. Nhờ đức tin mà con gái ông Gia-ia được sống lại.
2. Đây là một câu chuyện rất hay của Mác-cô. Tôi muốn đọc lại nhiều lần và dùng phương pháp cầu nguyện hình dung của Thánh Inhaxio để đi vào trong bối cảnh rất đẹp của Tin Mừng Mác-cô. Tôi đặt mình vào trong bối cảnh để thấy dân chúng rất đông, chen lấn nhau, mong sao đến được gần với Chúa Giêsu. Lưu ý, câu chuyện này được ghi nhận không chỉ trong Phúc âm Mác-cô mà thôi, nhưng còn trong cả Phúc âm Mát-thêu 9:18-26 và Phúc âm Luca 8:40-56; trong đó Luca viết, “Đám đông dân chúng chen lấn làm Người nghẹt thở” (Lc 8:42). Như vậy đông lắm! Hỗn độn lắm! Ồn ào lắm! Tôi thấy không? Tôi nghe không? Tôi cảm không? Nhờ cảm được đám đông chen lấn, hỗn độn, ồn ào mà tôi cảm được sự chen chân của bà bị băng huyết này mới vất vả làm sao. Nếu không vì tuyệt vọng với căn bệnh của bà, nếu không vì tin tưởng tuyệt đối ở Chúa Giêsu, chắc chắn bà đã không chen chân đến được với Chúa Giêsu. Chen chân đến không phải để được nói chuyện trực tiếp với Chúa Giêsu, nhưng chỉ để âm thầm, lén lút, chạm vào gấu áo của Ngài. Chính niềm tin này đã cứu bà: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.” Việc Chúa Giêsu dừng lại để tìm cho ra người nào đã đụng vào gấu áo của Ngài, một việc làm nghe thật vớ vẩn bởi người ta đang chen lấn xô ngài tứ phía; ấy thế nhưng việc làm vô lý này lại là cách thức Ngài muốn ông trưởng hội đường, Giai-ia, được nhìn thấy đức tin của bà bị băng huyết mà mạnh tin lên. Ngài đã dùng đức tin của người đàn bà vô danh tiểu tốt để củng cố đức tin cho một ông có địa vị là trưởng hội đường! Tôi tin như thế nào mỗi khi bước vào giờ cầu nguyện? Có khi nào tôi bước vào giờ cầu nguyện mà tin Chúa đến mức tuyệt đối như người đàn bà trong bài đọc hôm nay? Có khi nào tôi tha thiết, sáng tạo, tìm đủ mọi cách để gặp được Chúa Giêsu, như người đàn bà trong bài đọc hôm nay? Tôi cảm thấy như thế nào mỗi khi cầu nguyện thành tâm, tha thiết, hết mình và tuyệt đối tin tưởng ở Thiên Chúa? Có phải những lúc ấy, tôi đã cảm thấy như được Chúa ban ơn ngay, trước khi tôi kết thúc giờ cầu nguyện? Có khi nào Chúa đã dùng những chuyện tầm thường, những con người tầm thường để dạy tôi về đức tin? Tôi cảm thấy như thế nào những lúc ấy? Tôi đọc lại bài đọc trên một lần nữa, để được nghe một lần nữa, những lời trấn an của Chúa Giêsu cũng dành cho tôi lúc này: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con!” hay, “Đừng sợ, chỉ cần tin thôi!”
0 comments:
Post a Comment