Wednesday, January 4, 2023

Thứ Năm Tuần II Giáng Sinh – Năm A –5-1-2023 – Lễ Thánh John Neumann, Giám Mục

 Thu Nam II GS

1 Gioan 3:16-19

16Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì:
đó là Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta.
Như vậy, cả chúng ta nữa,
chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em.
17Nếu ai có của cải thế gian
và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu,
mà chẳng động lòng thương,
thì làm sao tình yêu Thiên Chúa
ở lại trong người ấy được?
18Hỡi anh em là những người con bé nhỏ,
chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi,
nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm.
19Căn cứ vào điều đó, chúng ta sẽ biết rằng
chúng ta đứng về phía sự thật,
và chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa.

(Trích Thư Gioan I, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Dĩ nhiên, theo Chúa là phải sống yêu thương, nhưng yêu thương như thế nào?  Thánh Gioan trong bài đọc hôm nay mời gọi tôi hãy nhìn vào Chúa Kitô,“Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta.  Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em.”  Chúa Kitô chính là mẫu gương cho mọi việc làm và lối sống của tôi, sống yêu thương đến quên mình vì người khác.  Có khi nào tôi đã yêu đến quên mình chưa?  Làm cha làm mẹ, làm mục tử, làm huynh trưởng, chắc nhiều lần tôi đã yêu thương đến quên mình để chỉ nghĩ đến gia đình, con cái và người khác.  Tôi cảm thấy như thế nào khi sống quên mình vì người khác?  Có phải việc làm và lối sống yêu thương ấy không làm cho tôi nghèo đi nhưng lại giầu lên?  Có phải việc làm và lối sống yêu thương thương ấy đã làm cho tôi càng ngày càng trở nên giống Thiên Chúa hơn?  Có phải việc làm và lối sống yêu thương ấy đã làm cho cuộc sống của tôi vui hơn và ý nghĩa hơn?  Tôi muốn ngồi với Chúa Kitô, ngắm nhìn thập giá, hoặc để thánh giá nơi bàn tay của tôi, nhìn thật kỹ vào Đấng đã chết vì yêu tôi, để tôi cũng lấy sức và có thêm động lực để dám yêu, và yêu đến quên mình.

2.     Điều thứ hai mà Thánh Gioan muốn chỉ cho tôi về cách thức sống yêu thương như thế nào cho đúng, đó là: không nên yêu chỉ bằng đầu môi chót lưỡi, nhưng tình yêu phải được minh chứng bằng việc làm cụ thể.  Tôi có thuộc loại người chỉ nói mà không làm?  Những người xung quanh cảm thấy như thế nào về lối sống giả hình của tôi?  Tôi cảm thấy như thế nào khi người nào đó sống giả hình với tôi?  Có những người nào quanh tôi đang cần tôi yêu bằng tất cả tấm lòng và việc làm cụ thể?  Lần cuối cùng tôi đã diễn tả những nghĩa cử yêu thương với những người quanh tôi bằng những việc làm cụ thể, họ cảm thấy thế nào và tôi cảm thấy thế nào?  Trong ngày hôm nay, tôi muốn chọn một việc làm cụ thể với một người nào đó quanh tôi, để làm sao họ cảm nghiệm được tình thương của tôi, để làm sao họ gặp được Chúa qua việc làm yêu thương của tôi.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng lời nguyện sau: Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng tấm bánh để dành của con thuộc về người đói, chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi, tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.  Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng, có bao điều con lãng phí bên cạnh những La-da-rô túng quẫn, có bao điều con hưởng lợi dựa trên nỗi đau của người khác, có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.  Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công chẳng ở đâu xa.  Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.  Con phải chịu trách nhiệm về cảnh nghèo trong xã hội.  Lạy Cha chí nhân, vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.  Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt, vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.  Thế giới còn nhiều người đói nghèo là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.  Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu, nhờ sống chia sẻ yêu thương.  Amen.”  (Lời Nguyện Rabbouni #120)

Phạm Đức Hạnh, SJ

 

0 comments:

Post a Comment