Mác-cô 1:7-11
7Khi ấy, ông Gio-an rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến
sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. 8 Tôi
thì tôi đã làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa
cho anh em bằng Thánh Thần.” 9 Hồi ấy, Đức Giê-su từ Na-da-rét
miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan. 10 Vừa
lên khỏi nước Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ
câu ngự xuống trên Người. 11 Lại có tiếng từ trời phán:
“Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.”
(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm
Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Bài đọc hôm nay rất ngắn nhưng
cũng có những ý tưởng rất cần thiết giúp tôi cầu nguyện trong giây phút
này. Thứ nhất, tôi có thể tập trung vào
sự khiêm nhường của Gioan Tẩy Giả, hoặc sự khiêm nhường của Chúa Giêsu. Gioan Tẩy Giả là một người rất nổi tiếng lúc
bấy giờ, tiếng của ông đã vang xa khắp vùng, đếm cả những lãnh đạo Do-thái và
nhà vua phải sợ. Ấy vậy mà, bài đọc hôm
nay kể Gioan thật khiêm nhường. Ông nhận
thấy ông chẳng là gì so với Chúa Giêsu, Đấng mà ông đang dọn đường. Để có sự khiêm nhường như Gioan quả là không
dễ; dù đó là khiêm nhường trước Thiên Chúa, cũng rất khó. Bởi cứ nghĩ lại mà xem, dù tôi chẳng nổi
tiếng như Gioan, tôi chỉ mới thủ đắc được một văn bằng nào đó, đi làm với một
mức lương cao nào đó, chơi giỏi một môn thể thao hay một nhạc cụ nào đó, sở hữu
một thân hình hay nhan sắc nào đó tôi đã hợm hĩnh, vênh vang, tự đắc và chẳng
thấy Chúa đâu nữa, cũng chẳng thấy ai đáng là bạn của tôi nữa. Tôi chỉ thấy tất cả là từ tôi, do tôi và của
tôi nên chẳng biết Chúa là ai nữa, và chẳng biết Chúa có hiện hữu không
nữa. Thậm chí, nếu Chúa có hiện hữu,
chắc tôi cũng bắt Ngài phải năn nỉ và van xin tôi cho Ngài năm phút ở với Ngài,
cho Ngài một giờ đi lễ, cho Ngài một ngày trong tuần để ở bên gia đình… Tôi cũng có thể tập trung vào sự khiêm nhường
của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu vốn dĩ là
Thiên Chúa, ấy vậy mà đã nhập thể làm người, sinh ra trong cảnh nghèo hèn giữa
chuồng bò, lớn lên trong một gia đình nghèo, tại một thôn nghèo nàn Nazaret và
dám đứng chung với những người tội lỗi để lãnh phép rửa của Gioan Tẩy Giả. Khiêm nhường quả là một điều rất khó, bởi nó
là một nhân đức. Trong giờ cầu nguyện
này và trong ngày hôm nay, tôi muốn học sự khiêm nhường nơi Gioan hay Chúa Giêsu? Tôi muốn thể hiện sự khiêm nhường với ai
trong gia đình, trong sở làm, trong cộng đoạn của tôi hôm nay? Tôi xin Chúa cho tôi sự can đảm và lòng ao
ước muốn thực hiện.
2. Thứ hai, bài đọc hôm nay cũng
cho tôi một gợi ý quan trọng về cách thức cầu nguyện. Biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa được ghi nhận
khá giống nhau trong cả ba Phúc âm Mát-thêu (3:13-17), Mác-cô (1:9-11), Luca
(3:21-22), nhưng chỉ Phúc âm Luca mới viết: “Đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và
Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của
Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con.”
Bắt đầu mỗi giờ cầu nguyện, theo như
Thánh Inhaxio, là bỏ giờ ra ngắm nhìn Chúa xem Ngài đang ngắm nhìn tôi như thế
nào. Tôi có ý thức làm điều này, hay giờ
cầu nguyện của tôi khi nào cũng vội vàng, bận rộn? Vội vàng vì chỉ cầu nguyện cho xong bổn phận,
mong sao thời gian qua đi mau bao nhiêu có thể? Bận rộn vì những lời kinh, phải đọc cho nhanh,
phải đọc cho nhiều, phải xin hết ơn này đến ơn khác, giống như giờ cầu nguyện
là giây phút tôi giao việc cho Chúa phải làm đủ mọi thứ cho tôi trong ngày? Trong giây phút này, tôi muốn ngắm nhìn Chúa
và để ý xem Ngài đang ngắm nhìn tôi như thế nào. Để ý xem Chúa đang muốn nói với tôi những
gì? Có thể tôi xin cho được nghe thấy
Chúa nói với tôi, như Ngài đã nói với Chúa Giêsu: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”, hoặc, như Ngài
đã nói với Isaia: “Trước mắt Ta,
ngươi thật quý giá, vốn được Ta trân trọng và mến thương, nên Ta
đã thí bao người đổi lấy ngươi, nộp bao dân nước thế mạng ngươi” (Is 43:4). Tôi muốn kéo dài giờ cầu nguyện này thành cả
ngày cầu nguyện bằng bài hát sau, “Lặng,”
sáng tác của Trần Tuấn, do Hiền Thục trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=hHt7puAevPo
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment