Wednesday, January 11, 2023

Thứ Năm Tuần I Thường Niên – Năm A –12-1-2023

Thu Nam I TN

Mác-cô 1:40-45

40Khi ấy, có người mắc bệnh phong đến gặp Đức Giê-su, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” 41 Đức Giê-su chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh hãy được sạch!” 42 Lập tức, bệnh phong biến khỏi anh, và anh được sạch. 43 Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, 44và bảo anh: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế; và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” 45 Nhưng vừa đi khỏi, anh đã bắt đầu rao truyền và loan tin ấy khắp nơi, đến nỗi Đức Giê-su không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành.  Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay dù ngắn, nhưng chứa đựng những ý tưởng rất mạnh mẽ và đầy thách đố.  Trước hết đó là lời cầu xin của người bị phong cùi.  Ngày hôm nay, dù thế giới đã tìm được thuốc chữa bệnh phong cùi, nhưng cũng vẫn kinh hoàng nếu tôi mắc phải chứng bệnh này.  Chứ vào thời Chúa Giêsu, có lẽ không có bệnh nào ghê sợ khủng khiếp cho bằng bệnh phong cùi.  Căn bệnh này tước đi tất cả mọi sự nơi một con người từ: thể lý, tâm lý, xã hội, tôn giáo và niềm tin.  Về mặt thể lý, người bị bệnh phong cùi thấy mình chết trước khi họ thật sự xuống mồ.  Bởi, họ phải chứng kiến thân xác của họ bị biến dạng, mục rữa từng ngày trong đau đớn, ngứa ngáy, cùng máu mủ tanh hôi lan chảy từng giờ.  Về mặt tâm lý, họ cảm thấy xấu hổ, kinh tởm và ghét bỏ chính mình.  Chắc chắn, không ít người mắc chứng bệnh tuyệt vọng này đã phải tìm đến cái chết như để chạy trốn chính mình.  Về mặt xã hội, họ phải sống trong cô đơn vì bị chính gia đình và xã hội ruồng bỏ, xua đuổi và xa tránh.  Họ phải sống trong hoang địa hoặc nghĩa trang, nơi chẳng một bóng người qua lại.  Đi đâu họ cũng phải đeo chuông và hô lớn tiếng về căn bệnh chết người mà họ đang phải chịu đựng, để mọi người tránh xa.  Về mặt tôn giáo, họ bị chính các lãnh đạo tôn giáo, công đồng đức tin của họ xua đuổi, cấm cửa không cho vào đền thờ, vì họ là những người không thanh sạch, bất cứ ai tiếp xúc, đụng chạm đến họ cũng bị nhiễm uế.  Về mặt đức tin, nền thần học lúc bấy giờ dạy cho người ta rằng, họ bị căn bệnh chết người như thế là vì tội lỗi của họ, mà nếu không phải tội của họ thì cũng là tội mấy đời của tổ tiên họ, nên bị Chúa đánh phạt.  Như vậy người mắc bệnh phong cùi, không chỉ bị đói, rách, đau, khổ, họ còn bị mất tất cả: Thiên Chúa, cộng đồng, gia đình và bản thân.  Thế nhưng, giữa cảnh tuyệt vọng như thế, vậy mà người bị phong cùi này lại dám cầu xin Chúa Giêsu bằng một thái độ rất mạnh mẽ, rất tự do và đầy thách đố.  Tôi muốn suy niệm về lời cầu xin của anh bị phong cùi này.  Anh ta không xin giống như tôi vẫn xin khi gặp khó khăn, như: “Lạy Chúa xin Chúa cất khỏi con nỗi khổ này, nỗi buồn kia…”, nhưng anh ta quỳ xuốngvan xin: Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”  Lưu ý, anh ta quỳ và van xin!  Tức là, lời xin của anh ta rất thành tâm, rất nghiêm túc và rất ý thức điều anh ta xin.  Dĩ nhiên anh ta rất muốn được lành, nhưng anh ta lại không xin như thế.  Anh ta van xin, nếu đây là ý muốn của Chúa Giêsu cho anh ta lành, thì xin hãy làm cho anh ta lành.  Một lời cầu xin đầy tự do và rất can đảm.  Tự do và can đảm vì dám xin làm theo thánh ý Chúa, chứ không làm theo ý anh ta.  Có khi nào tôi dám cầu nguyện như vậy chưa?  Giả sử, tôi mất cả mười mấy năm trời, học hành, tu luyện bản thân để rồi ngày hôm nay vừa ra trường đỗ thủ khoa, hoặc vừa chịu chức linh mục, hoặc vừa khấn dòng, hoặc vừa kết hôn mà bác sĩ lại báo cho tôi biết rằng, tôi bị một chứng ung thư nặng thời kỳ cuối, tôi có dám cầu nguyện như anh bị bệnh phong cùi này không?  Tôi có thể đối thoại với anh bị phong cùi này, tìm hiểu xem, làm sao anh có được sự tự do và can đảm trong cầu nguyện như thế.  Tôi cảm thấy như thế nào, khi cầu nguyện xin Chúa làm theo ý tôi?  Tôi cảm thấy thế nào, khi cầu nguyện xin được làm theo ý Chúa?  Có lẽ từ nay, tôi muốn thay đổi cách thức cầu nguyện của tôi, chỉ xin theo ý Chúa, chứ không theo ý tôi.  Bởi, Chúa bao giờ cũng muốn điều tốt cho tôi, không bao giờ Ngài muốn điều xấu, hay để tôi phải thiệt thòi.

2.     Dù luật cấm người lành không được tiếp xúc với người bị phong cùi, nếu tiếp xúc cũng sẽ bị nhơ uế, không thể vào thành hay đền thờ được.  Ấy vậy mà, Chúa Giêsu không những nói chuyện với anh bị phong cùi, Ngài còn giơ tay đụng vào anh ta.  Đối với Chúa Giêsu, Ngài có quyền năng có thể chữa cho anh ta lành chỉ bằng một lời nói, nhưng Ngài đã đụng vào anh ta.  Chứng tỏ đây là một việc làm có chọn lựa của Chúa Giêsu.  Ngài chấp nhận trở nên nhơ uế để người bị phong cùi được sạch.  Sau khi được chữa lành, anh bị phong cùi đã vui chạy vào thành và loan tin cho mọi người, còn Chúa Giêsu phải ở lại nơi hoang địa.  Nếu anh bị phong cùi cầu nguyện với tất cả sự tự do của mình, Chúa Giêsu cũng đáp trả bằng tất cả sự tự do của Ngài.  Tình yêu của Thiên Chúa là thế đó, Ngài yêu thương và cho đi đến cùng, thiệt thân trên thập giá.  Có khi nào tôi đã yêu thương, giúp đỡ ai đến thiệt thân chưa?  Theo Chúa quả là một thách đố.  Tôi muốn ngồi bên Chúa để được dạy bảo và được nâng đỡ dám yêu người đến thiệt thân, như Chúa.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Hy Lễ Cuối Cùng,” sáng tác của Ân Đức, do Nguyễn Hồng Ân trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=BftzYAmrQi4

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment