Mát-thêu 6:25-34
25Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ
rằng, “Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo lắng cho mạng sống, lấy gì mà ăn; cũng
đừng lo lắng cho thân thể, lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể
chẳng trọng hơn áo mặc sao? 26 Hãy xem chim trời: chúng
không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn
nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn
chúng sao? 27 Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà
kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang không? 28 Còn về áo
mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm
xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào: chúng không làm lụng, không kéo sợi; 29thế
mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng
không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. 30 Vậy nếu hoa cỏ
ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như
thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém lòng tin! 31 Vì
thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? 32 Tất
cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất
cả những thứ đó. 33 Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa
và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. 34 Vậy,
anh em đừng lo lắng về ngày mai, ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.
(Trích
Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Hôm nay Mồng Một Tết, Giáo hội Việt Nam mời gọi tôi cầu nguyện cho bình
an cho cả năm mới, tức phó dâng cả năm mới trong bàn tay yêu thương và quan
phòng của Thiên Chúa. Bài đọc hôm nay thật
đúng với ý nghĩa của ngày lễ, trong đó Chúa Giêsu dạy tôi đừng lo lắng chuyện cơm
ăn, áo mặc. Sao Chúa Giêsu dạy kỳ vậy? Cơm ăn, áo mặc là hai vấn đề lớn, ai mà chẳng
lo! Người đời vẫn chẳng bảo, “có thực mới
vực được đạo” đó sao? Hay, câu nói: “người
đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân”, chẳng luôn ở cửa miệng mỗi người đó sao? Đặc biệt là ngày Mồng Một Tết nữa, ai mà chẳng
mặc cho thật đẹp? Lưu ý, Chúa Giêsu
không nói tôi đừng lo, nhất là chuyện
ăn mặc; Ngài dạy tôi không nên lo lắng. Lo là đắn đo, quan tâm, lên kế hoạch, vạch ra
một hướng đi, nhắm đến giải pháp, cho những vấn đề trong tầm tay; đây là dấu chỉ
của một con người trưởng thành và sống có trách nhiệm. Trái nghịch với người trưởng thành và trách
nhiệm là người chẳng biết lo gì, cái gì cũng đợi nước đến chân mới nhảy, hoặc sống
với thái độ, kiểu “chờ sung rụng”; đây là dấu chỉ của loại người thiếu trưởng
thành và vô trách nhiệm. Chúa Giêsu
không có ý dạy tôi sống vô trách nhiệm. Ngài
dạy tôi đừng lo lắng! Lo lắng là nghĩ quẩn
về một vấn đề gì đó, phần nhiều là những chuyện không đâu, không thực tế, ngoài
tầm với, luôn tập trung vào vấn đề mà không tập trung vào giải pháp, không ngồi
xuống đưa ra một kế hoạch, hoặc vạch ra một hoạch định rõ ràng. Dù lo cơm áo là một điều cần thiết và chính
đáng, nhưng Chúa Giêsu dạy tôi phải biết đặt ưu tiên cho những nỗi lo của tôi,
chẳng hạn: giữa chuyện tìm cơm ăn áo mặc và chuyện tìm kiếm Nước Thiên Chúa, đức
công chính của Ngài, sự sống vĩnh cửu, cái nào quan trọng hơn? Những lời dạy của Chúa Giêsu cũng rất giống
thói quen mà thế giới vẫn làm vào ngày đầu năm, đó là: quyết tâm cho năm mới (resolution). Vậy, quyết tâm của tôi trong năm mới này là
gì? Hướng đến đời sống vật chất hay đời
sống nội tâm, tinh thần; hướng đến đời tạm này hay đời sống vĩnh cửu? Tôi ngồi với Chúa Giêsu để hoạch định những
quyết tâm cho cả năm mới này.
2.
Tôi đọc lại bài đọc trên thật kỹ và để ý, tôi thường lo lắng hay quan tâm
những vấn đề gì. Tôi muốn dùng lời dạy của
Chúa Giêsu cho mọi dự tính của cả năm mới này. Tôi quyết tâm và xin Chúa chúc lành sao cho những
quyết tâm của tôi hôm nay sẽ dẫn tôi đến một năm thật bình an. Đồng thời, tôi cũng muốn góp phần trở thành sự
bình an, đem bình an đến cho những người xunh quanh, đặc biệt, những người mà
tôi chúc Tết hôm nay. Tôi kết thúc giờ cầu
nguyện hôm nay bằng lời nguyện sau: “Lạy Cha, Cha đã cho chúng con sống thêm một năm, đi thêm một đoạn
đường đời. Nhìn lại đoạn đường đã qua, chúng con chỉ biết nói lên lời tạ
ơn chân thành, vì Cha vẫn cho chúng con sống, và sống trong tình yêu. Mọi
biến cố vui buồn của năm qua đều là những lời mời gọi kín đáo của Cha để thức
tỉnh, nâng đỡ và đưa chúng con lên cao. Tạ ơn Cha vì những gì cuộc đời đã
làm cho chúng con, và những gì chúng con đã làm được cho cuộc đời. Xin
cho chúng con sống những ngày Tết dân tộc trong tinh thần vui tươi, hòa nhã, và
không quên những ai nghèo khổ, cô đơn. Ước gì những lời chúng con chúc
cho nhau là những lời chúc lành xuất phát từ trái tim yêu thương. Và lạy Cha, năm mới đã đến, trái đất lại xoay
một vòng mới quanh mặt trời, chúng con cũng muốn ở lại trong quỹ đạo của Cha, nhận
Cha là trung tâm cuộc sống, và nhận mọi người là anh em. Amen.” (Lời Nguyện Rabbouni #81).
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment