Monday, October 31, 2022

Thứ Ba Tuần XXXI Thường Niên – Năm C –1-11-2022 – Lễ Các Thánh

Thu Ba XXXI TN

Mát-thêu 5:1-12a

1Khi ấy, thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi.  Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. 2 Người lên tiếng dạy họ rằng: 3“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. 4 Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. 5 Phúc thay ai sầu khổ,
vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. 6 Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng. 7 Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. 8 Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. 9 Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. 10 Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. 11 Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại
và vu khống đủ điều xấu xa. 12a Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay Giáo hội mừng Lễ Các Thánh Nam Nữ, một ngày lễ quan trọng trong Phụng vụ Kitô giáo, bởi nó không chỉ mở ra một viễn cảnh cho đời sống của mọi Kitô hữu, nhưng còn hướng mọi người đến cuộc sống mai sau, vĩnh cửu trong Thiên Chúa, rằng: Sự sống này chỉ biến đổi mà không mất đi và cuộc đời này là một giai đoạn chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu trong Thiên Chúa.  Hôm nay là Lễ kính các thánh nam nữ, nhưng Giáo hội lại mời gọi tôi cầu nguyện với bài giảng rất nổi tiếng của Chúa Giêsu: Bát Phúc.  Bát Phúc còn được gọi là Tám Mối Phúc Thật, quả là không sai, bởi những mối này là những phúc rất lớn, là những chìa khóa vàng giúp tôi mở được cửa Thiên Đàng.  Nếu Mô-sê được nhiều người biết đến với hai bia đá Mười Điều Răn, thì Chúa Giêsu là Tám Mối Phúc Thật.  Nếu như, Mười Điều Răn là đại diện cho Luật cũ, là bản tóm lược toàn bộ triết lý sống của Do-thái giáo, thì Tám Mối Phúc đại diện cho Luật mới và là bản tóm lược toàn bộ triết lý sống của Kitô giáo.  Có thể nói, Tám Mối Phúc Thật là Hiến Chương của Kitô giáo, đánh dấu sự tách ly khỏi Do-thái giáo.  Tuy nhiên trong thực tế, đại đa số Kitô hữu lại rất nồng ấm với Kinh Mười Điều Răn, nhưng lại rất thờ ơ với Kinh Tám Mối Phúc Thật!  Tại sao vậy?  Tôi là Giêsu hữu hay vẫn là Mô-sê hữu, là môn đệ Chúa Giêsu hay vẫn là môn đệ Mô-sê, thuộc về Đạo Giêsu hay vẫn thuộc về Đạo Mô-sê?  Tôi trả lời với Chúa Giêsu trong lúc này.

2.     Giờ cầu nguyện hôm nay tôi có thể chọn ra một trong tám mối phúc lớn mà Chúa Giêsu nói, để suy niệm và cầu nguyện.  Tôi để ý đến những phản ứng xảy ra trong tôi khi cầu nguyện với một trong những mối phúc này: sợ hãi, thiệt thòi, đau khổ, buồn, vui, mạnh mẽ, hăng hái, yêu mến, thôi thúc…  Tôi nói với Chúa Giêsu về những phản ứng này, và xin Ngài giúp tôi sống trọn mối phúc ấy trong ngày hôm nay, hoặc trong đời sống còn lại trên dương thế này.              

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, October 30, 2022

Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên – Năm C –31-10-2022

Thu Hai XXXI TN 

Phi-líp-phê 2:1-4

1Thưa anh em, nếu quả thật sự liên kết với Đức Ki-tô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, 2 thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. 3 Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. 4 Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác.

(Trích Thư Phi-líp-phê, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay tôi tiếp tục cùng với Giáo hội suy niệm và cầu nguyện với Thư Phi-líp-phê, một trong những ngục thư của Phao-lô.  Giờ cầu nguyện hôm nay tôi có thể đọc đi đọc lại nhiều lần những lời trên của Phao-lô để có dịp sống lại những tâm tình lúc bấy giờ của Phao-lô dành cho cộng đoàn của ngài.  Những lời khuyên ấy vẫn còn thích hợp và cần thiết cho đời sống cộng đoàn và gia đình tôi hôm nay, trong đó mọi người cần đồng lòng, đồng trí trong khiêm nhường, yêu thương và phục vụ lẫn nhau.  Tôi muốn cầu xin ơn này cho cộng đoàn và gia đình của tôi.

2.     Marcus Tullius Cicero (106-51 TCN), một chính khách La Mã, luật sư, học giả, triết gia, nói: “Không gì giúp chúng ta dễ tiếp cận được với các thần linh cho bằng làm những điều tốt lành cho tha nhân – In nothing do we more nearly approach the gods than in doing good to other people.”  Tôi đã phục vụ và làm những điều tốt lành nào cho những người xung quanh, một cách bất vụ lợi và khiêm nhường?  Tôi có thể kể ra được không?  Kinh nghiệm ấy đã để lại trong tôi và trong lòng mọi người niềm vui và sự hòa hợp ra sao?  Kinh nghiệm ấy cũng đã dẫn tôi đến gần với Thiên Chúa như thế nào?     

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, October 29, 2022

Chúa Nhật Tuần XXXI Thường Niên – Năm C –30-10-2022

 CN XXXI TN

Luca 19:1-10

1Khi ấy, Đức Giê-su vào Giê-ri-khô, đi ngang qua thành phố ấy. 2 Ở đó có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. 3 Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. 4 Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó. 5 Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” 6 Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. 7 Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” 8 Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” 9 Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. 10 Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là một câu chuyện khá nổi tiếng về cuộc hoán cải của Da-kêu trong Phúc âm Luca.  Nổi tiếng đến nỗi, nhiều người lầm tưởng Phúc âm nào cũng có, nhưng sự thực, chỉ Phúc âm Luca có mà thôi.  Hoán cải cũng là một đề tài rất thường được Phúc âm Luca nhắc tới.  Câu chuyện Da-kêu được đặt vào chương gần cuối Phúc âm Luca, điều này cũng có nghĩa là hành trình rao giảng của Chúa Giêsu sắp kết thúc, như vậy càng làm nổi bật vai trò và sứ mạng của Chúa Giêsu, “Ngài đến để tìm và cứu những gì đã mất!”  Trong giờ cầu nguyện hôm nay, trước hết tôi để ý đến Da-kêu: một người thu thuế, tội lỗi, thấp bé, nhưng lại rất hiếu kỳ muốn gặp Chúa Giêsu.  Vì hiếu kỳ cao nên cũng đã giúp ông rất sáng tạo, không có gì có thể ngăn cản ông gặp Chúa Giêsu, dù cho ông có thấp bé và dù cho đám đông có chen lấn, Da-kêu vẫn có một chỗ cao hơn mọi người, dễ thấy Chúa Giêsu nhất và Ngài cũng dễ thấy ông nhất.  Tôi nhìn vào chính tôi lúc này: Tôi ao ước gặp Chúa Giêsu mỗi ngày, mỗi khi bước vào giờ cầu nguyện như thế nào?  Có những yếu điểm nào khiến tôi khó gặp Chúa Giêsu, và tôi đã có những sáng tạo nào để gặp được Ngài?  Động lực nào đã khiến tôi bước vào giờ cầu nguyện này, đã thúc đẩy tôi gặp Chúa?  Nếu gặp Chúa Giêsu, Ngài sẽ nói gì và sẽ làm gì với tôi? 

2.     Kế tiếp, tôi để ý đến Chúa Giêsu.  Dù đám đông có chen lấn, la ó, Chúa Giêsu đi ngang qua chỗ cây mà Da-kêu đang ở trên đó, ngay lập tức, Ngài ngước mắt lên gọi ông.  Có thể đó là một cây lớn nhất chỗ đó và có bóng mát nên Chúa Giêsu cũng định đứng dưới đó mà gặp dân chúng, cũng có thể từ trên cây Da-kêu lớn tiếng gọi Chúa Giêsu, nên vừa tới, Ngài đã nói chuyện với ông ngay?  Tại sao Chúa lại làm điều này?  Ngài thấy gì và biết gì ở Da-kêu?  Tâm hồn Da-kêu đang ngổn ngang tội lỗi, vậy mà ông vẫn muốn gặp Chúa Giêsu, chắc hẳn ông đã biết nhiều điều tốt về Chúa Giêsu, chắc hẳn ông đã rất khao khát gặp Chúa Giêsu.  Bởi thế, Chúa Giêsu đã gọi ông và muốn dùng bữa ở nhà ông.  Ông vui mừng, mời Ngài về nhà ông ngay lập tức, và một cuộc đổi đời xảy ra: ông sẵn sàng lấy phân nửa gia tài chia cho người nghèo, và nếu có hại ai ông sẵn sàng đền gấp bốn!  Đây là một dấu chỉ mạnh mẽ của việc gặp Chúa, của đổi đời.  Chúa có nhìn thấy tôi lúc này không?  Ngài biết gì và nói gì với tôi?  Tôi đáp lại Ngài như thế nào?  Nếu Chúa Giêsu muốn vào tâm hồn tôi ngay lúc này, tôi sẵn sàng không?  Tôi sẽ nói gì với Chúa Giêsu khi Ngài ở trong tôi?    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, October 28, 2022

Thứ Bảy Tuần XXX Thường Niên – Năm C –29-10-2022

 Thu Bay XXX TN

Phi-líp-phê 1:15-25

15Đã hẳn, có những kẻ rao giảng về Đức Ki-tô vì lòng ganh tị và tranh chấp, song những người khác lại làm công việc đó vì ý ngay lành. 16 Những người này làm vì bác ái, bởi họ biết rằng tôi được chỉ định để lo bênh vực Tin Mừng. 17 Còn những người kia thì loan báo Đức Ki-tô vì tính ưa tranh giành, họ không có lòng ngay, tưởng làm như thế là gây thêm khổ cho tôi, trong lúc tôi bị xiềng xích. 18 Nhưng không sao đâu!  Dù thế nào đi nữa với ý lành hay ý xấu, cuối cùng Đức Ki-tô được rao giảng là tôi mừng.  Và tôi sẽ còn mừng nữa, 19bởi vì tôi biết rằng điều ấy sẽ giúp cho tôi đạt được ơn cứu độ, nhờ lời cầu nguyện của anh em, và nhờ Thần Khí của Đức Giê-su Ki-tô phù trợ. 20 Đó là điều tôi đợi chờ và hy vọng.  Sẽ không có gì làm cho tôi phải hổ thẹn, trái lại tôi hoàn toàn vững tin.  Bây giờ cũng như mọi lúc, Đức Ki-tô sẽ tỏ bày quyền uy cao cả của Người nơi thân xác tôi, dù tôi sống hay tôi chết: 21vì đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi. 22 Nếu sống ở đời này mà công việc của tôi được sinh hoa kết quả, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. 23 Vì tôi bị giằng co giữa hai đàng: ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Ki-tô, điều này tốt hơn bội phần: 24nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em. 25 Và tôi biết chắc rằng tôi sẽ ở lại và ở bên cạnh tất cả anh em để giúp anh em tấn tới và được hưởng niềm vui đức tin mang lại cho anh em.

(Trích Thư Phi-líp-phê, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay, Giáo hội cùng đọc, suy niệm và cầu nguyện về Thư Phi-líp-phê, một trong những ngục thư nữa của Thánh Phao-lô.  Phi-líp-phê được cho là thành phố đầu tiên của Châu Âu đã được Thánh Phao-lô đến rao giảng Tin Mừng.  Toàn bộ lá thư là những lời chia sẻ những thông tin về tình trạng của thánh nhân trong tù, cùng những lời khuyên cho các tín hữu bên ngoài.  Dù ngài biết có những người này người kia ganh tị với ngài trong việc rao giảng Tin Mừng, nhưng toàn bộ lá thư là những lời trần tình đầy xúc cảm và lạc quan.  Chẳng hạn bài đọc hôm nay, thánh nhân nói về tình trạng ngài đang trong tù, tương lai mù mịt chẳng biết như thế nào, nhưng dù như thế nào đi nữa, sống hay chết cũng thuộc về Chúa Kitô!  Hoặc, những nhóm này nhóm kia ganh tị với ngài trong việc rao giảng Tin Mừng.  Thánh nhân lạc quan nhìn vấn đề: Ừ, ganh tị cũng được, miễn sao Tin Mừng được rao giảng, Chúa Kitô được mọi người nhận biết là được!  Trong giờ cầu nguyện này, tôi có thể tập trung vào những cảm xúc và tinh thần lạc quan của Thánh Phao-lô.  Có những vấn đề nào mà tôi đang phải đối diện, tôi có cái nhìn lạc quan và trìu mến hơn được không?  Sự lạc quan và trìu mến mà Thánh Phao-lô có được là nhờ hướng về Chúa Kitô.  Tôi cũng bắt chước thánh nhân, ngắm nhìn Chúa Kitô chịu đóng đinh, để được mạnh mẽ và có cái nhìn lạc quan hơn.       

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên, gạch dưới những câu và những chữ đánh động tôi nhất.  Tôi nhẩm đi ngẫm lại những câu hoặc những chữ đó.  Tôi có thể lấy một câu hoặc một chữ nào đánh động tôi mạnh nhất làm hành trang, làm ý lực sống trong ngày hôm nay. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, October 27, 2022

Thứ Sáu Tuần XXX Thường Niên – Năm C –28-10-2022 – Lễ Thánh Simon và Giu-đa Tông Đồ

Thu Sau XXX TN

Ê-phê-xô 2:19-22

19Thưa anh em, anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa, 20bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Ki-tô Giê-su. 21 Trong Người, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. 22 Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí.

(Trích Thư Ê-phê-xô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay, Thánh Phao-lô nói với các Kitô hữu của ngài, họ không còn là người xa lạ hay tạm trú, nhưng là người nhà trong tòa nhà Giáo hội, toà nhà của Thiên Chúa.  Hình ảnh này thật đẹp và quan trọng, đáng cho tôi dừng lại để suy niệm và cầu nguyện.  Người trong nhà thì biết mọi chuyện xấu, chuyện tốt của nhà, nhưng rất quan tâm, lo lắng và có trách nhiệm xây dựng, làm cho nhà đó càng ngày càng tốt đẹp hơn.  Trong khi đó, người ngoài hoặc khách tạm cư không biết rõ về nhà mà họ đang tạm dung.  Nếu có biết, có thể chỉ biết ở bề mặt; nếu có biết, chắc cũng không quan tâm phải xây dựng hay tu sửa cho nhà đó tốt hơn, bởi đó không phải là nhà của họ.  Họ biết rõ, sẽ chỉ ở tạm trong nhà ấy một thời gian ngắn rồi sẽ đi, hoàn toàn không có trách nhiệm về căn nhà ấy.  Nhà đó còn thì mai họ có thể ở tiếp; nhà đó không còn, họ đi kiếm nhà khác.  Đó là thái độ của khách trọ.  Tôi là một Kitô hữu như bao nhiêu Kitô hữu thời sơ khai, tôi có thấy tôi là người nhà trong lòng Giáo hội, hay tôi vẫn chỉ là khách qua đường?  Tôi quan tâm đến Giáo hội đến mức nào?  Phao-lô nói đức tin mạnh mẽ nhờ được xây trên nền tảng của các tông đồ, mà tảng đá góc là Chúa Kitô; tôi có thấy đời sống đức tin của tôi có vững mạnh, có dựa trên tảng đá góc là Chúa Kitô?  Tôi biết những chuyện xấu, chuyện tốt trong ngôi nhà Giáo hội, tôi còn muốn ở lại hay tôi muốn bỏ đi?  Trong giây phút này, tôi muốn tìm sự vững tin và hy vọng trong cuộc sống bằng cách, ngồi tựa vào lòng Chúa Kitô, tảng đá góc vững chắc nhất của đời tôi.  Chẳng cần nói gì, chỉ thả lòng và đầy tin tưởng như trẻ thơ, để được nghỉ ngơi trọn vẹn trong Chúa Kitô, ngay giây phút này.     

2.     Thánh Phao-lô viết: “Trong Người [Chúa Kitô], toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa.  Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí.”  Tôi có thấy những gì tôi nghĩ, những gì tôi nói, những gì tôi làm có rất khớp với Chúa Kitô, có ăn khớp với những người khác trong tòa nhà Giáo hội?  Đời sống của tôi có những chất tố gì phản ánh một cách rõ rệt Chúa Kitô trong tôi, khiến bất cứ ai gặp tôi cũng khát khao có được Chúa Kitô trong họ giống tôi?  Tôi muốn nói gì với Chúa Kitô trong giây phút này về đức tin của tôi, về tương quan giữa tôi với Ngài, và về tương quan giữa tôi với Giáo hội bao lâu nay?       

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, October 26, 2022

Thứ Năm Tuần XXX Thường Niên – Năm C –27-10-2022

Thu Nam XXX TN

Ê-phê-xô 6:10-18

10Thưa anh em, anh em hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người. 11 Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. 12 Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao. 13 Bởi đó, anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa; như thế, anh em có thể vận dụng toàn lực để đối phó và đứng vững trong ngày đen tối. 14 Vậy hãy đứng vững: lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, 15chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an; 16hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. 17 Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa. 18 Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi.  Để được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể dân thánh. 

(Trích Thư Ê-phê-xô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay, Thánh Phao-lô ví đời sống đức tin của mỗi Kitô hữu như là binh nghiệp, cần được trang bị đầy đủ binh giáp vũ khí để luôn sẵn sàng chiến đấu trong mọi lúc.  Không phải chiến đấu với con người, nhưng chiến đấu với những thế lực của sự ác luôn xuất hiện ở mọi nơi trong đời sống và trong tâm hồn của mỗi người.  Đây là một cuộc chiến không ngừng nghỉ; bởi thế lực của sự ác luôn rình rập để giựt con người ra khỏi Thiên Chúa, ra khỏi những người thân xung quanh và ra khỏi những gì rất đẹp trong tâm hồn của mỗi người.  Trước thánh nhân, Chúa Giêsu khuyên các môn đệ phải cầu nguyện luôn, và trong bài đọc hôm nay, thánh nhân cũng khuyên mọi Kitô hữu cầu nguyện không ngừng nghỉ.  Cầu nguyện để giúp tôi tỉnh thức, cầu nguyện để tôi được thêm sức mạnh và cầu nguyện để tôi chiến đấu cùng Thiên Chúa, chứ không chỉ chiến đấu một mình.  Tôi quỳ cùng Chúa và xin cho tôi được sức mạnh, sự can đảm và khôn ngoan trong cuộc chiến thiêng liêng này.    

2.  Tôi có thể đọc lại những lời trên của Thánh Phao-lô và để ý, đâu là những thế lực của sự ác quanh tôi?  Chúng đang tấn công tôi như thế nào?  Nếu tôi không ý thức đang bị tấn công, không có chiến tranh, tôi sẽ không cảm thấy cần phải chiến đấu, không cần phải trang bị và chuẩn bị.  Thủ thuật chúng là gì?  Tôi đang chiến đấu như thế nào?  Tác chiến của tôi có được cập nhật hay quá lỗi thời trước những trò tinh xảo của ma quỷ?  Vũ khí nào tôi thật sự cần thiết trong cuộc ra trận hôm nay?  Tôi đã sẵn sàng để ra trận hôm nay và sẽ ra trận như thế nào?  Chúa ở đâu trong cuộc chiến của tôi và tôi cần Ngài giúp gì?  

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, October 25, 2022

Thứ Tư Tuần XXX Thường Niên – Năm C –26-10-2022

Thu Tu XXX TN

Ê-phê-xô 6:1-9

1Hỡi anh em, kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. 2 Hãy tôn kính cha mẹ.  Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: 3để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này. 4 Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy. 5 Kẻ làm nô lệ, hãy vâng lời những người chủ ở đời này với thái độ run rẩy và sợ sệt, với lòng đơn sơ, như vâng lời Đức Ki-tô. 6 Đừng chỉ vâng lời trước mặt, như muốn làm đẹp lòng người ta, nhưng như nô lệ của Đức Ki-tô, đem cả tâm hồn thi hành ý Thiên Chúa. 7 Hãy vui lòng phục vụ, như thể phục vụ Chúa, chứ không phải người ta. 8 Anh em biết đấy: ai làm việc tốt, sẽ được Chúa trả công, bất luận nô lệ hay tự do. 9 Người làm chủ cũng hãy đối xử như thế với nô lệ.  Đừng doạ nạt nữa: anh em biết rằng Chúa của họ cũng là Chúa của anh em, Người ngự trên trời và không thiên vị ai.

(Trích Thư Ê-phê-xô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay dù đã viết cách đây hai ngàn năm, vậy mà nghe cũng vẫn rất gần trong đời sống của tôi.  Thánh Phao-lô thật tinh tế, lo cho cộng đoàn sống yêu thương hòa hợp với nhau dựa trên tình yêu, lấy Chúa Kitô là đá tảng.

2.     Giờ cầu nguyện hôm nay, tôi có thể đặt tôi vào từng vị trí mà Thánh Phao-lô đã nói, để xét mình: Cha mẹ, con cái, chủ, tớ.  Tôi đã đối xử với những người tôi có liên hệ như thế nào?  Với tất cả yêu thương và tôn trọng?  Không chỉ tình yêu bình thường, thánh nhân mời gọi tôi đối xử với những người tôi liên hệ bằng tình yêu của tôi đối với Chúa Kitô, và Chúa Kitô đối với tôi.  Có một tương quan nào mà tôi đang cảm thấy khó thực hiện được như lời thánh nhân khuyên?  Tôi cần thánh nhân giúp không?  Hãy nhìn vào đời sống chứng nhân của ngài.  Tôi cần Chúa giúp không?  Hãy nói chuyện với Ngài.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát: “Tất Cả Là Hồng Ân,” sáng tác của Lm Huy Hoàng, do Sr. Hoàng Phương trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=MfJ78D-zUZY 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, October 24, 2022

Thứ Ba Tuần XXX Thường Niên – Năm C –25-10-2022

Thu Ba XXX TN

Luca 13:18-21

18Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng rằng: “Nước Thiên Chúa giống cái gì đây?  Tôi phải ví Nước ấy với cái gì? 19 Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình.  Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được. 20 Người lại nói: “Tôi phải ví Nước Thiên Chúa với cái gì? 21 Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay đã gần vào những chương cuối cùng của Phúc âm Luca, tức là cũng gần cuối hành trình rao giảng của Chúa Giêsu, trước khi Ngài bước vào cuộc tử nạn.  Những lời Chúa Giêsu nói trong bài đọc hôm nay như là những điểm kết cho những gì Ngài đã rao giảng về Nước Thiên Chúa: rất lạc quan và đầy hy vọng.  Dù biết sắp chịu khổ hình, Chúa Giêsu vẫn tin những gì Ngài giảng dạy về Nước Thiên Chúa, Vương quốc của tình yêu, và những gì Ngài làm với tất cả yêu thương, dù nhỏ bé như hạt cải, nhưng một khi đã nảy mầm sẽ biến thành cây lớn, trở thành chỗ nương náu cho chim trời.  Lời nói của Chúa Giêsu thực sự đã trở thành hiện thực.  Vì từ ban đầu, Chúa Giêsu chỉ lập một nhóm nhỏ Mười Hai Tông đồ, những người thất học; ấy vậy mà, hôm nay đã trở thành một tôn giáo lớn nhất hành tinh và đang trở thành chỗ nương náu cho cả thế giới về nhiều mặt từ: giáo dục, y học, khoa học, nghệ thuật, văn chương, âm nhạc, cùng các chương trình cứu tế xã hội.  Tôi có thấy những gì Chúa Giêsu nói trong bài đọc hôm nay cũng là lời mời dành riêng cho tôi?  Tôi tin ở Chúa đến mức nào và dám mở lòng ra cho Ngài được bao nhiêu?  Tôi có dám để Chúa dùng, để dù tôi có tầm thường hay những việc làm tôi có tầm thường cũng sẽ trở thành siêu thường?  Tôi ngồi với Chúa trong những giây phút đầu ngày, để rồi những giây phút này có thể trở thành nhiệm mầu cho cả ngày sống của tôi hôm nay.   

2.   Điều ví thứ hai của Chúa Giêsu về Nước Thiên Chúa cũng rất quan trọng để tôi suy niệm trong giờ cầu nguyện này.  Ngài nói: Nước Thiên Chúa giống như một nắm men có thể làm dậy cả ba khối bột.  Nhờ men mà người ta có thể tạo ra những ổ bánh ngon.  Men là một hợp chất rất tầm thường, có mùi vữa rữa sinh học từ những vi sinh vật gây nên trong thực phẩm.  Tuy nhiên, dù chỉ một chút men ẩn hình trong ổ bánh, nhưng không một thợ bánh nào mà không ý thức đến sự hiện diện quan trọng của nó.  Có khi nào những việc làm tốt, những nghĩa cử yêu thương rất tầm thường của tôi lại có tác động lớn đến những người xung quanh?  Có khi nào tôi đã thấy dù chỉ những việc làm nhỏ bé, thầm kín tôi làm trong ngày lại có thể xây dựng Nước Thiên Chúa trong tâm hồn của những người xung quanh, xây dựng Nước Thiên Chúa trong xã hội tôi đang sống?  Tôi xin Chúa biến tôi, biến tất cả những việc tôi làm trong ngày sống hôm nay trở nên như men làm dậy cả gia đình, làm dậy cả cộng đoàn và làm dậy cả cuộc đời này.  Mẹ Tê-rê-xa (1910-1997) nói: “Không phải ai cũng có thể làm những chuyện lớn.  Nhưng chúng ta có thể làm nhiều chuyện nhỏ với tình yêu lớn – Not all of us can do great things.  But we can do small things with great love.”  Tôi muốn bắt đầu ngày mới của tôi trong hy vọng và lạc quan từ những việc nhỏ nhưng đầy yêu thương!  

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, October 23, 2022

Thứ Hai Tuần XXX Thường Niên – Năm C –24-10-2022 – Lễ Thánh Anthony Mary Claret

Thu Hai XXX TN

Luca 13:10-17

10Khi ấy, Đức Giê-su giảng dạy trong một hội đường. 11 Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm.  Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được. 12 Trông thấy bà, Đức Giê-su gọi lại và bảo: “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!” 13 Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa. 14 Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giê-su đã chữa bệnh vào ngày sa-bát.  Ông lên tiếng nói với đám đông rằng: “Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sa-bát!” 15 Chúa đáp: “Những kẻ đạo đức giả kia!  Thế ngày sa-bát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước? 16 Còn bà này là con cháu ông Áp-ra-ham, bà ấy bị Xa-tan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bát sao?” 17 Nghe Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là câu chuyện Chúa Giêsu chữa bệnh cho một bà bị quỷ ám, xảy ra trong một hội đường vào ngày sa-bát.  Tôi có thấy chuyện gì lạ trong bài đọc hôm nay?  Thông thường trong các trình thuật về chữa bệnh, các tác giả Tin Mừng thường kể, người ta đến xin Chúa Giêsu chữa bệnh cho họ.  Trong khi đó bài đọc hôm nay, Luca viết: Chúa Giêsu thấy bà, Ngài lên tiếng trước: “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!”  Chúa Giêsu chạnh lòng thương và chữa lành cho bà, trước khi bà kêu xin.  Luca đã rất tinh tế cho tôi thấy được nét đẹp trong tâm hồn của Chúa Giêsu trước những đau khổ của con người.  Như Edgar Allan Poe (1809-1849), một nhà thơ, nhà văn người Mỹ, chuyên viết rất nhiều thơ và truyện ngắn, nói: “Vẻ đẹp của bất kỳ hình thức nào, trong sự phát triển tuyệt đỉnh của nó, luôn kích thích tâm hồn nhạy cảm đến rơi lệ - Beauty of whatever kind, in its supreme development, invariably excites the sensitive soul to tears.”  Tôi có thể dừng ở chi tiết này để suy niệm và cầu nguyện.  Hội đường là nơi thờ phượng của người Do-thái, nhỏ, ở từng địa phương; trong khi đó, đền thờ thì lớn và chỉ có một, ở xa tận Giê-ru-sa-lem, nơi thờ phượng chính của tất cả mọi người Do-thái trong cả nước.  Câu chuyện chữa bệnh hôm nay xảy ra tại hội đường và trong ngày sa-bát.  Đối với người Do-thái, Luật Mô-sê không cho phép họ đi bộ quá 900 mét trong ngày sa-bát.  Những chi tiết này cho tôi thấy, những người có mặt trong hội đường hôm ấy toàn là những người quen, sinh sống ở địa phương đó, hoàn toàn không xa lạ với nhau.  Chúa Giêsu có thể cũng ở vùng đó và Ngài cũng đã nghe biết về người đàn bà đáng thương này.  Những người cần đến sự giúp đỡ của tôi bao giờ cũng ở gần tôi, gần đến mức quá quen, đến mức tôi chẳng muốn quan tâm, chẳng còn rung cảm được trước những khó khăn của họ.  Ai là những người đang cần sự giúp đỡ lưu tâm của tôi?  Họ đang có những nhu cầu nào?  Chúa đang mời gọi tôi làm gì cho họ?  Nếu Chúa Giêsu có mặt ở bên tôi lúc này, Ngài có thấy họ, có rung cảm trước khó khăn của họ, có làm gì cho họ không; còn tôi, có rung cảm, có muốn làm gì cho họ không?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này về những anh chị em đau khổ quanh tôi?  Tôi có thể xin cho tâm hồn tôi trở nên thật đẹp, biết rung cảm trước những đau khổ của người khác.  Văn hào Nga Leo Tolstoy (1828-1910) nói: “Nếu bạn cảm thấy đau, tức bạn còn sống; nếu bạn cảm được nỗi đau của người khác, bạn là con người – If you feel pain, you’re alive; if you feel other people’s pain, you are a human being.”

2.     Người đàn bà này đã bị còng lưng đến 18 năm, tức là đã bị khổ đau lâu lắm rồi.  Hôm nay, bà đến trong hội đường và hiện diện đúng tầm mắt của Chúa Giêsu, để Ngài trông thấy bà.  Khi thấy bà, Ngài chạnh lòng thương, cứu chữa bà ngay, để bà được đứng thẳng, trở thành con người bình thường, nhìn thấy trời xanh, hít thở khí trời một cách thoải mái và tự do.  Bởi thế, bà rất vui, rất hạnh phúc, liền ca tụng tôn vinh Thiên Chúa.  Có điều gì hay khó khăn nào, khổ tâm nào đang trói buộc tôi bao lâu nay, khiến tôi mất tự do, khiến tôi sống trong cô quạnh, khiến tôi không thật sự sống?  Tôi muốn đến gặp Chúa Giêsu và muốn ở trong tầm mắt, sự chú ý của Ngài trong lúc này.  Tôi muốn trải lòng tôi với Ngài và xin Ngài cứu chữa.  Tôi để ý những biến chuyển trong tâm hồn tôi khi nói chuyện với Ngài.  Tôi để cho những cảm xúc ấy như những lưỡi dao cắt bỏ mọi thứ dây đang trói buộc tôi bao lâu nay, để tôi dám vui, dám đứng thẳng, dám sống đầy tự do, lạc quan và hy vọng.                   

Phạm Đức Hạnh SJ

Saturday, October 22, 2022

Chúa Nhật Tuần XXX Thường Niên – Năm C –23-10-2022

CN XXX TN

Luca 18:9-14

9Khi ấy, Đức Giê-su kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: 10 “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện.  Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. 11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. 12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.’ 13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.’ 14 Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không.  Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Phúc âm Luca được gọi là Phúc âm của cầu nguyện, bởi cầu nguyện là một chủ đề được trải dài trong từng trang của Phúc âm Luca.  Chẳng hạn như bài đọc hôm nay, một dụ ngôn rất nổi tiếng về thái độ trong cầu nguyện.  Trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu đưa ra hai nhân vật lên đền thờ cầu nguyện cùng một lúc, một người là Pha-ri-sêu và người kia là người thu thuế.  Thế nhưng, thái độ cầu nguyện của mỗi vị rất khác: người kiêu căng, tự hào, kẻ khiêm nhường và hối lỗi.  Chúa Giêsu kết thúc dụ ngôn bằng câu: “Người này [người thu thuế], khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia [người Pha-ri-sêu] thì không.”  Tôi có thể đi vào từng nhân vật của dụ ngôn để có thể thấy, dụ ngôn này thực sự dành cho tôi.  Trước hết, dù Chúa Giêsu nói, người Pha-ri-sêu cầu nguyện xong, nhưng không được nên công chính; tuy nhiên xét theo luật, ông Pha-ri-sêu này là một người tốt, bởi ông ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của ông.  Tôi có thấy giống ông này không khi mà, tôi cũng giữ luật tốt lắm: cầu nguyện mỗi ngày, đi lễ hằng tuần, giữ chay hằng năm?  Chưa kể, giáo xứ có chương trình gì tôi cũng tham gia và đóng góp rất quảng đại.  Đây là một mẫu người mà cha xứ nào cũng thích, bởi họ làm được việc; họ giúp giáo xứ sống còn, có tiền để chi trả những chi phí của giáo xứ.  Những việc giữ luật và hảo tâm của tôi là tốt, nhưng nếu không để ý, tôi sẽ rất dễ biến mình trở thành một Pha-ri-sêu hiện đại.  Người Pha-ri-sêu bị mắc chứng kiêu căng, không chỉ với đồng loại, ông lại kiêu căng cả với Thiên Chúa.  Ông bước vào giờ cầu nguyện là để kể công, chứ không phải để được Chúa xót thương.  Ông tự cho mình là công chính chứ không cần Thiên Chúa chuẩn nhận ông là công chính.  Đáng tiếc!  Tôi ngồi với Chúa trong giây phút này để xin được sửa mình, hoán cải, thay vì đứng thẳng, ưỡn ngực tự hào, vỗ ngực xưng tên với thiên hạ và Thiên Chúa. 

2.  Tôi cũng để ý đến nhân vật thứ hai của dụ ngôn, một người thu thuế.  Ông có một thái độ rất đáng mến.  Trước mặt Chúa, ông nhận mình là người tội lỗi nên đứng xa xa, không dám đến gần nơi cực thánh.  Ông không dám ngẩng cao đầu, nhưng cúi đầu và đấm ngực ăn năn, cầu xin lòng thương xót của Chúa.  Chúa Giêsu kể ông là người công chính.  Công chính không tự nơi ông, nhưng từ sự chuẩn nhận của Thiên Chúa.  Có khi nào tôi bước vào giờ cầu nguyện và cũng có thái độ giống người thu thuế này?  Tôi cảm thấy tâm hồn những lúc ấy như thế nào?  Gần Chúa hay xa Chúa?  Chúa gần tôi hay Ngài tránh xa tôi?  Thực sự, dù tôi có tốt đến bao nhiêu, giữ luật như thế nào, trước mặt Chúa, tôi chẳng là gì.  Tôi vẫn phải dựa vào lòng thương xót và yêu thương của Ngài.  Tôi muốn phủ phục trước mặt Chúa trong lúc này để được tình yêu Ngài tưới gội, ướt sũng con người tôi.  Tôi thì thầm cùng Chúa: Lạy Chúa xin thương xót con là kẻ đầy yếu đuối lỗi lầm! 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, October 21, 2022

Thứ Bảy Tuần XXIX Thường Niên – Năm C –22-10-2022 – Lễ Thánh Gioan Phao-lô II, Giáo Hoàng

Thu Bay XXIX TN

Ê-phê-xô 4:7, 11-16

7Thưa anh em, mỗi người chúng ta đã nhận được ân sủng tuỳ theo mức độ Đức Ki-tô ban cho… 11Chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. 12 Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Ki-tô, 13cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô. 14 Như vậy, chúng ta sẽ không còn là những trẻ nhỏ, bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý, giữa trò bịp bợm của những kẻ giảo quyệt khéo dùng mưu ma chước quỷ để làm cho kẻ khác lầm đường. 15 Nhưng, sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Ki-tô vì Người là Đầu. 16 Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình.  Như thế Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái.”

(Trích Thư Ê-phê-xô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay bao gồm hai ý chính: Thứ nhất, nhận biết đặc sủng nơi mỗi người.  Thánh Phao-lô, từ trong tù, hướng về cộng đoàn của ngài mà nhắn nhủ mọi người, hãy khám phá và nhận biết những đặc sủng Chúa ban cho từng người, đừng chia rẽ nhau vì phân bì hay so sánh những đặc sủng của nhau, nhưng phải đoàn kết xây dựng thành một cộng đoàn phong phú.  Giờ cầu nguyện hôm nay, tôi có thể nhìn vào chính tôi, không nhìn vào ai khác, để nhận ra đâu là những đặc sủng, những món quà mà Thiên Chúa đã đặt vào cuộc đời tôi và muốn tôi phát triển hết mức.  Tôi đã đón nhận những đặc sủng ấy và phát triển chúng như thế nào, hay tôi không hài lòng và chỉ càm ràm vì sao tôi không được những cái như người ta?  Người Mỹ có câu: “Compare and despair – so sánh đi liền với thất vọng”.  Đây là điều tối kỵ trong đời sống chung, nhưng cũng là điều không dễ tránh khỏi.  Tôi để ý tâm trạng của tôi những lúc so sánh mình với người khác: sự so sánh ấy đã làm cho tôi buồn hay vui, hy vọng hay thất vọng?  Tôi để ý tâm trạng của tôi những lúc không so sánh với ai, nhưng đón nhận những gì mình có và tập trung phát triển hết mức: Tôi có buồn hay vui, bình an hay bất an?  Tôi nói chuyện với Chúa về thái độ hay so sánh tôi với những người khác và xin Ngài giúp đỡ.  Tôi bày tỏ lòng biết ơn Chúa về những gì tôi nhận được trong cuộc sống và đã làm cho nó phát sinh thành những hoa quả tốt trong đời sống. 

2.  Ý thứ hai tôi có thể tập trung trong giờ cầu nguyện hôm nay, đó là: Sống đạo trưởng thành.  Lời khuyên này dù đã được viết ra cách đây cả hai ngàn năm, nhưng vẫn còn thích hợp với đời sống của tôi hiện nay.  Bởi vẫn còn đó quanh tôi đầy những thầy dạy, những học thuyết và lý luận trong thời đại của Social Media, Youtube, Tweeter, Facebook  Người ta không còn kiên nhẫn tra cứu Kinh Thánh, không còn tin vào truyền thống của giáo hội, không còn muốn chịu thương chịu khó, nhưng chỉ muốn thỏa mãn tức thời theo kiểu mì ăn liền, những giải pháp nông cạn cho những vấn đề phức tạp.  Tôi có cảm thấy bị chao đảo trong việc sống đức tin hiện nay?  Tôi có cảm thấy hoang mang, nghi ngờ Thiên Chúa, Giáo hội, Giáo Hoàng?  Tôi đọc lại những lời khuyên của Thánh Phao-lô và nhận định lại lối sống và niềm tin của tôi sao cho trưởng thành, không thể giữ đạo kiểu ba phải, học thuyết nào cũng tin, thầy dạy nào cũng theo, gió thổi chiều nào theo chiều đó.  Tôi muốn nói gì và xin gì cùng Chúa trong giây phút này? 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, October 20, 2022

Thứ Sáu Tuần XXIX Thường Niên – Năm C –21-10-2022

 Thu Sau XXIX TN

Ê-phê-xô 4:1-6

1Thưa anh em, tôi là người đang bị tù vì Chúa, tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. 2 Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. 3 Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau. 4 Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. 5 Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. 6 Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người, và trong mọi người.

(Trích Thư Ê-phê-xô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Sau lời nguyện rất đẹp của Thánh Phao-lô cầu nguyện cho cộng đoàn của ngài, trong bài đọc hôm qua, là những lời khuyên dành cho họ, trong bài đọc hôm nay.  Tôi có kinh nghiệm sống xa, hoặc trước khi rời xa những người thân của tôi bao giờ chưa?  Tâm tình của tôi những lúc ấy là gì?  Có phải như Thánh Phao-lô, người đang ở trong tù hướng về cộng đoàn của ngài, trong bài đọc hôm nay, đó là: Mong những người ở xa hoặc ở lại biết đoàn kết, gắn bó, thương yêu nhau, giữ tình hiệp thông và duy trì những truyền thống và giá trị tốt của nhau?  Tôi dành giây phút này, đọc lại những lời khuyên trên và cầu nguyện hoặc viết thư khuyên nhủ những người ở xa, biết sống tình hiệp thông, đoàn kết, yêu thương, giữ gìn những nét cao đẹp truyền thống của tổ tiên, của gia đình và của tình bằng hữu.   

2.     Một trong những khó khăn lớn nhất trong bất kỳ đất nước nào, tôn giáo nào, cộng đoàn nào và gia đình nào, đó là: sự hiệp nhất.  Trong xã hội, người ta dùng quyền lực, tiền bạc và bạo động để bắt mọi người hiệp nhất với nhau.  Trong niềm tin và gia đình Kitô giáo chỉ hai cách duy nhất giúp mọi người hiệp nhất với nhau, đó là: Cầu nguyện và yêu thương.  Ngay từ thời Chúa Giêsu, Ngài đã quan tâm đến sự hiệp nhất giữa các tông đồ.  Ngài cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa họ như tôi thấy trong Phúc âm Gioan: Lạy Cha xin hãy cho mọi người hiệp nhất nên một, như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha.  Xin Cha cho mọi người nên một trong chúng ta, hầu cho thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17:21).  Đến thời Thánh Phao-lô, ngài đau đáu cũng chỉ một điều giữa các cộng đoàn, đó là: hiệp nhất, như tôi thấy trong bài đọc hôm nay.  Thế nhưng hai ngàn năm qua, Giáo hội đã chia năm xẻ bảy.  Vì thế, lời cầu nguyện liên lỉ của Giáo hội trong mọi Thánh lễ suốt hai ngàn năm qua cũng vẫn chỉ là: Hiệp nhất.  Thánh Giáo hoàng Phao-lô VI đã cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong Giáo hội như sau:  Lạy Chúa Giêsu, trước ngày chịu chết vì chúng con, Chúa đã nguyện cầu cho các Tông đồ và tất cả mọi người được liên kết với nhau nên một, như Con ở trong Cha và như Cha ở trong Con.   Xin cho chúng con cảm thấy xót xa đau buồn về những thất tín, chia rẽ nơi chúng con.  Xin cho chúng con biết thẳng thắn nhìn nhận, và có lòng cam đảm để khai trừ mọi lãnh đạm, lòng nghi ngờ và tính đố kỵ tiềm ẩn nơi chúng con.  Xin cho chúng con được gặp nhau trong Chúa hầu cho tâm hồn và môi miệng chúng con luôn vang lên lời nguyện cầu hiệp nhất như lòng Chúa ước ao.  Lạy Thiên Chúa Tình Yêu hoàn hảo, xin giúp chúng con tìm thấy nơi Chúa con đường dẫn đưa đến Hiệp Nhất trong đức Vâng Phục, đến Yêu Thương và Sự Thật.  Amen.”  Tôi muốn cùng Thánh Giáo hoàng Phao-lô VI cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong Giáo hội, trong gia đình và trong mọi tương quan giữa tôi với mọi người xung quanh.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát: “Bài Ca Hiệp Nhất,” sáng tác của Lm Thành Tâm, do Ca đoàn Thánh Linh Kansas City trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=uNZTv9E6Fdg

Phạm Đức Hạnh, SJ