Thursday, August 25, 2022

Thứ Sáu Tuần XXI Thường Niên – Năm C –26-8-2022

Thu Sau XXI TN

1 Cô-rin-tô 1:17-25

17Thưa anh em, Đức Ki-tô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng, và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo, để thập giá Đức Ki-tô khỏi trở nên vô hiệu. 18 Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa. 19 Vì có lời chép rằng: Ta sẽ huỷ diệt sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan, và sẽ vứt bỏ sự thông thái của người thông thái. 20 Người khôn ngoan đâu?  Người học thức đâu?  Người lý sự của thời này đâu?  Thiên Chúa lại đã không để cho sự khôn ngoan của thế gian ra điên rồ đó sao? 21 Thật vậy, thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận biết Thiên Chúa ở những nơi Thiên Chúa biểu lộ sự khôn ngoan của Người.  Cho nên Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin. 22 Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, 23 thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. 24 Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. 25 Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.

(Trích Thư Cô-rin-tô I, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Thánh Phao-lô, trong bài đọc hôm nay, nói về thái độ khó chấp nhận thời bấy giờ, khi ngài rao giảng Tin Mừng Thập Giá.  Thời ấy người ta cho rằng, Tin Mừng Thập Giá là một sự điên rồ và là một nỗi ô nhục; họ không muốn đón nhận những gì ngài rao giảng.  Ngày hôm nay có lẽ càng khó hơn bởi, khi mà sự cạnh tranh mạnh được yếu thua, càng mạnh càng tốt càng hoan nghênh, đang được đề cao đến mức như đang trở thành một nếp sống hiện đại, thì hy sinh, khiêm nhường, trở nên nhỏ bé là một điều rất dại.  Chính ở điều này mà tôi có thể cảm thấy, sống niềm tin Kitô giữa cuộc sống, thật sự, không dễ chút nào, ở mọi thời đại.  Tôi có kinh nghiệm này bao giờ chưa, khi người đời mỉa mai vì nhà thờ của tôi, vì nhà của tôi, vì trên xe của tôi và vì trên cổ tôi đâu đâu cũng thấy hình thập giá, trên đó một con người chết trần như nhộng?  Người ta rất khó hiểu tại sao tôi lại thờ một hình ảnh rất mất thẩm mỹ như vậy.  Tôi phản ứng như thế nào khi có ai mỉa mai niềm tin của tôi: giận dữ, buồn, xấu hổ, tự hào, vui, ôn tồn giải thích, nổi nóng biện hộ, hoặc phản ứng ngang như cua?  Tôi đặt tất cả những thái độ này trong bàn tay của Chúa Giêsu, Đấng chết vì yêu tôi, mà ngày hôm nay đang khiến tôi cảm thấy xấu hổ hoặc tự hào, biết ơn, và nói chuyện với Ngài xem Ngài nghĩ sao về thái độ của tôi.     

2.     Giữa những thử thách và chống đối, Phao-lô vẫn tự hào và hãnh diện rao giảng về Chúa Kitô chịu đóng đinh.  Tôi đọc lại bài đọc trên và tìm trong đó những câu, những lời, những ý có thể làm phương châm và nền tảng cho đời sống đức tin của tôi, loan báo Tin Mừng trong thế giới hôm nay.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Giêsu Tình Thập Giá,” sáng tác của Sr. Quỳnh Thoại, do Minh Nguyệt trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=9X7UVblcCxY

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment