Luca 9:28b-36
28bKhi ấy, Đức Giê-su lên núi cầu nguyện đem
theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê. 29 Đang lúc
Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh
chói loà. 30 Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó
là ông Mô-sê và ông Ê-li-a. 31 Hai vị hiện ra, rạng ngời
vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại
Giê-ru-sa-lem. 32 Còn ông Phê-rô và đồng bạn thì ngủ mê
mệt; nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giê-su, và hai
nhân vật đứng bên Người. 33 Đang lúc hai vị này từ biệt
Đức Giê-su, ông Phê-rô thưa với Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật
là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một
cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” Ông không biết mình đang nói gì. 34 Ông
còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng
sợ. 35 Và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta,
người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!” 36 Tiếng
phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Đức Giê-su. Các môn đệ giữ kín chuyện này, và trong những
ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy.
(Trích Phúc âm Luca,
bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu
nguyện
1.
Hôm nay Lễ Chúa Giêsu Hiển Dung
hay còn gọi là Lễ Chúa Biến Hình. Bài
đọc hôm nay ghi nhận biến cố Chúa Giêsu dẫn ba môn đệ lên núi cầu nguyện, và
đang lúc Ngài cầu nguyện, diện mạo Ngài đã biến đổi sáng láng đến lạ thường. Đây là lần đầu tiên Chúa Giêsu hiển dung
trước mặt các môn đệ, được ghi nhận trong Phúc âm Luca. Tuy nhiên, với niềm tin, chắc chắn Chúa Giêsu
còn hiển dung ở mọi nơi và rất nhiều lần trong mọi thời đại, kể cả hôm nay. Việc Chúa biến hình khắp nơi hôm nay không
thể hiểu như, Ngài sẽ xuất hiện trong một hình ảnh do các họa sĩ đã tạo ra mà
tôi rất quen, nhưng bằng những hình ảnh của những người thân quen quanh tôi mỗi
ngày. Có khi nào tôi đã kinh nghiệm được
Chúa biến hình nơi những người thân quen quanh?
Chẳng hạn, một ai đó đã làm những nghĩa cử cao đẹp, bao dung, tha thứ,
yêu thương và trắc ẩn cho tôi hoặc người khác, đến mức tôi ngỡ ngàng, kính phục. Tôi cảm thấy thế nào những lúc ấy? Cảm thấy một niềm vui nhẹ nhàng, cảm thấy được
chữa lành, bình an thanh thoát, yêu thương, gần Chúa và gần mọi người hơn? Những cảm giác này có thể đã ở lại trong tôi một
thời gian rất dài, có thể đến ngày hôm nay?
Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu trong lúc này?
2.
Các môn đệ chứng kiến Chúa biến
hình, nhưng rồi chỉ muốn làm nhà trên núi, không muốn xuống núi nữa. Tôi có kinh nghiệm này bao giờ chưa? Chẳng hạn những giây phút cảm thấy ngất ngây
trong cầu nguyện, chỉ muốn ở mãi trong giờ cầu nguyện. Hoặc, sau các khóa linh thao, lòng tràn ngập
niềm vui và chẳng muốn “xuống núi” về với đời thực. Tuy nhiên, tôi cần phải coi chừng những cảm
xúc trong cầu nguyện và tĩnh tâm ấy có phải đến Chúa không, hay tôi đang bị tâm
lý đánh lừa. Dấu chỉ chắc chắn để biết
những cảm nghiệm trong cầu nguyện và trong linh thao có thật sự đến từ Chúa hay
không chỉ khi ra khỏi giờ cầu nguyện, xuống núi mới biết được. Chúa không chỉ hiện diện trong nhà thờ, trong
các giờ kinh nguyện của tôi, Ngài còn chờ đợi tôi tại những nơi đau khổ và bận
rộn nhất của cuộc đời. Dấu chỉ tôi đã
gặp Chúa trong các giờ cầu nguyện hoặc các khóa tĩnh tâm là, tôi trở nên mạnh
mẽ, hăng say, muốn dấn thân, muốn vươn ra với cuộc sống thực tế bên ngoài. Đúng như Keith
McClellan, O.S.B, một tu sĩ Dòng Biển Đức, nói: “Nếu cầu nguyện khiến bạn thụ
động và thờ ơ, đó không phải là cầu nguyện. Lời cầu nguyện đích thực luôn
dẫn tôi đến quan tâm và phục vụ -- If prayer makes you passive and
indifferent, it isn’t prayer. True prayer will bear fruit in care and
service.” Tôi ngồi bên Chúa trong
giây phút này, xin cho được tỉnh thức trong ngày, để nhận biết Ngài sẽ dẫn tôi
đi đâu và biến hình ở những đâu hôm nay. Biết đâu, Chúa lại dùng tôi để biến hình trước mặt những người trong gia đình hoặc sở làm của tôi?
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment