Luca 13:22-30
22Khi ấy, trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi ngang qua các thành
thị và làng mạc mà giảng dạy. 23 Có kẻ hỏi Người: “Thưa
Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” Người bảo họ: 24 “Hãy
chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều
người sẽ tìm cách vào mà không thể được. 25 Một khi chủ nhà đã
đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói:
‘Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!’, thì ông sẽ bảo anh em: ‘Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!’ 26 Bấy
giờ anh em mới nói: ‘Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài
cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi.’ 27 Nhưng
ông sẽ đáp lại: ‘Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân
làm điều bất chính!’ 28 Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng,
khi thấy các ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở
trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. 29 Thiên
hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. 30 Và
kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống
hàng chót.”
(Trích Phúc Luca, bản dịch của Nhóm
Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Bài đọc hôm nay nêu bật một nỗi khát
khao đã nằm trong tâm thức của con người và trải dài trong suốt chiều dài của
lịch sử nhân loại, đó là: ơn cứu độ. Cứu
độ là câu hỏi cứu cánh của con người, bởi nhờ đó mà tôi có câu trả lời cho tất
cả những khúc mắc mang tính hiện sinh của tôi, chẳng hạn như: Tại sao tôi có
mặt trên đời? Tôi từ đâu đến? Tôi sẽ đi đâu? Cuộc đời này có ý nghĩa gì? Có sự sống đời sau không? Trong bài đọc hôm nay, một người đến hỏi Chúa
Giêsu: “Thưa Ngài, những người được cứu
thoát thì ít, có phải không?” Hỏi
như vậy cũng ngầm ý muốn hỏi: Tôi có ở trong số ít người được cứu độ đó
không? Chúa Giêsu trả lời: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào,
vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.” Hằng ngày, có thể tôi vẫn bỏ tiền ra mua
những tấm vé số với một hy vọng sẽ trúng số; mà không chỉ mong trúng bằng số
tiền tôi bỏ ra mua vé, nhưng sẽ trúng nhiều gấp trăm triệu, gấp tỉ lần số vốn
của tờ vé số. Dù biết rằng, cả trăm
triệu người mới có một người trúng độc đắc, thế mà tôi vẫn mua. Như vậy khi mua vé số, tôi đã chọn con đường
hẹp đó! Có bao giờ tôi bi quan, sợ hãi,
nặng tề và tiêu cực khi mua vé số không?
Ấy thế mà sao tôi lại quá bi quan, sợ hãi, nặng nề và đầy tiêu cực khi
Chúa Giêsu nói tôi phải qua cửa hẹp, phải từ bỏ cái nhỏ của cuộc đời này để
được cả Nước Trời, lớn hơn đến mức, không thể tả nổi so với vé số độc đắc của
tôi nữa? Chẳng biết từ bao giờ và chẳng
biết bởi đâu, nhiều người thường có cái nhìn rất tiêu cực, rất sợ hãi, rất bi
quan về kiểu nói “cửa hẹp” trong câu nói của Chúa Giêsu. Nghe như thể, theo Chúa là đời tôi mất vui,
là đời tôi tàn rồi, vì phải bỏ nhiều thứ quá!
Theo Chúa, tôi chẳng bao giờ lỗ, mà luôn luôn lời gấp trăm triệu, tỉ lần,
đến không thể tả nổi. Hóa ra, chỉ có
Chúa lỗ! Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu
trong lúc này? Tôi có cảm thấy hổ thẹn
với Chúa Giêsu về lời mời gọi của Ngài, phải đi qua cửa hẹp, hoặc phải từ bỏ,
để được cứu độ, để vào được Nước Trời?
2.
Tôi có thể rất tiêu cực, rất sợ
hãi khi không đi qua nổi cửa hẹp, để rồi sẽ phải đứng ngoài, bị ném vào nơi
khóc lóc tối tăm. Có lẽ tôi cần phải
hiểu rõ cửa hẹp, hoặc từ bỏ là gì? Cửa
hẹp hoặc từ bỏ, đó là sống đúng, sống tốt, sống ngay lành, sống có Chúa. Cửa hẹp, hoặc từ bỏ mà Chúa Giêsu nói không
phải là Ngài đòi hỏi tôi phải bỏ những gì đang làm cho cuộc đời tôi vui, mạnh
khỏe, hạnh phúc và đáng yêu; trái lại, Ngài mời gọi tôi phải loại bỏ khỏi con
người tôi tất cả những gì đang làm cho tôi không vui, không khỏe mạnh, không
hạnh phúc, không đáng yêu, mất tự do.
Như vậy tôi thấy, việc theo Chúa và việc tôi đi vào cửa hẹp là một điều
rất đáng làm, rất đáng chuộng, mọi người nên làm. Tôi sẽ làm gì từ hôm nay để tập trong tôi một
nếp sống, một thói quen luôn tìm con đường hẹp để đi? Chẳng hạn, tôi bỏ con đường rộng thênh thang
của những ngồi lê đôi mách, của những nói hành nói xấu, của những xét đoán vội vàng mà phần đông ai cũng
làm, để đi vào con đường hẹp bằng cách giữ mồm giữ miệng, giữ lời ăn tiếng nói, suy nghĩ và tìm hiểu cho tường trước khi xét đoán ai sao cho, tâm tôi bình an, gia đình luôn có hòa khí yêu thương, cộng đoàn luôn đoàn kết yêu thương nhau.
Tôi có thể MUỐN CHỌN bớt một giờ chơi, bớt những cái thứ yếu trong ngày để
cầu nguyện hoặc đi lễ, qua đó tôi được gặp Chúa, được ở bên Chúa, được Chúa bổ
sức, được gặp cộng đoàn, được gần gũi với tha nhân; chứ tôi không PHẢI cầu
nguyện, PHẢI đi lễ, PHẢI làm việc bác ái để được lên thiên đàng, để khỏi sa hỏa
ngục. Nếu tôi làm bất cứ việc gì để chỉ
để được lên thiên đàng, để khỏi sa hỏa ngục, mà không để được có Chúa, thì
thiên đàng và hỏa ngục cũng chẳng có gì khác nhau, vì không có Chúa. Như vậy từ hôm nay, tôi muốn thay đổi cách
nói, cách nghĩ, cách hành xử của tôi, tất cả đều là: TÔI MUỐN, chứ không phải
là: Tôi Phải.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment