Mát-thêu 19:3-12
3Khi ấy, có mấy người Pha-ri-sêu đến gần
Đức Giê-su để thử Người, họ nói: “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ
lý do nào không?” 4 Người đáp: “Các ông không đọc thấy
điều này sao: thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có
nữ, 5 và Người đã phán: ‘Vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha
mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.’ 6 Như
vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người
không được phân ly.” 7 Họ thưa với Người: “Thế sao ông Mô-sê
lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ?” 8 Người bảo họ:
“Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở
ban đầu, không có thế đâu. 9 Tôi nói cho các ông biết:
Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm
tội ngoại tình.” 10 Các môn đệ thưa Người: “Nếu làm chồng mà
phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn.” 11 Nhưng
Người nói với các ông: “Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ
những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu. 12 Quả vậy, có
những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có
những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý
không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được
thì hiểu.”
(Trích Phúc âm
Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu
nguyện
1.
Bài đọc hôm nay là một đoạn Tin
Mừng rất nổi tiếng mà đại đa số người Công giáo, hoặc ít ra, phần lớn người
Công giáo Việt Nam đều biết đến, bởi phần nhiều các tấm thiệp cưới hoặc tiệc
cưới đều trích dẫn câu Kinh Thánh rất nổi trội trong bài đọc này: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người
không được phân ly.” Tuy nhiên, càng
ngày càng có ít đám cưới chọn bài đọc này, ít trích dẫn và trang trí tiệc cưới
với câu nói này; thậm chí, có những linh mục ngại chọn giảng bài đọc này, bởi số
người ly dị ngày càng tăng. Có phải họ
sợ sẽ không sống được như câu Kinh Thánh này chăng? Có phải một số linh mục ngại giảng bài này vì
sợ đụng chạm đến nhiều người đi lễ cưới đang ngồi bên dưới vì họ đã ly dị, hoặc
tệ hơn nữa đang sống trong tình trạng rối chăng? Cũng có thể vì lời Chúa Giêsu dạy khó quá
khiến một số người Công giáo ngày nay sợ không dám cử hành bí tích hôn phối
trong nhà thờ, chỉ sống với nhau, hoặc chỉ làm giấy chứng hôn ở tòa đời
chăng? Có người tránh không chọn câu
Kinh Thánh trên, mà chọn câu: “Thiên Chúa
là Tình Yêu”. Nhưng, nếu sống được
như Thiên Chúa là Tình Yêu, sẽ chẳng bao giờ có chuyện phân ly! Nếu là người Công giáo mà lại đặt luật đời
lên trên luật Chúa, vậy có còn là người Công giáo nữa không, có còn tin và
tuyên xưng Chúa trên hết mọi sự nữa không?
Tôi dành giây phút này cầu nguyện cho những người trẻ sắp bước vào đời
sống hôn nhân, cho họ có can đảm chọn đúng người và đúng ý Chúa. Tôi cầu nguyện cho tất cả những người đang
sống đời sống gia đình được sống đúng như lời thề ban đầu của họ, đúng nghĩa
yêu thương.
2.
Thực sự Chúa Giêsu không
khó. Ngài không có ý trói buộc con người
trong khổ đau. Câu nói của Chúa Giêsu
phải được đặt vào trong bối cảnh của nó.
Bối cảnh lúc bấy giờ đó là, nữ giới bị xem như là đồ vật, không phải là
con người. Họ không có quyền sở hữu bất
cứ thứ gì, kể cả thân xác họ. Họ không
thể tự động ra đường một mình, nhưng luôn phải đi với một người đàn ông. Trong xã hội đầy bất công ấy, một người nữ có
chồng là một cái phúc cho họ bởi, họ không chỉ không bị mang tiếng là “ế chồng”
nữa, nhưng tương lai họ còn được bảo đảm.
Trong xã hội bất công ấy, một khoản luật ràng buộc người đàn ông không
được ly dị vợ vì bất cứ lý do nào là một dấu chỉ rất nhân văn, vì nó bảo vệ
người nữ không bị xô đẩy như trái bóng trên đường, như đồ vật cứ sử dụng vài
bữa thì quẳng ra đường. Tôi đọc lại lời
Chúa Giêsu dạy trong bài đọc hôm nay và để ý Chúa Giêsu đang nói gì với
tôi? Nếu Chúa Giêsu giảng trước mặt tôi
hôm nay, Ngài sẽ giảng như thế nào để bảo vệ quyền lợi của mọi người, nam cũng
như nữ? Nếu Chúa Giêsu giảng trước mặt
tôi hôm nay, Ngài sẽ giảng như thế nào cho đầy tính nhân văn, khiến ai cũng
muốn nghe? Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu
về đời sống gia đình của tôi và đời sống gia đình của những người tôi quen
biết. Đặc biệt, tôi nói với Ngài về
những gia đình đang gặp khó khăn, cơm không lành canh không ngọt. Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát,
“Phúc Lộc Cho Người”, do nhóm Exodus
trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=Zvfq6jWowFA
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment