Monday, August 29, 2022

Thứ Ba Tuần XXII Thường Niên – Năm C –30-8-2022

Luca 4:31-37

31Khi ấy, Đức Giê-su xuống Ca-phác-na-um, một thành miền Ga-li-lê, và ngày sa-bát, Người giảng dạy dân chúng. 32 Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền. 33 Trong hội đường, có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng: 34 “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?  Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” 35 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!”  Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh. 36 Mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau: “Lời ấy là thế nào?  Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất!” 37 Và tiếng đồn về Người lan ra khắp nơi trong vùng.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay có những chi tiết có thể giúp tôi lớn lên rất nhiều trong cách nghĩ, cách hành xử của tôi, một Kitô hữu.  Trước hết, tôi để ý dân chúng sửng sốt về những gì Chúa Giêsu giảng.  Đã hai ngàn năm qua đi, tôi không thể biết Chúa Giêsu đã giảng gì trong ngày hôm ấy, khiến dân chúng sửng sốt.  Tuy nhiên, tôi có thể đoán được.  Chắc chắn, dân chúng đã cảm thấy những gì Chúa Giêsu giảng nghe rất lạ tai, rất mới, rất gần gũi, đầy yêu thương và thanh thoát, khác hẳn những gì họ từng nghe từ những kinh sư và luật sĩ của họ.  Làm sao tôi có thể quả quyết điều này?  Nếu đọc toàn bộ các phúc âm, tôi sẽ thấy những điều rất hiển nhiên về Chúa Giêsu, chẳng hạn: 1) Bất cứ Chúa Giêsu giảng ở đâu, dân chúng cũng nườm nượp đi theo, đến mức có chỗ nói Ngài và các môn đệ không có giờ để ăn; 2) Văn hóa Do-thái thời bấy giờ là văn hóa phụ hệ, trong đó nữ giới không có một quyền gì trong gia đình và xã hội; ấy vậy mà họ lại có chỗ đứng trong các bài giảng của Chúa Giêsu, Ngài luôn đứng về phía họ và bênh vực cho họ; 3) Do-thái giáo tự hào là dân riêng của Chúa nên họ coi thường các dân ngoại; ấy vậy mà, những người ngoại giáo luôn có chỗ đứng trong các lời dạy của Chúa Giêsu, thậm chí Chúa Giêsu hay dùng những người ngoại giáo để dạy những người Do-thái về niềm tin về cách sống; 4) Do-thái là một tôn giáo cổ trong đó họ xem nặng truyền thống, lễ nghi và lề luật trọng đến mức, chúng trở thành gánh nặng trong dân chúng; ấy vậy mà, Chúa Giêsu chỉ chú tâm dạy hai điều: mến Chúa và yêu người, mà vì yêu con người, Ngài sẵn sàng phạm luật để cứu người; 5) Cách thức giảng dạy của Chúa Giêsu thật gần gũi và thực tế khiến ai cũng có thể hiểu và dễ dàng liên hệ; Ngài dùng những dụ ngôn và hình ảnh thật gần với đời sống của mọi người như muối, bột, lúa mì, hoa huệ, chim trời, vườn nho, tiệc cưới để nói về Nước Trời.

2.  Giờ cầu nguyện hôm nay tôi có thể tập trung vào một trong năm điểm nổi bật trên của Chúa Giêsu và tự hỏi chính mình: Tại sao Chúa Giêsu có thể có những cái nhìn phá cách ngược với văn hóa và truyền thống như vậy?  Đã hai ngàn năm rồi, tôi có cái nhìn giống Chúa Giêsu được chút nào không?  Là một Kitô hữu, là một Giêsu hữu, tức mang căn tính của Chúa Kitô Giêsu trong mình, tôi nghĩ sao và hành xử thế nào trước những vấn đề như: bình đẳng nam nữ, vấn đề ngoại kiều, vấn đề người ngoài Công giáo, vấn đề di dân và tị nạn, vấn đề trẻ em, vấn đề người già, vấn đề án tử hình, vấn đề phụng tự…?  Tôi có cái nhìn nhân văn, văn minh, đầy bao dung về những vấn đề này như Chúa Giêsu không?  Tôi có thể cám ơn Chúa Giêsu về những gì tôi đã học được ở Ngài.  Tôi có thể nói chuyện với Ngài về những gì tôi vẫn chưa thể cởi mở.  Tôi để Chúa Giêsu nói và dạy tôi trong giờ cầu nguyện này.  Ngày hôm nay, tôi muốn chọn nghĩ và hành xử giống Chúa Giêsu ở những vấn đề nào?

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment