Mát-thêu 19:13-15
13Khi ấy, người ta dẫn trẻ em đến với Đức
Giê-su, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện. Các môn đệ la rầy chúng. 14 Nhưng
Đức Giê-su nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời
là của những ai giống như chúng.” 15 Người đặt tay trên
chúng, rồi đi khỏi nơi đó.
(Trích Phúc âm
Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu
nguyện
1.
Trẻ em là những con người đơn sơ nhỏ bé, rất cần được yêu thương, che chở
và dẫn dắt. Nếu chúng được Chúa chúc
lành và che chở thì còn gì bằng. Tôi xin
Chúa chúc lành và yêu thương chúng, nhưng chính tôi cũng phải sống là một phúc
lành trong cuộc đời của chúng và yêu thương chúng. Trong giây phút này, tôi muốn cầu nguyện đặc
biệt cho các em trong gia đình, hàng xóm và xứ đạo của tôi với lời kinh sau: “Lạy Chúa Giêsu, sau
hơn 30 năm sống dưới mái nhà ở Nadarét, Chúa đã thành một người chín chắn và
trưởng thành, sẵn sàng lãnh nhận sứ mạng Cha giao. Bầu khí yêu thương đã góp phần không nhỏ trong
việc hình thành nhân cách của Chúa. Chúa
đã học nơi thánh Giuse sự lao động miệt mài, sự mau mắn thi hành Thánh ý Thiên
Chúa, sự âm thầm chu toàn trách nhiệm đối với gia đình. Chúa đã học nơi mẹ Maria sự tế nhị và phục
vụ, sự buông mình sống trong lòng tin phó thác và nhất là một đời sống cầu
nguyện thâm trầm. Xin nhìn đến gia đình chúng con, xin biến nó thành nơi
sản sinh những con người tốt, biết yêu thương tha thứ, biết cầu nguyện và phục
vụ. Ước gì xã hội chúng con lành mạnh hơn, Giáo hội chúng con thánh thiện
hơn, nhờ có những con người khỏe mạnh, khôn ngoan và tràn đầy ơn Chúa. Amen” (Lời Nguyện Rabbouni #56).
2.
Các trẻ em đến với Chúa Giêsu, nhưng lại bị các tông đồ xua đuổi. Các tông đồ xua đuổi có thể vì khinh thường
các em cho rằng, chúng là con nít chẳng biết gì, đi chỗ khác chơi để người lớn
nói chuyện. Họ xua đuổi các em có thể vì
chỉ thấy các em không trưởng thành, nghịch phá, chẳng biết người trên kẻ dưới
là gì. Dù với bất cứ lý do nào đi nữa,
Chúa Giêsu cũng không muốn họ ngăn cản các em đến với Ngài. Có lẽ ĐGH Phanxico cũng đã đọc rất nghiêm túc
đoạn Kinh Thánh hôm nay, nên ngài rất tự nhiên, để trẻ em đến bên ngài khi ngài
tiếp kiến dân chúng. Điều này chứng tỏ
ngài rất thương các em. Trong khi đó, nhiều
nhà thờ và nhiều gia đình Việt Nam, nhan nhản những cha, những sơ, những thầy
cô, những ông bà cha mẹ đánh trẻ rất tàn nhẫn như đánh chó đánh mèo, chỉ vì
chúng ngủ gật trong nhà thờ, chỉ vì chúng nói chuyện trong nhà thờ, chỉ vì
chúng ngồi không ngay ngắn trong lớp…! Tôi
muốn nhìn lại cách đối xử của tôi với các em bao lâu nay: yêu thương, kiên nhẫn,
ân cần, quan tâm hay giận dữ, khinh thường, tàn nhẫn, ruồng rẫy? Có khi nào tôi đã làm tổn thương các em? Tôi xin Chúa chữa lành những tổn thương ở các
em, dù bây giờ chúng đã lớn đến mấy đi nữa, và tôi quyết tâm thay đổi. Có vết thương nào vẫn còn ở trong tôi từ bé cho
đến giờ do người lớn nào đó đã gây nên?
Tôi xin Chúa chữa lành cho tôi và xin cho tôi dám mở lòng tha thứ cho họ. Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng lời nguyện
cho các em bé như sau: “Lạy Cha nhân ái, từ trời cao, xin Cha nhìn xuống những gia đình
sống trên mặt đất trong những khu ổ chuột tồi tàn hay biệt thự sang trọng. Xin
thương nhìn đến những gia đình thiếu vắng tình yêu hay thiếu những điều kiện
vật chất tối thiểu, những gia đình buồn bã vì vắng tiếng cười trẻ thơ hay vất
vả âu lo vì đàn con nheo nhóc. Xin Cha
nâng đỡ những gia đình đã thành hỏa ngục vì chứa đầy dối trá, ích kỷ, dửng
dưng. Lạy Cha, xin nhìn đến những trẻ em trên thế giới, những trẻ em cần
sự chăm sóc và tình thương những trẻ em bị lạm dụng, bóc lột, buôn bán, những
trẻ em lạc lõng bơ vơ, không được đến trường, những trẻ em bị đánh cắp tuổi thơ
và trở nên hư hỏng. Xin Cha thương bảo
vệ gìn giữ từng gia đình là hình ảnh của thánh Gia Thất, từng trẻ em là hình
ảnh của Con Cha thuở ấu thơ. Xin Cha sai
Thánh Thần Tình Yêu đem đến hạnh phúc cho mỗi gia đình; nhưng xin cũng nhắc cho
chúng con nhớ hạnh phúc luôn ở trong tầm tay của từng người chúng con. Amen” (Lời Nguyện Rabbouni #57).
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment