Wednesday, August 17, 2022

Thứ Năm Tuần XX Thường Niên – Năm C –18-8-2022

Thu Nam XX TN

Mát-thêu 22:1-14

1Khi ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng: 2 “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. 3 Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến. 4 Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: ‘Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới!’ 5 Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm nông trại, người thì đi buôn, 6 còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà hành hạ và giết chết. 7 Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng. 8 Rồi nhà vua bảo đầy tớ: ‘Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. 9 Vậy các ngươi đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới.’ 10 Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách. 11 Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, 12mới hỏi người ấy: ‘Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?’  Người ấy câm miệng không nói được gì. 13 Nhà vua liền bảo những người phục dịch: ‘Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng! 14 Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít’”.

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Thành ngữ Việt Nam có câu, “Có thực mới vực được đạo”.  Chẳng biết thành ngữ này xuất hiện từ bao giờ, nhưng nó nói lên một điều rất thật, một sự liên hệ rất chặt chẽ giữa ăn uống và niềm tin tôn giáo.  Đặc biệt trong niềm tin và các tín ngưỡng ở Việt Nam, dịp cúng giỗ và lễ lạt truyền thống nào cũng đầy ắp thức ăn và hoa quả được bày trí trên bàn tiệc và bàn thờ.  Hóa ra, không chỉ người sống ăn, mà cả người chết “cũng ăn”!  Kitô giáo cũng không khác gì.  Ăn uống và tiệc tùng luôn gắn liền với niềm tin này.  Khởi đi từ Kinh Thánh, tôi có thể thấy Chúa Giêsu thường dùng những ví dụ và dụ ngôn về bữa ăn trong các bài giảng của Ngài, chẳng hạn như bài đọc hôm nay.  Chúa Giêsu cũng thường giảng dạy bên cạnh những bữa ăn, chẳng hạn như: phép lạ bánh hóa nhiều, Ngài đến dùng bữa ở nhà những người tội lỗi, nhà người thu thuế Gia-kêu, nhà các bạn như Martha, Maria và La-da-rô.  Trước khi bước vào cuộc tử nạn, Chúa Giêsu có Bữa Tiệc Ly.  Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần, với nhiều người và lần nào cũng gắn liền với thức ăn, chẳng hạn với các môn đệ trên biển hồ trong bữa ăn sáng, với các tông đồ họp nhau trong phòng đóng kín cửa vì sợ người Do-thái, với bữa ăn tối cùng hai môn đệ tại làng Emmaus.  Sau Chúa Giêsu, các tông đồ cũng thường họp nhau bẻ bánh tại các tư gia… và với thế giới Công giáo ngày nay trên toàn thế giới, ngày nào cũng có Bàn Tiệc Thánh Thể.  Nếu nhờ thức ăn hằng ngày mà tôi sống, người Công giáo cũng nhờ Bàn Tiệc Thánh Thể mà sống, mà hoạt động và hiện hữu, suốt hai ngàn năm qua.  Bài đọc hôm nay là một dụ ngôn về tiệc cưới của nhà vua, khoản đãi tất cả mọi khách mời, và khoản đãi tất cả mọi người trên đường phố, bất luận tốt xấu đều được mời vào dự tiệc của nhà vua.  Hình ảnh bữa tiệc và khách được mời nghe như tiệc Thánh Thể của Công giáo đã thực hành trong hai ngàn năm qua.  Tất cả đều được mời, nhưng có nhiều người viện cớ đủ mọi lý do để không đi.  Tôi cảm thấy như thế nào về nỗi lòng của Thiên Chúa mở tiệc cho tôi, thế mà tôi tìm đủ mọi lý do để tránh né?  Tôi là ai trong số những khách dự tiệc của Chúa mỗi ngày: người có thiệp mời hay người dưng từ ngoài đường được Chúa gọi vào?  Tôi cảm thấy như thế nào khi đến dự tiệc của Chúa, Vua Đất Trời?  Tôi muốn nói gì với Chúa Cha, Đấng mở tiệc, với Chúa Con, Chàng Rể, nhân vật quan trọng của bữa tiệc, với những người hầu là những tu sĩ, ban phần việc của giáo xứ, phục vụ trong bữa tiệc?  Bao nhiêu tình thương và bao nhiêu người phục vụ tôi, tôi không hài lòng sao, tôi không tha thiết sao?  Tôi quyết tâm từ nay đi lễ sẽ như thế nào?  

2.     Cũng giống như dụ ngôn trong bài đọc hôm qua, dụ ngôn của bài đọc hôm nay như cũng để lại những viên sỏi trong giầy của người đọc.  Có lẽ viên sỏi nổi cộm nhất trong giầy của người đọc hôm nay là, phản ứng của nhà vua với người ăn tiệc không mặc áo cưới.  Tôi có thể khó chịu về thái độ của nhà vua với khách dự tiệc.  Tôi có thể nghĩ: Ông vua này vớ vẩn và ác độc, không mặc áo cưới là chuyện đương nhiên, bởi vì người ta là người dưng được mời từ ngoài đường vào bàn tiệc nên đâu có chuẩn bị gì mà có áo cưới?  Không đúng.  Theo phong tục thời bấy giờ khi mở tiệc cưới, chủ tiệc thường chuẩn bị cả áo cưới cho mọi thực khách.  Tiệc cưới có cả một phòng riêng để sẵn áo cưới cho khách, ai đến thì chọn cho mình một áo để mặc dự tiệc.  Điều này là một vinh dự cho chủ tiệc cưới.  Người dự tiệc trong dụ ngôn đã không mặc áo cưới, đây là sự tự do chọn lựa của anh ta.  Lưu ý, đây là đám cưới của nhà vua, nên sự trang trọng và lễ nghi là ưu tiên hàng đầu, không mặc áo cưới đàng hoàng là một sự xỉ nhục với nhà vua.  Bởi thế, phản ứng của nhà vua nổi cơn lôi đình trước người khách không áo cưới là đúng.  Tuy nhiên, điều đáng chú ý hơn ở đây mà dụ ngôn muốn tôi lưu ý, đó là: Hãy luôn sẵn sàng.  Tôi có thể nhìn vào những người khách tốt xấu được mời vào dự tiệc mà hỏi chính mình: Tôi đã sẵn sàng như thế nào khi được mời vào tiệc cưới Nước Trời?  Đó chính là ngày tôi lìa đời, chẳng biết tôi giầu hay nghèo, già hay trẻ, có học hay thất học, Chúa gọi tôi về với Ngài, tôi sẵn sàng chưa?  Tôi sẽ đối diện, trả lời với Chúa như thế nào? 

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment