Monday, August 8, 2022

Thứ Ba Tuần XIX Thường Niên – Năm C –9-8-2022

Thu Ba XIX TN

Mát-thêu 18:1-5,10

1Khi ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” 2 Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông 3 và nói: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. 4 Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời. 5 Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy… 10 Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Trong bài đọc hôm nay, Mát-thêu ghi lại mẩu đối thoại khá thú vị giữa Chúa Giêsu và các môn đệ, họ muốn biết ai là người lớn nhất trong Nước Trời.  Tôi có thấy câu hỏi của các môn đệ ngây ngô không?  Họ đã theo Chúa khá lâu và ở với Chúa thật gần, ấy vậy mà vẫn còn phải ganh đua với nhau xem ai lớn ai bé trong Nước Trời.  Chúa Giêsu đặt một trẻ nhỏ giữa họ và cho họ câu trả lời: Ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời.”  Dĩ nhiên, Chúa Giêsu không nói đến sự nhỏ bé về thể lý và tuổi tác.  Bởi một người mấy chục tuổi chẳng có thể vào lòng mẹ để sinh ra lần thứ hai.  Ngài nói về sự nhỏ bé trong tâm hồn, sự khiêm nhường.  Điều này ai cũng làm được.  Trong Nước Trời, Vương quốc của yêu thương, không thể có hình bóng của vênh vang tự đắc, ganh đua tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau, không ai thống trị ai.  Tình yêu đích thực là thế.  Trong tình yêu không thể có thứ bậc trên dưới, nhưng mọi người đều như nhau; không những thế, họ còn luôn tìm mọi cách để hạ mình, trở nên khiêm nhường và nhỏ bé trước người khác.  Đúng như Thánh Phao-lô đã viết: Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.  Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cor 13:4-7).  Ngài quả quyết, chỉ tình yêu và sự khiêm nhường sẽ tồn tại mãi, cả đời này lẫn đời sau.  Tôi có thấy điều kiện Chúa Giêsu đưa ra có quá đáng không?  Có khó thực hiện không?  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu và hỏi Ngài về đức khiêm nhường trong tôi, đã khiêm nhường đủ chưa, đã nhỏ bé đủ chưa, đã có thể bảo đảm cho tôi được vào Nước Trời chưa? 

2.     Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ: Thiên Chúa đánh giá cao những tâm hồn khiêm nhường, nhỏ bé.  Ngài đặt các thiên thần để bảo vệ họ.  Khiêm nhường là một đức tính rất tốt mà mọi văn hóa và tôn giáo đều đánh giá rất cao.  Tuy nhiên, mỗi khi khiêm nhường tôi có thể cảm thấy luôn có một tiếng nói khác thúc đẩy tôi đừng khiêm nhường, như: khiêm nhường là thua thiệt, là mất mặt, là hèn nhát.  Không.  Khiêm nhường đúng nghĩa không làm cho tôi trở thành hèn nhát hay mất mặt.  C.S Lewis (1898-1963), một thần học gia nổi tiếng của Anh giáo nói như sau: “Khiêm nhường không phải là đánh giá kém về bản thân, mà là ít nghĩ về mình – Humility is not thinking less of yourself, it’s thinking of yourself less”.  Kinh nghiệm về khiêm nhường của tôi như thế nào?  Tôi có thấy, mặc dù tôi không được quan tâm lắm trong con mắt của người đời, tôi lại thấy rất quan trọng và gần trong con mắt của Chúa?  Tôi dành giây phút này để được ở thật gần bên Chúa bằng một tâm hồn khiêm hạ thật sự.  Tôi dành giây phút này để nhận ra khi nào, ở đâu và với ai tôi thường cảm thấy khó khiêm nhường, hoặc hay có sự khiêm nhường giả dối.  Tôi xin Chúa giúp.

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment