Sunday, August 7, 2022

Thứ Hai Tuần XIX Thường Niên – Năm C –8-8-2022 – Lễ Thánh Đa-minh, Linh Mục

Thu Hai XIX TN 

Khôn Ngoan 7:7-10

7Tôi nguyện xin, và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết.  Tôi kêu cầu, và thần khí Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi. 8 Đức Khôn Ngoan, tôi đã quý trọng còn hơn cả vương trượng, ngai vàng.  Tôi coi của cải chẳng là gì so với Đức Khôn Ngoan. 9 Đối với tôi, trân châu bảo ngọc chẳng sánh được với Đức Khôn Ngoan, vì vàng trên cả thế giới, so với Đức Khôn Ngoan, cũng chỉ là cát bụi, và bạc, so với Đức Khôn Ngoan, cũng kể như bùn đất. 10 Tôi đã ham chuộng Đức Khôn Ngoan hơn sức khoẻ và sắc đẹp, đã quý Đức Khôn Ngoan hơn ánh sáng, vì vẻ rực rỡ của Đức Khôn Ngoan chẳng bao giờ tàn lụi.

(Trích Sách Khôn Ngoan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc trong ngày Lễ mừng kính Thánh Đa-minh hôm nay được trích từ Sách Khôn Ngoan.  Sách Khôn Ngoan được viết ra vào khoảng năm 50-30 TCN, bằng tiếng Hy-lạp, với một giọng văn uyển chuyển, rất uyên bác và đầy tính thuyết phục.  Từ lâu, người ta đã cho rằng Vua Sa-lô-môn chính là tác giả của sách này.  Tuy nhiên, đó chỉ là một giả thuyết.  Điều chắc chắn đó là, tác giả phải là người Do-thái bởi nội dung của cả tập sách nói lên tác giả là người rất am tường văn hóa và tín ngưỡng Do-thái.  Mặc dù sách này đã được các Thánh Giáo Phụ sử dụng từ thế kỷ 2, nhưng cũng bị nhiều chống đối về tính linh ứng Kinh Thánh, trong đó có Thánh Giê-rô-ni-mô.  Sách được chia làm ba phần: 1) Vai trò của Đức Khôn Ngoan trong vận mệnh của con người -- người lành thánh tin vào Đức Khôn Ngoan thì được chúc phúc; trong khi đó, người sống xa lìa và chối bỏ Đức Khôn Ngoan thường lãnh những hậu quả đáng tiếc; 2) Nguồn gốc và bản chất của Đức Khôn Ngoan, cũng như cách thức để có được Đức Khôn Ngoan; 3) Ca tụng những việc làm của Đức Khôn Ngoan trong lịch sử dân Chúa; đặc biệt, biến cố họ được giải thoát khỏi ách nô lệ bên Ai-cập.  Phần ba của tập sách cũng chen vào những lên án việc thờ ngẫu tượng, do ảnh hưởng từ nếp sống bên Ai-cập.  Tập sách này ra đời nhằm mục đích, lôi kéo người Do-thái trở về với Thiên Chúa, bởi họ đang bị cuốn hút vào một thế giới nặng tính vật chất, với đủ mọi triết lý hấp dẫn, các tôn giáo thần bí, cùng những khoa học bí truyền của văn minh A-lê-xan-ri-a, khiến niềm tin của họ bị lung lạc và quên Thiên Chúa.  Xét ra lời kêu gọi của Sách Khôn Ngoan cũng vẫn còn hợp thời đấy chứ?  Ít ra là hợp thời với tôi?  Hằng ngày, tôi có đang bị cuộc sống vật chất với biết bao nhiêu những hấp dẫn của nó giựt kéo tôi ra khỏi Thiên Chúa, khiến tôi chẳng cần đến Ngài nữa?  Tôi có thấy sợ hay tiếc vì tôi, gia đình tôi, cộng đoàn tôi đang đánh mất Thiên Chúa?  Tôi chia sẻ nỗi sợ, sự tiếc nuối này cùng Thiên Chúa trong lúc này.

2.     Tác giả bài đọc hôm nay ca ngợi Đức Khôn Ngoan và cầu xin Đức Khôn Ngoan.  Lưu ý, tác giả viết hoa “Đức Khôn Ngoan”.  Như vậy, đây không phải là sự khôn ngoan thông thường mà tôi vẫn tìm mọi cách để thủ đắc trong từng ngày sống của tôi.  Đức Khôn Ngoan mà tác giả nói ở đây là thần khí của Thiên Chúa.  Sống làm sao để có được Đức Khôn Ngoan và đừng để mất Đức Khôn Ngoan.  Có Đức Khôn Ngoan là có tất cả, là vượt lên trên tất cả.  Tôi đọc lại bài đọc trên nhiều lần và cầu xin cùng Đức Khôn Ngoan.       

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment